Những thí sinh từng đạt điểm cao trong các kỳ thi lần trước và những người nhiều năm tham gia tổ chức thi chia sẻ với các bạn một số “bí quyết”.
“Tôi cảm thấy bất ngờ vì sáu môn thi tốt nghiệp năm nay cũng trùng với sáu môn thi tốt nghiệp năm 2010” - Nguyễn Thị Hạnh Phúc, cựu học sinh Trường THPT Võ Trường Toản, TP. HCM (từng đạt 49 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010) cho biết. Theo Phúc: “Rất dễ mất cơ hội nếu tự mình bỏ một số bài ra khỏi đề cương ôn tập. Đặc biệt văn là môn thi đầu tiên, dễ ảnh hưởng tâm lý nếu làm bài không tốt, nên các bạn cần tránh việc đoán đề, loại đề”.
Thí sinh TP. HCM xem bài giải các môn thi tốt nghiệp trên báo Tuổi Trẻ năm 2011 - (Ảnh: Như Hùng)
Phúc chia sẻ thêm: “Trước ngày thi, ngoài chuẩn bị về sức khỏe và tâm lý thì nên nghiên cứu kỹ các quy định về đề thi, dụng cụ mang vào phòng thi. Ví dụ năm trước có nhiều bạn làm nhầm hai phần đề cơ bản và nâng cao hay mang các loại máy tính không được cho phép. Rất nhiều bạn chủ quan và chờ đến phút cuối mới chịu tìm hiểu các quy định này”.
Bí quyết của người đi trước "Ngày thi đã gần kề, các bạn nên nghỉ ngơi thư giãn, không nên quá lo lắng, giữ vững tinh thần, ổn định tâm lý là hết sức cần thiết, có chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, tránh thức khuya ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng làm bài" Ông HỒ PHÚ BẠC |
Trong khi đó, Nguyễn Minh Hiếu, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Du (đạt 52,5 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011), nêu kinh nghiệm: “Những ngày trước kỳ thi không nên thức quá khuya, cần đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất và quan trọng là phải chuẩn bị tâm lý thật thoải mái. Nên chuẩn bị một túi đựng hồ sơ thi trong đó có thẻ dự thi, bút và các dụng cụ cần thiết, tránh bị quên và không nên mang các thứ rườm rà như hộp bút, túi vải... Để làm tốt bài thi cần đọc kỹ đề, sắp xếp thời gian làm bài và thời gian dò lại bài, làm theo thứ tự câu dễ trước, câu khó sau, lý thuyết trước, bài tập sau. Bí quyết để đạt điểm cao các môn tự luận không phải là viết càng dài càng tốt, mà là viết ngắn gọn, đủ ý và đúng trọng tâm. Một kinh nghiệm nhỏ là khi đến trường thi cần đi vệ sinh trước và cũng để nắm vị trí khu vệ sinh gần nhất”.
Hiểu rõ những quy định
Là người làm công tác giám thị trong nhiều năm liền, cô Nguyễn Thị Hải Diệp - giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP. HCM - cho biết vi phạm lớn nhất và nhiều nhất là các thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Nhiều em bị đình chỉ thi một cách oan uổng khi vô tình để chuông điện thoại reo trong túi quần hoặc túi áo.
Cô Diệp khuyên: “Trước ngày thi, thí sinh cần chuẩn bị tất cả vật dụng cần thiết cho vào cặp táp, đến ngày thi cứ thế xách đi là không thể quên được. Trong khi thi cũng cần hiểu rõ những quy định: Rất nhiều em bị trừ điểm vì có thói quen vẽ đồ thị (môn toán) bằng bút chì trong khi quy định phải vẽ bằng bút mực. Có thí sinh vô tư dùng bút xóa trong khi quy định không được dùng bút xóa trong bài thi. Có thí sinh mang bút chì để làm bài thi trắc nghiệm nhưng quên không mang dụng cụ chuốt bút chì, chẳng may chì bị gãy không biết phải xoay xở làm sao. Thêm một lời khuyên nữa là khi đi thi cần đi sớm để tránh bị kẹt xe, xe hư... Những năm trước có một số thí sinh không được vào thi vì ngủ quên hoặc bị trục trặc xe cộ”.
Cụ thể hơn, ông Hồ Phú Bạc - trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT TP. HCM - lưu ý: “Khi nhận đề thi, thí sinh nên kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với giám thị phòng thi, chậm nhất 15 phút sau khi phát đề. Thí sinh không được rời khỏi phòng thi suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi và phải nộp bài kèm theo đề thi, giấy nháp”.
Ở môn thi trắc nghiệm, ông Bạc dặn dò: “Thí sinh ghi tên và số báo danh của mình vào vị trí tương ứng trong đề thi, xem mã đề thi (in trên đầu đề thi) và dùng bút mực hoặc bút bi ghi ngay ba chữ số của mã đề thi vào ba ô vuông nhỏ ở đầu các cột của khung mã đề thi. Sau đó dùng bút chì tô kín lần lượt theo từng cột ô có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu mỗi cột, ghi mã đề thi của mình vào hai phiếu thu bài thi. Thí sinh tuyệt đối không ký tên vào phiếu thu bài khi chưa nộp bài. Trên phiếu trả lời trắc nghiệm chỉ được tô chì đen ở ô trả lời, không được tô bất cứ ô nào trên phiếu trả lời trắc nghiệm bằng bút mực, bút bi hoặc để lại ký hiệu riêng trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Phiếu trả lời trắc nghiệm phải được giữ phẳng, không được gập và làm bẩn”.