TP. Hồ Chí Minh: Lao động nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, năm 2011-2012, nguồn LĐ của TP.HCM có 5,3 triệu người, trong đó, LĐ nữ chiếm tỷ lệ 52,41%; tỷ lệ LĐ nữ trong các nhóm tuổi luôn cao hơn tỷ lệ LĐ nam.

Ảnh minh họa

Khảo sát về thực trạng việc làm của LĐ nữ cho thấy, trình độ, năng lực chuyên môn của phụ nữ còn thấp, định hướng nghề nghiệp vẫn theo hướng truyền thống (dệt, may, giày da, uốn tóc, dịch vụ gia đình...); đa số phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn chỉ có thể làm được những công việc không ổn định, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, dễ mất việc. Tỷ lệ nữ tham gia công việc LĐ giản đơn chiếm 53,6%. Xu hướng đầu tư cho trẻ em gái trong học tập không được quan tâm nhiều như trẻ em trai, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực cho nhu cầu xã hội đang phát triển.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu về nhân lực nhận định: Phần lớn LĐ nam có thể chịu đựng môi trường làm việc nặng nhọc nhưng không chịu làm việc ở những nơi có mức lương quá thấp. Chính vì vậy, LĐ nữ thường là đối tượng nhắm đến của những nhà tuyển dụng muốn có chi phí nhân công thấp. Đây là nguyên nhân khiến LĐ nữ dễ rơi vào tình trạng bị bóc lột sức LĐ và dễ bị tổn thương.

Giai đoạn 2012-2015, TP tiếp tục phát triển đa dạng ngành nghề về quy mô, số lượng và chất lượng… Chương trình xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của TP đang được đẩy mạnh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phát triển năng động, quan tâm hơn đến chính sách phát triển nguồn nhân lực, đây là môi trường phù hợp với đa số LĐ nữ. Các nhóm ngành nghề phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho LĐ nữ vào làm việc tại các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm bằng nhiều hình thức linh hoạt kể cả việc làm bán thời gian.