TỘI ÁC:
Trùm nợ 5 tỉ đồng
Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc (sinh năm 1978, ở Cầu Giấy, Hà Nội) sớm nổi danh trong giới người mẫu không chỉ bởi hình thể đẹp mà còn là một trong số ít người đẹp thông minh, có trình độ học vấn cao.
Cuối những năm 90, Ngọc tham gia giới người mẫu từ khi đang học cấp ba. 16 tuổi, cô đã có những bước chân đầy kiêu hãnh trên sàn catwalk. Dầu vậy, Ngọc không bỏ bê việc học mà thi đỗ Học viện Quan hệ quốc tế, sau đó có bằng thạc sỹ ở trường này.
Thời gian học đại học cũng là lúc Ngọc gặt hái được nhiều thành công ở nghề người mẫu. Cô nữ sinh nhanh chóng trở nên giàu có và nổi tiếng nhờ những chuyến lưu diễn liên tục trong và ngoài nước khiến cô nhanh chóng giàu có và nổi tiếng. Thậm chí cô còn giữ vị trí vedette trong nhiều show lớn và được nhiều nhiếp ảnh gia săn đón.
Trong khi đang ở đỉnh cao của nghề người mẫu, Ngọc bất ngờ từ giã sàn diễn, xin vào làm ở một cơ quan nhà nước. Rồi Ngọc kết hôn, sinh con. Năm 2005, gia đình Ngọc bắt đầu gặp khó khăn khi người chồng làm ăn bị thua lỗ 3 tỉ đồng.
Vốn là một cô gái thông minh, tháo vát, Ngọc bỏ ra ngoài lập công ty riêng. Công ty TNHH Lâm Sơn do Ngọc làm giám đốc, kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có cả sản xuất phim quảng cáo. Mở công ty này, chưa có kinh nghiệm trên thương trường, nên Ngọc đã thua lỗ và lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Tháng 2/2006, người chồng mất đột ngột, một mình Ngọc thân gái nuôi con, “gánh” khoản nợ hàng tỉ đồng. Túng quẫn, Ngọc làm liều bằng cách vay nợ hàng chục người, trả lãi suất cao. Ngọc đã vay nợ tổng cộng hơn 5 tỉ đồng, không có khả năng chi trả.
Tháng 8/2007, sau khi có đơn tố cáo của nhiều nạn nhân, Công an quận Cầu Giấy đã bắt giam bắt giam Ngọc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngọc đã bị TAND TP. Hà Nội xử phạt án tù chung thân.
SÁM HỐI:
Hồi sinh từ trong tuyệt vọng
Ngọc đã có những ngày dài trong trại giam để sám hối. Tòa phúc thẩm tuyên 20 năm với tội danh "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản". Có những "chủ nợ" đã trực tiếp đứng ra bảo lãnh cho Ngọc. Ngọc khóc rất nhiều khi kể về cậu con trai đang ở với ông bà nội.
"Tôi thèm cảm giác được ôm con vào lòng, được hôn lên má con. Tôi nghe tim mình nhói đau, nghẹn lại. Con tôi nói với tôi rằng: Mẹ đừng khóc, con không khóc đâu. Con nhớ mẹ lắm. Bà nội bảo mẹ đi đóng phim Cảnh sát hình sự. Khi nào mẹ đóng phim xong mẹ về với bố con đi chơi nhé. Mẹ nhớ giữ gìn sức khoẻ sớm về với con. Khi tôi bị bắt, con tôi mới hơn ba tuổi, giờ cháu bắt đầu đi học rồi. Nhìn bàn tay bé xíu của nó ngày nào ôm di ảnh của bố, giờ vẫn bàn tay ấy nó đặt lên tấm kính ngăn cách như muốn lau cho tôi những giọt nước mắt đang vỡ oà trên má mà lòng tôi đau buốt. Tôi có lỗi với con tôi, tôi chỉ muốn ôm nó, xiết chặt nó vào lòng như sợ nó sẽ vuột khỏi tay mình".
Ngọc giờ rất bình tâm. Cô đã viết nhật ký từ rất lâu rồi. Những dòng này, Ngọc không chỉ viết để dự thi, mà viết cho những sám hối trong tâm hồn cô.
"Mọi thứ có thể qua đi khi nỗi đau, sự dằn vặt, ân hận được tôi trả lại bằng chính những giọt nước mắt và những giọt mồ hôi. Có đôi khi tôi như muốn quên lãng bản thân mình để hoà vào cái nắng, cái gió khắc nghiệt để quên đi quá khứ đẹp, quá khứ êm đềm và phẳng lặng. Tôi muốn chôn sâu vào miền ký ức riêng để nó ngủ quên trong một góc riêng của tâm khảm. Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh giữa nắng, gió khắc nghiệt của vùng đất miền Trung với cuộc sống vất vả thiếu thốn về tinh thần và vật chất có thể làm cho tôi phai tàn về nhan sắc nhưng sẽ không bao giờ làm tôi mất đi ý chí quyết tâm hướng về phía trước.
Tôi tin rồi một ngày nào đó cánh cửa tội lỗi sẽ đóng lại - Sau lưng tôi những mảnh vỡ đau thương sẽ được gắn kết lại thành niềm hạnh phúc cho tôi. Niềm hạnh phúc vô bờ như tôi đã từng có. Chính bởi niềm tin ấy khiến tôi không thể đắm chìm trong nỗi đau thương mất mát nữa. Mà nếu có phải vắt kiệt sức mình qua từng ngày, từng giờ để vượt qua ngưỡng cửa tội lỗi tôi cũng sẽ cố gắng. Vì tôi không cho phép mình gục ngã và tôi vẫn tin trên đời này không có con đường cùng mà chỉ có những ranh giới. Điều quan trọng và cốt yếu là phải có nghị lực, lòng tin để vượt qua những ranh giới ấy. Hạnh phúc vẫn mỉm cười trong đau thương và gian khổ. Mà bi kịch lớn nhất của đời người là mất đi mục đích sống, thiếu vắng ước mơ và khát vọng”.
"Hạnh phúc không mỉm cười với những người không biết đứng dậy sau vấp ngã. Quá khứ rồi cũng qua, tất cả sẽ trở lại êm đềm và phẳng lặng. Giờ đây tôi không còn đau khổ nữa. Tôi sẽ nở một nụ cười vào mỗi buổi sáng để đón bình minh tương lai phía trước ngập tràn niềm vui. Tình yêu và hạnh phúc. Nơi cuối con đường hầm tăm tối tôi đi vẫn có một ngọn đèn chiếu sáng cho những bước đi dò dẫm của tôi, để rồi một ngày nào đó vừng đông sẽ toả sáng không còn le lói nữa. Một ngày nào đó không xa tôi sẽ lại được đi trên lối mòn hạnh phúc mà tôi đã từng đi. Còn giờ đây, tình yêu thương của mọi người cũng đủ giúp tôi sống và vượt qua những ngày còn lại".