TỘI ÁC SÁM HỐI (P28): Người mẹ quỳ sụp trước tòa xin giảm án cho con

Ngày lĩnh tội giết cha, điều Nam nghĩ đến đầu tiên là cái chết. Nhưng hình ảnh mẹ quỳ sụp trước tòa, van xin cho anh được thoát tội chết đã níu kéo anh ở lại.

Cuộc đời của phạm nhân Đặng Huy Nam là một câu chuyện dài và buồn. Những vết sẹo đi theo anh suốt từ khi anh còn nhỏ đến khi trở thành người đàn ông 40 tuổi. Mỗi vết sẹo đều gắn liền với những ký ức u ám của cuộc đời anh, những ký ứng mà anh không bao giờ muốn nhớ lại. Để rồi bi kịch xảy đến với anh cũng đến từ chính đòn roi của người bố tệ bạc ấy…

Tội ác

Cú đẩy biến con trai thành kẻ sát nhân

Giọng trầm buồn, Nam kể lại ngày xảy ra câu chuyện khiến cuộc đời anh rẽ sang ngõ cụt. “Đêm hôm ấy sau khi uống hết vài lít rượu, cha tôi đã đập vỡ từng chiếc bát, chiếc đĩa trên mâm cơm. Như những lần trước, mẹ tôi lại vừa khóc vừa dọn dẹp từng mảnh vỡ, hoàn toàn cam chịu, tuyệt nhiên không một lời kêu ca. Thương mẹ quá, tôi đã định lại dọn dẹp giúp mẹ, nhưng cha tôi cấm tôi làm thế. Quăng bát, quăng đĩa chưa đủ, trong cơn say, cha tôi cầm nguyên cả cái bát to ném vào đầu mẹ tôi. Máu từ trán mẹ tôi chảy ròng ròng xuống mặt. Không hiểu sao, lúc nhìn thấy hình ảnh đó, tôi lại nghĩ đến cái lần mẹ tôi bị cha tôi phang cả thanh củi to vào đầu vì che chắn cho tôi. Hôm đó, đầu mẹ cũng ứa máu như thế. Trong một phút, tất cả những ký ức đau đớn, những sự oán hận, ảm ảnh đều trỗi dậy. Tôi lao về phía cha rồi đẩy ông một cú mạnh vào tường. Cú đẩy quá mạnh đã khiến cha tôi chết vì chấn thương sọ não. Còn tôi trở thành một kẻ giết người, một tên sát nhân mang tội giết cha”.

Gây án xong, quay lại nhìn mẹ, Nam ôm lấy bà khóc nức nở. Dù căm hận cha đến mấy, anh cũng không bao giờ nghĩ đến ngày mình lại ra tay đoạt mạng cha. Thế nên, trong long người đàn ông ấy dấy lên cảm giác tuyệt vọng cùng cực và chỉ nghĩ đến cái chết. Nhưng chính người mẹ cam chịu và bất hạnh đã kéo giữ anh lại.

Sau khi sự việc xảy ra, bà lập cập lấy bong, dít lại chỗ vết thương đang chảy máu trên trán bà rồi dẫn con đến công an đầu thú. Bàn tay bà nắm chặt, run bắn, thủ thỉ dặn dò: “Con đừng sợ, mọi chuyện rồi sẽ qua”.

Ngày Nam ra tòa chịu sự trừng phạt của pháp luật, cũng chính người mẹ khắc khổ đã quỳ sụp trước tòa xin giảm án cho con.

Sám hối:

Mong ngóng ngày trở về

Những ngày nằm trong trại là những ngày anh chịu sự trừng phạt đau đớn về tinh thần, tâm hồn… Trái tim từng chịu nhiều nỗi đau nay lại ám ảnh bởi tội ác giết cha khiến không đêm nào Nam yên giấc. Những suy nghĩ tồi tệ, tiêu cực giằng xé hàng đêm khiến người đàn ông tứ tuần già đi trông thấy.

Nam kể lại: “Những ngày nằm trong trại tạm giam, đêm nào tôi cũng nhìn bàn tay của mình và nhớ cái nắm tay run bắn của mẹ vào cái buổi tối định mệnh đó. Lần nào nghĩ đến ký ức đó, tôi cũng ứa nước mắt vì thương mẹ. Ngày tôi bị đưa ra tòa xét xử, mẹ tôi đã quỳ  sụp xuống dưới phiên tòa để xin giảm án cho tôi. Lúc đó đứng trước vành móng ngựa, tôi vừa quay lại nhìn mẹ vừa lấy tay quẹt nước mắt. Ngày hôm đó, tôi bị tòa tuyên phạt mức án 18 năm tù, dù tôi bị đề nghị mức án chung thân. Tôi không biết mức án đó có phần nào là do mẹ tôi đã quỳ khóc xin giảm tội cho tôi hay không, nhưng hình ảnh mẹ trong phiên tòa ngày hôm đó, tôi sẽ nhớ đến tận lúc chết đi”.

Bất chấp già yếu, 12 năm con trai ngồi tù. 12 năm đó cũng là 12 năm bà lặn lộn lên trại giam thăm con hàng tháng. Có lần lên thăm anh, mẹ anh vừa khóc vừa nói: “Mẹ đã mệt mỏi đến nỗi không còn muốn sống. Nhưng mẹ phải sống để đợi đến ngày con trở về. Con là lý do duy nhất để mẹ tiếp tục sống”.

Chính anh cũng luôn nghĩ rằng người mẹ già nua, khắc khổ của anh cũng chính là lý do duy nhất để anh tiếp tục sống, lý do duy nhất để anh mong ngóng ngày trở về. Ngày đó, trong ngôi nhà chứa đựng đầy ký ức đau thương của gia đình anh, anh muốn cùng mẹ bắt đầu tạo dựng những ký ức hạnh phúc cho những năm tháng sau này.

 

Họ được coi là những tên giết người máu lạnh, kẻ thủ ác, giết người không ghê tay nhưng khi đứng trước vành móng ngựa, họ đã phải cúi đầu. Loạt bài Tội ác sám hối ghi lại quá trình phạm tội và sự ăn năn hối cải. Mời bạn đọc theo dõi vào lúc 6h sáng thứ Tư hàng tuần trong chuyên mục An ninh hình sự - Tòa án lương tâm trên Xahoi.com.vn