Chúng ta kịch liệt lên án những người "hôi bia" ở Biên Hòa có thể vì ta đã thấy một hình ảnh xấu xa hay bất lực của chính chúng ta trong họ. Hình ảnh của chính ta nơi những khuôn mặt hả hê đến tàn ác đang bưng bia vác thùng ở Biên Hòa. Hình ảnh của chính ta nơi anh tài xế xe bia đang bất lực nhìn đồng bào, đồng loại mình cướp đoạt tài sản của mình. Trong đám đông đang lên án những người đã "hôi bia" ở Biên Hòa hôm 4.12, tôi tin nếu có mặt ở đó, sẽ có không ít người hòa vào đám đông “cướp bóc” mà chính họ đang lên án.
Giữ được chính mình trong các hoàn cảnh bất bình thường không phải là chuyện dễ dàng như người ta vẫn tưởng. Rõ ràng đám đông "hôi bia" không tự trên trời rơi xuống. Họ là những người đang sống trong cộng đồng chúng ta. Họ có thể là anh chị em, bạn bè, vợ chồng, con cái, bố mẹ chúng ta. Họ là những người mà thường ngày ta vẫn gặp, ta vẫn chỉ thấy một bộ mặt thân thuộc, lương thiện như chính chúng ta. Họ không đổi khác vì một biến cố xe bia lật. Họ cũng như ta không tha hóa chỉ vì một phút nông nổi nhất thời khi hòa vào đám đông hôi của.
Cuộc sống thường ngày mang cho chúng ta những khuôn mặt thân thuộc, lương thiện, là anh em, đồng nghiệp, là bạn bè, chồng vợ… Chỉ khi có những biến cố, có những sự bất thường xảy ra, như chiếc xe bia bất ngờ bị lật ở Biên Hòa, người ta mới thấy hết được phần xấu xa của mình được bộc lộ ra sao. Đám đông "hôi bia" ở Biên Hòa không từ trên trời rơi xuống. Họ là những người sống xung quanh ta. Ta có trong một phần của họ. Cái xấu mà họ trình diện ra có thể đã tố cáo chính chúng ta. Có thể vì thế chúng ta phẫn nộ, phẫn nộ như một cách tự bào chữa, tự bảo vệ chính mình.
Nhưng một bức tranh đen tối cũng có những giá trị của riêng nó. Nếu sự kiện "hôi bia" ở Biên Hòa đã lột trần một bộ mặt thật xấu xa đen tối của xã hội chúng ta thì giá trị của nó chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng ta về đạo đức xã hội, đạo đức của mỗi người trong chúng ta. Đạo đức xã hội không suy đồi ngay tức thì từ những biến cố lớn mà nó là sự tích lũy những thói xấu xa, những cái ác nhỏ nhoi len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm ở cuộc sống thường ngày.
Hãy tưởng tượng, bạn ngồi uống cà phê sáng và thử đếm xem có bao nhiêu xe qua lại trước mặt bạn trong 1 phút? Tôi đã thử ở một con phố không lớn ở Sài Gòn, một phút có khoảng 20 xe. Hãy tưởng tượng mỗi người ngồi trên 20 chiếc xe đó nhổ một bã kẹo cao su đúng một vị trí trước cửa quán, trong một ngày 12 giờ hoạt động chúng ta sẽ có một đống bã kẹo với 14.400 cái và trong một tháng sẽ có đống rác bã kẹo khổng lồ 432.000 cái. Có thể ví đám đông "hôi bia" ở Biên Hòa là một khoảnh khắc mà nhất loạt những cái xấu nhỏ của mỗi thành viên trong đám đông đó đồng loạt bộc lộ ra như chính đống bã kẹo cao su được những người qua đường nhất loạt được nhổ đúng một vị trí. Rõ ràng từ một cái xấu nho nhỏ ta có một “đống xấu xa” khổng lồ khi nó nhất loạt được bộc lộ ra đúng không? Vậy sao chúng ta không cảnh giác với những cái xấu nhỏ hằng ngày của mỗi chúng ta?
Nếu hiện tượng "hôi bia" ở Biên Hòa đã lột trần một bộ mặt thật xấu xa đen tối của xã hội chúng ta, thì nó nên được xem là hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng ta vượt ra ngoài cuộc sống đèm đẹp thường ngày, để tự hỏi mình xem ta có đang dự phần nuôi dưỡng cho những cái xấu xa của xã hội từ những thói quen thường ngày hay không? Tất cả chúng ta đều đúng, đều lương thiện, tại sao lại có những cái xấu, cái tồi tệ đó xảy ra, phải chăng nó đến từ những cái xấu nho nhỏ, cái thỏa hiệp nho nhỏ hằng ngày? Phải chăng cái xấu, cái ác đến từ sự dung dưỡng, thỏa hiệp với những cái xấu nho nhỏ, với cái bất công nho nhỏ, cái ác nho nhỏ diễn ra hằng ngày mà chúng ta coi là bình thường, như một chiếc bã kẹo cao su nhổ bậy ngoài đường vậy?
Biết phê phán rồi rút kinh nghiệm đã là tốt rồi, nhưng ngăn ngừa để cái xấu, cái ác đừng xảy ra rồi mới rút kinh nghiệm thì có phải tốt hơn không?