Phạm Thị Thu, 22 tuổi, người được anh Hiệp nhiều lần dùng thân mình chắn sóng để bảo vệ tính mạng trong chuyến tàu định mệnh, vẫn chưa hết bàng hoàng. Gương mặt còn đầy vết xước, đôi mắt sưng húp vì khóc quá nhiều, Thu nấc lên nghẹn ngào khi nhắc lại những ký ức kinh hoàng về vụ tai nạn trên biển. Dù đã 6 ngày trôi qua nhưng những ký ức đó vẫn không thôi ám ảnh cô từng giờ.
Quê Thu ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa), là con út trong gia đình có 4 anh em. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, Thu quyết định vào Nam tìm việc để đỡ đần cha mẹ. Thu làm ở phòng y tế Công ty sản xuất ống thép dầu khí Tiền Giang hơn 1 năm nay.
Còn anh Trần Hữu Hiệp (sinh năm 1988, thôn 4, xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) sinh ra ở một miền quê nghèo, khi vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Phú Thọ vào năm 2008 anh đã bươn chải làm việc ở nhiều nơi. Mãi tới năm 2011, Hiệp đầu quân vào Công ty sản xuất ống thép dầu khí Tiền Giang. Những người bạn cho biết cuộc sống của Hiệp từ nhỏ vốn đã gặp nhiều khó khăn nên anh sống rất tằn tiện để có thể giúp cha mẹ trang trải nợ nần.
Làm cùng công ty từ khá lâu, nhưng Thu làm văn phòng còn Hiệp làm ở xưởng nên rất ít khi gặp nhau. Mãi tới cuối năm 2012, công ty tổ chức cho mọi người khám sức khỏe Thu mới thấy một anh chàng với gương mặt rất hiền và có phần nhút nhát ngồi gần mình bắt chuyện và xin số điện thoại.
“Quen nhau là vậy, ngày nào cũng thấy anh nhắn tin hỏi thăm, tâm sự nhưng mặc nhiên không nhắc gì đến chuyện tình cảm, mãi gần đây anh có nói rằng anh thích em. Lúc đó em nghĩ mình còn trẻ, cũng chưa muốn xác định chuyện lập gia đình nên đã từ chối anh Hiệp”. Mọi người trong công ty thấy hai người đẹp đôi nên cũng hùa vào gán kết, mai mối cho đôi bạn trẻ.
Mặc dù bị từ chối tình cảm nhưng Hiệp vẫn luôn dành sự quan tâm, yêu thương cho cô gái đồng hương và vẫn nhắn nhủ với Thu rằng: “Anh sẽ chờ cho đến khi nào em thích anh”.
“Anh ấy cùng đi chuyến tàu xuất bến đầu tiên cũng chỉ vì trên đó có em”, Thu bắt đầu câu chuyện. Chuyến đi bắt đầu từ Gò Công (Tiền Giang) vào lúc 18h, nhưng chạy được khoảng 10 phút thì đã nghe tài công bảo ca nô gần hết xăng. Trước lúc lên tàu mọi người vẫn còn hồ hởi đùa giỡn và vẽ ra những kế hoạch vui chơi để bù đắp những gian khó khi hoàn thành một dự án ở công ty. Nhưng 30 phút sau, trời bắt đầu mưa lớn, sóng vỗ mạnh nên nhiều lần ca nô đã chao đảo, sau đó bị sa lầy ở một bãi cát phải một lúc mới thoát ra được. Thuyền dập dềnh, mọi người đã bắt đầu mệt vì say sóng nhưng vẫn phải cố gắng gây trò để giữ tinh thần. Mưa mỗi lúc một lớn, sóng đánh càng mạnh ai nấy bắt đầu hoang mang, hoảng hốt, một vài người bắt đầu cầm áo phao đi phát cho những người bị ướt mặc cho đỡ lạnh, những chiếc còn lại thì nhường cho chị em phụ nữ.
Sau khoảng 1h xuất phát thì sóng mạnh, thuyền chòng chành rồi lật úp, tất cả mọi người đều cố thoát ra ngoài, chỉ một chị bị mắc kẹt trong tàu. Một số người bám được ở phần còn nổi trên mặt nước của chiếc ca nô, số còn lại phải lấy đoạn dây thừng khoảng chừng 2m (dùng để neo thuyền) buộc vào mạn tàu để cùng bám trụ.
Thu nghẹn ngào khi nhắc lại những ký ức hãi hùng giữa biển khơi.
“Tôi bị hất văng xuống biển cách tàu khoảng 5m, mỗi lần sóng đập vào lại bị tách ra xa mọi người. Trong lúc đang hoảng loạn thì có một bàn tay chộp lấy tôi kéo vào, sau khi định thần lại mới biết mình được cứu bởi anh Hiệp. Anh ấy cũng nhiều lần kéo người khác vào. Ảnh chỉ biết lo cho người khác mà không để ý đến bản thân…”, Thu nghẹn giọng.
Trên ca nô lúc này chỉ còn mỗi chiếc điện thoại của anh Nguyễn Văn Cương, nhưng gọi mãi tới lúc hết pin vẫn chẳng thấy ai ra cứu. Lúc lên tàu là khi vừa kết thúc giờ làm việc nên mọi người chưa ăn tối, ai cũng đói lả lại thêm sóng đập mạnh nên rất nhiều người kiệt sức. Trời mỗi lúc mưa càng lớn, từng đợt sóng ngày càng dữ dội, mọi hy vọng đều tắt dần, nhưng chính anh Hiệp và anh Sơn là hai người động viên người khác nhiều nhất.
“Lúc đó trời đen kịt, chỉ có thể nhìn thấy những người ở gần và nghe tiếng nói của nhau. Cứ mỗi lần sóng cuồn cuộn lao tới là anh Hiệp lại quay về phía tôi che chắn, nếu không có anh ấy có lẽ tôi đã chết rồi. Nhiều lần bị sóng đánh, anh Hiệp bị nôn ra và yếu lắm rồi nhưng anh vẫn không chịu lên ca nô mà đứng lại chắn sóng cho em ”, Thu nức nở.
Lần cuối trước khi bị sóng đánh, anh Hiệp đã bắt đầu lả đi và không thể bám vào dây thừng được nữa. Lúc đó tôi thấy anh Hiệp đang chới với đang cố lấy chút sức lực cuối cùng với tay về phía mọi người, tôi chỉ kịp cầm lấy tay anh ấy kéo lại, nhưng vì với sức của một người con gái, lại phải giằng co với sóng biển mấy tiếng đồng hồ nên tôi không thể giữ được lâu. Một đợt sóng nữa đập vào cướp anh ấy ngay trên tay tôi mà tôi chỉ có thể đứng nhìn một cách bất lực…
Để không bị sóng nhấn chìm, những người ở dưới nước phải đứng quây lại vòng tròn ở dưới nước, bênh cạnh Thu là anh Biên, anh Hiệp, và cả anh Sơn. Tận mắt chứng kiến từng người ra đi, mỗi hình ảnh trở thành những ký ức kinh hoàng của Thu. Đầu tiên là cái chết của anh Sơn, rồi anh Biên, anh Khanh… lần lượt ra đi.
Cũng là một trong những người cuối cùng nhìn thấy anh Hiệp bị hất đi, anh Đoàn Hùng Thắng buồn rầu kể: "Do không có áo phao, lại nhiều lần bơi ra kéo người khác vào nên Hiệp yếu dần. Trước lúc bị sóng đánh ra xa, Hiệp đã gần như lả đi, và không thể trụ vững được nữa. Đến khi sóng đánh vào nó chỉ kịp chới với rồi bị cuốn phăng, mọi người lúc đó đã mệt không ai giữ lại được, chỉ còn nghe thấy tiếng Thu hét thất thanh và mấy người khóc nấc giữa đêm khuya. Ngay khi kịp thấy tàu cứu hộ tôi đã ngất lịm vì mệt, nhưng lúc tỉnh dậy tôi vẫn không thể tin được là 9 người anh em, đồng nghiệp của em phải bỏ thân giữa biển khơi".
Từng cái chết trở thành nỗi ám ảnh theo Thu đến từng giấc ngủ, lấy tay gạt những giọt nước mắt Thu cho biết đã nhiều đêm liền không thể nào chợp mắt được. Vốn là người rất dễ ăn, dễ ngủ nhưng từ sau ngày gặp nạn cứ mỗi khi nhắm mắt những cảnh tượng cứ được tua lại đầy ám ảnh. “Chỉ đến khi thấy trời đã sáng, mệt quá em mới thiếp đi, nhưng trong giấc ngủ chập chờn em lại mơ thấy mọi người rồi giật mình la hét”, Thu thất thần nói.