Trả lời về vụ việc, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, Đại sứ quán Trung Quốc tại Bình Nhưỡng đã yêu cầu Triều Tiên trả tự do cho một chiếc tàu đánh cá cùng toàn bộ thuyền viên sau khi lực lượng chuyên trách của nước này tiến hành vụ bắt giữ hơn 10 ngày trước đây.
Sự việc trên chỉ thực sự gây sự chú ý khi Yu Xuejun, chủ chiếc tàu đánh cá cho biết trên một microblog rằng, một chiếc tàu chưa thể xác định có vũ trang hay không của Triều Tiên đã tiến hành bắt giữ tàu cá của Yu cùng 16 thành viên tại vùng biển mà chủ nhân chiếc tàu cá khẳng định thuộc chủ quyền Trung Quốc. Ngoài ra, Triều tiên còn muốn khoản tiền chuộc 600.000 tệ, tương đương 100.000 USD.
Một chiếc tàu cá Trung Quốc.
Tân Hoa xã ngày hôm qua cho biết, chủ tàu cá Yu đã gọi cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Bình Nhưỡng để kêu gọi sự giúp đỡ hôm 10/5, sau khi con tàu bị Triều Tiên bắt giữ. Jiang Yaxian, quan chức Đại sứ quán Trung Quốc cho biết, đại diện cơ quan này đã làm việc với Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Triều Tiên, “yêu cầu thả chiếc tàu cùng toàn bộ ngư dân càng sớm càng tốt”. Đại sứ quán Trung Quốc cũng khẳng định, sẽ “tiếp tục nỗ lực để đảm bảo vấn đề này được giải quyết sớm nhất”.
Dù đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên tiến hành bắt giữ tàu cá Trung Quốc nhưng sự việc bùng lên khi xuất hiện những căng thẳng trong mối quan hệ đồng minh thân cận giữa Bình Nhưỡng với Bắc Kinh làm dấy lên không ít câu hỏi. Tuy nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc nhưng hàng loạt các động thái gần đây của Triều Tiên còn cho thấy, mối quan hệ giữa đồng minh thân cận giữa 2 nước đang trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.