Một tháng dễ đốt cả đại cục
Để kêu gọi tinh thần chuyên nghiệp của những người đang tham gia địa hạt bóng đá, vui chơi không quên nhiệm vụ, quả là không dễ chút nào. Với nhà quản lý, hai nỗi ám ảnh thường trực lại hiện về mỗi khi có ngày hội bóng đá.
Thứ nhất, cầu thủ phá sức. Tháng EURO, dù vẫn mang tiếng tập luyện sau khi được xả trại dăm mười ngày ngày sau vòng 20, nhưng không thi đấu nên tâm lý ăn chơi bù lại những ngày ra trận căng thẳng là phổ biến với cầu thủ ta trong tiền lệ. Nói đến ăn chơi của giới cầu thủ, đã xa rồi chuyện bia bọt thuần túy. Giờ đây, cầu thủ đa số tiền nhiều, quan hệ rộng. Chân dài, rượu mạnh, ma túy… không còn là lời cảnh báo nữa. Bập những món kia vào, thần sắc không tàn phai mới lạ.
Trong những giáo án, bài tập nâng sức bền, thể lực là khó nhằn nhất với các HLV ta. Sự khác biệt giữa HLV có chất và bình thường, còn nằm ở cách ông ta rèn luyện nền thể lực cho cầu thủ. Bóng đá ta có khái niệm chạy ra chiến thuật. Thời khắc sinh tử, giải chỉ còn 6 vòng. Sau EURO, nếu nền thể lực không đảm bảo thì cả mùa giải trôi ra sông biển là viễn cảnh không quá xa.
Nhưng ám ảnh thứ hai, nhức nhối nhất, vẫn là cầu thủ (kể cả quan chức đội bóng) sa vào nạn cá độ. Giải Ngoại hạng Anh, Champions League… đã khép lại, EURO là dịp mà dân bóng đá có máu đỏ đen và từng thua ở những giải đấu lớn trước đó nuôi mộng đòi lại những gì đã mất. Một vài trận cá độ thất bại ở EURO, có khi tiêu tan sự nghiệp kiếm tiền cả mùa giải, thậm chí cả sự nghiệp cầu thủ chắt bóp. Bi kịch nhất, là rơi vào tình trạng bị biến thành con nợ của dân xã hội đen.
Nhắm mắt làm liều
Bóng đá ta, đã có truyền kỳ cầu thủ thuộc hàng số má ở đội tuyển quốc gia phải “bán máu” (liên tục tìm kiếm những bản hợp đồng chuyển nhượng thế thân) để kiếm tiền trả nợ nếu không muốn bị “cắt gân”. Đã quá nhiêu tấm gương vì cá độ bóng đá mà tiêu tan sự nghiệp.
Thông thường, khi “vã nợ” quá, không còn khả năng chi trả, họ buộc phải làm càn, giống như bao trường hợp đổ bể do cá độ trong cuộc sống. Nếu EURO này, có kẻ rơi vào trường hợp đó, quả là thậm nguy cho CLB. Khi giải đấu chuyên nghiệp và hạng Nhất ở ta chưa được kiểm soát chặt chẽ, các biểu hiện tiêu cực đều bế tắc do thiếu bằng chứng cụ thể, thì ranh giới thất thường và tiêu cực chỉ như sợi tóc. Ngay ở giải chuyên nghiệp, cũng đã có CLB tự xử cầu thủ hàng sao của mình với nghi án tiêu cực.
Danny Welbeck (phải) của tuyển Anh ghi bàn vào lưới Bỉ trong trận giao hữu cuối cùng của Anh trước vòng chung kết EURO. Cầu thủ Việt Nam cần xem EURO với tinh thần học hỏi, chứ không phải để ăn thua trên chiếu bạc. (Ảnh: Getty)
Nguy hiểm hơn, đây cũng là dịp hai đội tuyển quốc gia sẽ tập trung để hướng đến AFF Suzuki Cup cuối năm nay, và SEA Games 27 vào năm sau. Làm sao để các tuyển thủ miễn nhiễm được các tật xấu trong dịp EURO này để sau đó không làm càn ở hai giải đấu đỉnh cao, trên cả là hai chiến dịch quan trọng trên, là điều mà các nhà quản lý cần phải lưu tâm.
Trước mỗi chiến dịch lớn, có một nỗi lo mơ hồ là chúng ta sợ không vượt qua được chính mình. Sau mỗi thất bại, đa số đều bị dư luận nghi ngờ, không coi đó là cú vấp đơn thuần về chuyên môn. SEA Games 25 tại Lào, AFF Suzuki Cup 2010, SEA Gsames 26 là thế. Đau không?
EURO là cơ hội hoàn thiện nếu…
Nếu thưởng thức với tinh thần học hỏi những tinh túy, hay chí ít coi như giải trí thuần túy.
Mỗi kỳ EURO, sẽ có nhiều trường phái, nhiều lối chơi, nhưng chỉ có một đội vô địch. Bản thân đường đến ngôi vua của giải đấu này trong 5 kỳ gần đây là cuộc chiến khốc liệt giữa lối chơi thiên về cái đẹp, phóng khoáng và tính thực dụng. Euro 1996 là Đức, đến Euro 2000 - Pháp, Euro 2004 - Hy Lạp, Euro 2008 là Tây Ban Nha.
Còn nhớ, việc Tây Ban Nha hạ gục Đức trong trận chung kết EURO cách đây 4 năm cũng gây nên một diễn đàn khá xôm tụ với các chuyên gia, HLV, cầu thủ và nhất là HLV Henrique Calisto. Họ coi việc Tây Ban Nha đăng quang là sự chiến thắng của cái đẹp. Đã có nhiều ước ao các đội tuyển Việt Nam và thầy Tô nên nhìn vào đội tuyển TBN, với những chú lùn, để xây dựng trường phái Tiqui-taca, phù hợp với tố chất khéo léo của con người Việt Nam.
Đội tuyển Việt Nam sau đó, và cả nhiều CLB, cũng đã xây dựng lối chơi với sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1, mang tinh thần Tây Ban Nha. Thầy trò ông Tô đã đăng quang ở AFF Suzuki Cup 2008. Nếu các HLV Việt Nam chú tâm, sẽ thu hoạch không ít vần đề ở EURO này. Đại tiệc nào cũng bừng sáng một vài HLV, như là một hình mẫu chuẩn mực, tạo cảm hứng cho những ai đang theo nghiệp cầm quân ở khắp năm châu, bốn biển.
Tất nhiên, cầu thủ không là ngoại lệ. Những trận đấu hay, những bàn thắng đẹp mà tác giả là những cầu thủ xuất chúng, không bổ bề ngang thì cũng có ích bề dọc với quân ta, một khi chú tâm với tinh thần học hỏi cao độ.
Đặc biệt, có thể học hỏi nhiều nhất là các trọng tài. Giới trọng tài ở ta đang chịu nhiều định kiến sâu sắc từ phía dư luận. Bản thân đội ngũ cầm cân nảy mực vẫn chưa được đánh giá cao về chuyên môn. 31 trận đấu ở EURO 2012 sẽ không tránh khỏi những hỷ, nộ, ái, ố do giới áo đen mang lại.
Được biết, sau những kỳ EURO và World Cup, Hội đồng trọng tài trước đây, và Ban trọng tài hiện nay đều được AFC gửi những băng hình về các tình huống xử lý điển hình (cả đúng lẫn sai) của trọng tài quốc tế để các trọng tài Việt Nam tham khảo ở các khóa tập huấn. Đây là dịp tốt nhất để những người cầm cân nảy mực trên sân của Việt Nam soi lại cá nhân mình, để hoàn thiện mình hơn. Số lượng trọng tài nội lên báo phân tích, mổ xẻ các tình huống của đồng nghiệp chắc chắn cũng không ít.
EURO chỉ thực sự gây hiệu ứng ngược, với những ai thưởng thức với động cơ thiếu lành mạnh. Thực tế, cũng không ít đội bóng đã nhờ được nghỉ ở những ngày hội bóng đá lớn như EURO, để xốc lại mình, chơi tiến bộ hơn và đạt được thành tích tốt hơn trước khi nghỉ.
Mong sao sau EURO này, giải đấu quốc nội lẫn các đội tuyển quốc gia không bị tác hại tiêu cực. Sáng sáng, cũng không bị tra tấn bởi đọc báo đầy rẫy những chân dung điển hình tán gia bại sản vì EURO, như tiền lệ.