Tôi và chồng vốn kinh doanh hàng mã rất phát đạt. Mọi công việc từ nhận đơn hàng đến buôn bán đều có người làm đảm nhận, tôi chỉ chịu trách nhiệm thu ngân. Chồng tôi trước đây là thợ chính nhưng từ khi làm ăn khấm khá, anh chỉ đạo và hướng dẫn người mới làm.
Mới đây, chồng tôi dắt về nhà một thằng nhóc và nói là đến để học việc. Việc cậu thiếu niên thất học kia đến xin học nghề sẽ là bình thường nếu gương mặt nó không là bản sao của chồng tôi.
Tuy không giống đến từng nét nhưng khung xương quai hàm vuông và chiếc mũi khoằm thì không lẫn đâu được. Cộng thêm thái độ thậm thụt của chồng, tôi càng thêm nghi ngờ. Tôi bóng gió thì anh chối bay chối biến.
Tuy anh ấy phủ nhận nhưng tôi ngày đêm mất ăn mất ngủ vì thái độ quan tâm chăm sóc đặc biệt của chồng dành cho nó. Tôi nghi anh “ăn chả” ở ngoài rồi “tòi” ra thằng bé này.
Nghĩ vậy nhưng vẫn không dám tin vì tôi tin tưởng chồng mình tuyệt đối. Cậu nhóc này bằng tuổi con gái đầu của tôi. Nếu anh vụng trộm thì hóa ra tôi bị anh phản bội ngay khi vừa kết hôn sao? Biết anh là người tình cảm và thật thà, tôi cắn răng phớt lờ chuyện này.
Nhưng tôi không thể chịu đựng thêm từ khi mẹ thằng bé xuất hiện. Chị ta đến nhà tôi lần đầu nhưng thái độ rất trịch thượng. Chị nói chuyện với vợ chồng tôi bằng lối xưng hô không chủ ngữ vị ngữ. Tôi bực mình nên bỏ về phòng để mặc ông chồng tiếp chuyện.
Không biết chị ta tỉ tê điều gì nhưng sau đó chồng tôi bàn bạc đưa thằng bé quay lại học tiếp cấp 2. Đến nước này thì mọi chuyện đã rõ mười mươi. Không một ông thầy nào tốt bụng đến mức tài trợ không hoàn lại cho học trò vừa học chữ vừa học nghề cả. Sau một hồi gặng hỏi, chồng tôi toát mồ hôi khai nhận đó là con rơi của mình do một phút nông nổi.
Tôi tin không phụ nữ nào trong trường hợp này lại đủ bình tĩnh để nghe tiếp những lời giải thích biện hộ của chồng mình sau đó. Mười mấy năm nay tôi đã bị anh lừa dối mà vẫn một lòng vun vén cho gia đình, tôn thờ chồng con.
Tôi đóng cửa phòng và tuyệt thực cả tuần nhưng nỗi đau không hề nguôi ngoai bởi cứ hễ chạm mặt thằng bé là tôi lại tức giận và tụt huyết áp. Chồng tôi biết ý nên tạm thời mang nó trả lại cho mẹ nó.
Sau khi bình tĩnh hơn, chồng tôi đã kể và giải thích mọi chuyện. Cách đây mười mấy năm, trước khi lấy tôi, người phụ nữ kia đã quỳ gối năn nỉ anh để “xin giống”.
Chị ta thề thốt rằng sẽ không bao giờ tìm gặp và làm phiền cuộc sống của chồng tôi. Thương cảnh chị ta đơn chiếc lại lớn tuổi, chồng tôi vì quá thật thà mà đồng ý.
Người phụ nữ kia đã quỳ gối năn nỉ anh để “xin giống”. (Ảnh minh họa).
Nhưng nguyên nhân mà thằng bé ấy hôm nay có mặt ở nhà tôi mới khiến tôi đau khổ đến tột cùng. Biết tôi chỉ sinh được hai cô con gái, chị ta ngay lập tức gây sức ép và đòi hỏi chồng tôi phải có nghĩa vụ lo cho thằng bé, ít nhất là đến khi đủ 18 tuổi. Chồng tôi vì thèm con trai mà gật đầu.
Anh ấy thật quá nhẫn tâm. Hai đứa con tôi xinh đẹp và ngoan hiền đến vậy vẫn không khiến anh hài lòng. Anh vẫn muốn có người nối dõi. Anh bất chấp điều tiếng, danh dự và cả cuộc sống của mẹ con tôi để đổi lấy nó. Tôi hận người đàn bà kia và hận cả chồng mình.
Tôi không thể hiểu được tại sao lại có những người phụ nữ vừa muốn làm mẹ đơn thân vừa có tham vọng phá hoại hạnh phúc người khác. Tôi cũng thấy ghê tởm chồng mình. Ngay cả khi sắp sửa kết hôn với tôi, anh vẫn đủ can đảm để làm tình với người đàn bà hơn mình đến 5 tuổi.
Không gì có thể diễn đạt được nỗi đau lúc này. Tôi đã toan dắt hai con bỏ đi nhưng ngẫm lại, nếu làm vậy thì hóa ra chấp nhận thua cuộc. Chẳng khác nào tôi nhường lại toàn bộ nhà cửa và chồng cho chị ta. Nghĩ là làm, tôi nghiến răng cố sống cố chết bám trụ với gia đình.
Nhưng ngày ngày phải đối mặt với chồng và đứa bé kia, tôi không nuốt nổi cơm, không chợp được mắt. Tôi đay nghiến với mọi người khiến ai nấy đều căng thẳng. Riêng tôi cũng đau khổ đến xé lòng.
Tôi rất mong tìm được một lối thoát cho hiện tại. Đôi lần nghĩ đến việc ly hôn nhưng thương con mình còn nhỏ dại, tôi không thể quyết định. Chồng tôi năn nỉ xin được nuôi dưỡng thằng bé cho đến năm 18 tuổi, nhưng liệu sau đó, người phụ nữ xảo quyệt kia còn đưa ra yêu sách nào nữa không? Đó là chưa kể đến nỗi khổ tâm sẽ giày xéo tôi trong 4 năm ròng.
Liệu chuyện này có thể giải quyết bằng tiền hay tôi chỉ còn cách phải ra đi?