Tôi đã mất cả chồng lẫn con

Một câu cũng là Lan mà một trăm câu cũng là Lan. Tôi không có chọn lựa khác. Anh nhìn tôi như người xa lạ, rồi lẳng lặng châm lửa.

Chúng tôi là bạn từ thời trung học. Anh là lớp trưởng còn tôi là lớp phó văn thể mỹ. Anh còn là một cây guitar của lớp. Tôi thỉnh thoảng cũng hay đại diện cho lớp tham gia tiết mục đơn ca trong các buổi diễn văn nghệ của trường. Có lẽ vì vậy mà các bạn trong lớp thường gán ghép chúng tôi với nhau thành một cặp. Nhưng thật sự tôi và anh chỉ coi nhau như bạn thân. Xong cấp ba chúng tôi cùng đỗ vào khoa báo chí Trường Xã hội nhân văn. Run rủi thế nào chúng tôi lại cùng chung lớp. Bốn năm đại học, chúng tôi từng có những sáng tới trường cùng nhau học tập, những chiều lang thang qua từng góc phố tâm sự nỗi nhớ quê, những ngày cuối tuần chở nhau trên chiếc xe máy cà tàng vượt gần trăm cây số về thăm nhà. Tất cả đã nuôi lớn dần tình yêu trong chúng tôi. Tình yêu được xây trên một tình bạn thời niên thiếu với nhiều kỷ niệm thật đầy đặn. Không ai bất ngờ khi chúng tôi cưới nhau.

Vợ chồng cùng về một tòa soạn, cùng làm phóng viên, cùng rong ruổi trên những nẻo đường tác nghiệp. Đó là những ngày hạnh phúc nhất của chúng  tôi.

Năm năm sau, anh được đề bạt làm trưởng ban. Công việc chủ yếu ở tại cơ quan. Trong khi tôi vẫn ngày đêm quảy ba lô lên rừng xuống biển theo những thiên phóng sự. Phải tính toán mãi chúng tôi mới quyết định sinh bé Bầu khi được cô em họ xa của tôi từ quê hứa lên giúp việc. Tính tình Lan thật thà, chăm chỉ, vén khéo lại giỏi chăm em bé nên vợ chồng tôi rất an tâm. Từ ngày có Lan, gia đình như có một bàn tay nội trợ đảm đang, mọi việc trong nhà đều được Lan sắp xếp chu đáo từ cách chọn thực đơn hằng ngày đến việc chăm sóc bé Bầu. Bé Bầu thì hay ăn chóng lớn, lại ngoan ngoãn lanh lợi. Nó ra vẻ quấn quýt dì Lan gọi Dì Lan bằng má. Lâu dần với chúng tôi, Lan là một thành viên không thể thiếu. Tôi gửi tiền về quê cho ba má Lan sửa nhà, mua sắm tiện nghi. Tôi không còn trả lương hằng tháng cho Lan mà cứ lĩnh lương về là tôi ngắt một khoản đưa Lan tùy nghi chi tiêu khi nào hết thì cứ báo.

Mấy năm sau tôi sinh tiếp bé Bí. Lan rất giỏi trong việc chăm sóc dạy dỗ anh em Bầu Bí. Chúng nó càng lớn càng xinh xắn, học giỏi, ngoan ngoản và lễ phép. Suốt ngày chúng lẽo đẽo theo dì Lan. Do tính chất công việc, tôi và anh rất ít khi ăn cơm nhà, bữa ăn gia đình thường chỉ có “ba má con”: Lan và Bầu Bí.

Tôi bắt đầu với những chuyến đi dài ngày khi thì trong nước khi ra nước ngoài. Ban đầu anh còn tỏ vẻ phật ý, nhưng do tôi thuyết phục mãi, dần dà không thấy anh nói gì nữa. Tôi nghĩ chắc chắn anh hiểu làm báo là mơ ước, là đam mê của tôi ngay từ hồi còn bé. Tôi thầm cám ơn anh. Tôi lại giao phó tất cả cho Lan, để ngày ngày rảnh rang say tỉnh, buồn vui, khóc cười với nhân vật của mình.
 
Tuần rồi, Lan đột ngột xin tôi cho nghỉ việc. Tôi thật sự quýnh quáng. Nhưng không có lý do gì để bắt Lan phải hy sinh cả cuộc đời nó cho gia đình tôi vì Lan đã hơn ba mươi rồi. Trước mắt, tôi tạm thời xin nghỉ phép năm rồi sẽ tính tiếp. Không có Lan, sinh hoạt gia đình tôi cứ đảo lộn nháo nhào, rối rắm như mớ bùng nhùng. Tôi không biết giờ giấc sinh hoạt hằng ngày của các con. Sở thích ăn uống ra sao. Thói quen ngủ nghỉ thế nào. Nhưng kinh khủng hơn cả là Bầu Bí ngày đêm khóc lóc bỏ ăn, bỏ ngủ. Tôi nấu món gì, thậm chí pha một chén nước mắm tụi nó cũng không ăn, nói không giống của má Lan. Năm nay lại là năm Bầu thi chuyển cấp và năm Bí vào lớp một, nếu không khéo sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của các con. Tôi quyết định đón xe về quê với một chút hy vọng mong manh là thuyết phục được Lan tạm thời lên giúp tôi cho đến khi Bầu thi xong lớp mười rồi tôi sẽ tìm cách.

Xa quê nhiều năm, quang cảnh cũng đã nhiều thay đổi, nhưng tôi vẫn dễ dàng nhận ra cây cầu đò nơi bến cũ, mặc dù nó chỉ còn lại cái khung sắt hoen rỉ lung lay chực sụm. Vừa tới đầu con đường nhỏ dẫn vào nhà Lan, tôi giật mình vì thấy xe anh đậu trước sân. Tôi nghĩ chắc là anh cũng như tôi, về để động viên Lan lên làm lại. Không ngờ khi tôi bước đến bên thềm hai người vẫn không hề hay biết. Anh đang ôm ghì Lan vào lòng còn Lan thì rấm rức khóc. Tôi quay về.

Tối đó, tôi đề nghị anh thẳng thắn nói chuyện để mọi việc được sáng tỏ. Trái với suy đoán của tôi, anh không hề quanh co. Anh nhìn nhận anh và Lan đã có quan hệ từ rất lâu. Tôi hỏi tại sao anh làm vậy. Anh không trả lời mà hỏi ngược lại tôi:

- Hằng ngày ai đi chợ nấu cơm cho ba cha con ăn?

- Ai giặt ủi quần áo cho ba cha con mặc?

- Tối ai lo chăn nệm cho ba cha con ngủ?

- Ai là người hiểu rõ giờ giấc sinh hoạt và sở thích của ba cha con?

- Ai là người thường xuyên cùng anh dạy dỗ con cái, chơi đùa, tâm sự với chúng.

Một câu cũng là Lan mà một trăm câu cũng là Lan. Tôi không có chọn lựa khác. Anh nhìn tôi như người xa lạ, rồi lẳng lặng châm lửa. Điếu thuốc trên môi anh thoi thóp một tàn đóm nhỏ nhoi. Anh nhắm mắt lại, chậm rãi thả ra từng vòng khói với những hình thù kỳ lạ. Tôi cảm thấy ngột ngạt định bỏ ra ngoài thì anh cất giọng, bình thản lạ lùng:

- Em đừng trách Lan. Không phải tại dì ấy. Có một đêm không có em bên cạnh, khi không thể tự mình vượt qua được những cơn thịnh nộ của bản năng người đàn ông, anh đã ra ngồi trên băng đá chỗ góc sân, mượn làn gió mát hòng làm dịu bớt ngọn lửa lòng hừng hực đang chực thiêu rụi anh. Sương đêm, đã làm anh cảm lạnh. Anh sốt li bì, Lan thức suốt đêm chăm sóc cho anh. Bí giựt mình không thấy má Lan, nó khóc thét chạy qua phòng mình và nhất quyết bắt anh và dì Lan phải nằm chung với nó. Tuy không cố ý,  anh vẫn nhìn nhận đó là lỗi của anh. Nhưng em biết không, sau những chuyến đi trở về, tưởng em sẽ thay Lan một vài bữa, thì em lại vùi vào những giấc ngủ triền miên để lấy lại sức và đi tiếp. Anh nói thì em trả lời “em mệt quá, công việc Lan làm vẫn tốt với lại nó quen việc hơn em”. Anh không biết nói sao, đành thôi. Bây giờ sự thể đã như thế này, Lan đang có thai. Anh không thể để dì ấy thiệt thòi vì suy cho cùng mười mấy năm nay, dì ấy đã hy sinh cho ba cha con anh quá nhiều. Anh xin lỗi, mong em đồng ý. Chúng ta ly dị…”.

Mọi việc bất ngờ và khủng khiếp quá, tôi như rơi tự do xuống một cái động không đáy.

Đêm qua, trong tận cùng nỗi tuyệt vọng và đau đớn, tôi hỏi dò Bầu Bí. Giả sử ba mẹ không ở chung với nhau nữa thì Bầu Bí thích ở với ai. Không chút suy nghĩ, Bầu trả lời: “Con ở với ba và má Lan quen rồi”. Bí  chưa đợi hỏi cũng tham gia: “Con cũng ở với ba với anh Bầu với má Lan…”. Đó mới thật sự là cơn gió cuối cùng thổi qua ngọn đèn leo lét.

Mất chồng đã đành, không lẽ tôi mất luôn cả con sao hở trời?