Tình yêu không vụ lợi
Ngày 8/9/2000, khoa Mỹ thuật – trường trung cấp Công nghiệp Nội Mông Cổ (Trung Quốc) bắt đầu chương trình học quân sự, thế nhưng tân sinh viên Lữ Thế Thành phải ngồi ngoài với cô bạn cùng lớp Lý Tri Hoa vì đau chân. Trước đó, trong lễ đón chào sinh viên mới, Thế Thành đã được nghe lãnh đạo trường giới thiệu về Hoa, một cô gái ngoan cường đầy nghị lực. Quan sát kỹ anh thấy cô gái ngồi cạnh thân hình gầy nhỏ, khuôn mặt cương nghị dường như già trước tuổi.
Qua nói chuyện, anh được biết Hoa sinh ra trong một gia đình nông thôn ở TP. Thông Liễu. Khi cô ra đời được hơn 5 tháng thì người mẹ bị bệnh tâm thần phân liệt bỏ đi mất biệt. Hoa nằm một mình trong giường, nửa đêm tỉnh giấc khóc lóc rồi đánh đổ chiếc đèn dầu gây cháy. Tuy cô được cứu sống nhưng đã vĩnh viễn mất đi đôi tay của mình.
Từ đó, cuộc sống của cô gái này vô cùng vất vả. Vì không có tay nên khi uống nước, mọi người không biết cho cô uống bao nhiêu khiến cô hay bị sặc. Vậy là lớn lên Hoa quyết định sẽ dùng chân để kẹp thìa múc nước uống. Thế nhưng đôi chân lóng ngóng khiến mỗi lần đưa chiếc thìa gần đến miệng lại bị đổ. Mất 3 tháng kiên trì, cuối cùng cô cũng có thể uống nước bằng đôi chân của mình.
Đến tuổi đi học, Hoa bị nhà trường từ chối vì cơ thể tật nguyền. Thế nhưng nỗi khao khát được đến trường vẫn luôn thôi thúc nên hàng ngày cô cứ lẽo đẽo theo chị gái đi học. Hoa nghĩ, nếu mọi người không cho mình vào thì mình sẽ đứng ngoài cửa sổ để nghe.
Khoảng nửa học kỳ sau, khi thầy giáo giảng bài rồi đưa ra một câu hỏi khiến cả lớp không ai trả lời được, Hoa liền nói vọng đáp án vào trong. Thầy giáo vô cùng sửng sốt xem lẫn sự khâm phục. Nhờ sự thuyết phục của thầy, Hoa được nhận vào lớp, thầy còn làm riêng cho cô một chiếc bàn đặc biệt để Hoa viết chữ bằng chân.
Điều này khiến Hoa như nhận thêm sự cổ vũ, học càng chăm chỉ hơn. Để có thể viết bằng chân, cô bé luyện tập một cách như điên cuồng đến chảy máu chân vẫn không chịu nghỉ. Khi chân bị phồng rộp, Hoa vẫn nuốt nước mắt mà viết chữ. Đến khi gót chân chai sần, cô mới viết được tên mình. Mùa đông trời lạnh nhưng Hoa vẫn phải chân trần viết chữ, về nhà đôi chân sưng tấy khiến cô không sao cởi được giầy, đau đớn khó tả. Người cha thấy vậy xót xa dùng kéo cắt giấy cho con.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ. Hoa luôn đứng đầu lớp trong học tập. Năm 1995, cô được bầu là đội viên tiên tiến “10 Tốt toàn quốc”. Cùng năm đó, cô cũng thi đỗ vào cấp 2, 3 năm sau thi đỗ cấp 3. Nhưng một lần nữa vì cơ thể tật nguyền nên cô bị từ chối nhập học.
Bất hạnh hơn. Lúc này người mẹ của cô được phát hiện đã chết đuối ở Hà Nam. Người mẹ ra đi khiến lòng Hoa đau như dao cắt. Thấy cha ngày ngày vất vả, cô quyết định giúp cha gánh vác công việc gia đình. Cô bắt đầu dùng chân học nấu cơm, nuôi lợn, làm vườn… Những ngày tháng này, niềm mơ ước được đi học vẫn thiêu đốt tâm can của cô bé.
Tháng 7/2000, Hoa viết thư cho đài truyền hình và báo chí kể về câu chuyện của mình, mong nhận được sự trợ giúp. Câu chuyện về cô hai nghị lực này khiến hiệu trưởng trường trung cấp công nghiệp cảm động, đặc cách nhận cô vào học. Do từ bé đã yêu thích thư pháp nên Hoa chọn khoa mỹ thuật…
Nghe xong câu chuyện của Hoa, Thành ngạc nhiên về sự kiên cường của cô bạn mới quen. Từ đó anh thường quan tâm đến Hoa hơn. Do không có kiến thức nền về mỹ thuật nên ngoài những lúc đi ngủ và ăn cơm. Thời gian còn lại Hoa đều cặm cụi ở giảng đường và phòng vẽ. Cô hi vọng dùng sự cần cù bù lại khiếm khuyết của bản thân.
Thư pháp là bộ môn rất coi trọng cách cầm bút, nếu dùng tay có thể thay đổi nhiều thế hoạ nhưng Hoa phải dùng chân nên chỉ có một tư thế duy nhất. Các thầy cô giáo cũng không có kinh nghiệm trong việc dạy một học sinh không có tay nên tất cả đều phải dựa vào sự nỗ lực luyện tập và lĩnh hội của cô.
Mỗi khi kẹp bút vào hai đầu ngón chân để viết, cô phải căng các cơ của chân, nhưng cứ mỏi bên này Hoa lại chuyển sang bên khác. Không lâu sau, do ngồi quá nhiều bên phần hậu môn của cô đau đớn không tả nổi. Vì không có tiền khám chữa nên cô chỉ có thể đến phòng khám nhỏ. Ở đây bác sĩ chẩn đoán có thể cô bị ung thư ruột.
Có thể do phải chịu quá nhiều khổ nạn nên nghe thấy hai từ “ung thư”, Hoa vẫn cảm thấy bình thường. Cô chỉ nghĩ mình không thể chết, mình vẫn phải sống tiếp để học lên đại học. Vậy là, cô mua ít thuốc giảm đau rồi cắn răng luyện tập.
Mãi đến kỳ nghỉ hè về nhà, Hoa mới được chị đưa đi bệnh viện lớn kiểm tra. Thật may mắn, bác sĩ cho biết Hoa không bị ung thư mà do ngồi thời gian dài để luyện thư pháp khiến cô bị trĩ nặng, chỉ cần cắt bỏ phần trực tràng bị bệnh là được.
Về phía Thành, mỗi lần Hoa ngồi vẽ là anh lại giúp cô sắp màu, lấy nước, đặt giá vẽ. Sự quan tâm của Thành khiến trong lòng Hoa cảm thấy vô cùng ấm áp và không tự chủ mỗi khi thấy bóng anh. Tuy nhiên, nghĩ mình mất đôi tay giống như con vịt xấu xí nên cô cũng không dám mơ ước nhiều.
Năm học thứ hai, hôm sinh nhật của Thành, cô muốn tặng anh một bức thư pháp do mình sáng tác. Nhưng khi đưa quà đến, Hoa thấy một cô gái xinh đẹp đang tặng cho Thành một bông hoa nên nghĩ rằng Thành đã có bạn gái. Đêm hôm đó về phòng, cô không sao ngủ nổi, xem vào đó là sự thất vọng. Từ đó trở đi, cô cố ý tránh mặt Thành.
Thành nhận ra sự thay đổi đó nên nhân một lần chỉ có hai người, anh hỏi tại sao Hoa lại tránh mặt mình? Hoa bảo Thành đừng đối xử tốt với mình nữa, nghe vậy anh nói mình sẽ chỉ đối xử tốt với một mình Hoa.
“Nhưng mình không đáng để bạn quan tâm vì đến đôi tay mình còn không có”, Hoa nói.
“Mình thích bạn! Mình muốn được làm đôi tay của bạn, ôm ấp bạn suốt đời”, Thành thẳng thắn tỏ tình.
Thì ra trước đó, Thành đã yêu cô gái kiên cường này. Chính sự thay đổi của Hoa khiến anh có dũng khí để biểu lộ tình cảm, điều này khiến Hoa vô cùng cảm động.
Vượt qua thử thách
Năn 2002, Hoa dự định sau khi tốt nghiệp sẽ thi vào Học viện mỹ thuật trung ương nên cuối tuần cô đến tư gia của một nhà thư pháp nổi tiếng để học nâng cao. Thấy bạn gái vất vả đi mấy chặng xe để vượt qua quãng đường 10 km, Thành liền mua một chiếc xe đạp cũ để đưa đón cô. Sau khi tốt nghiệp, Hoa thi trượt học viện này nhưng được nhận vào Học viện Âu Á Tây An.
Thời gian đó, chuyện Thành có tình cảm với cô gái không có tay cũng đến tai cha, mẹ anh và họ kiên quyết phản đối. Thành vô tình kể chuyện này cho Hoa biết, lòng tự trọng của cô bị tổn thương nên trước khi đi Tây An, cô đề nghị chia tay với Thành. Từ đó Hoa chủ động cắt đứt liên hệ với Thành.
Nhưng sau khi đến trường, cô nhận được thư của anh: “Anh nhất định sẽ thuyết phục cha mẹ chấp nhận em. Anh muốn quan tâm em suốt quãng đời còn lại, cho dù có gặp bao trở ngại…”. Nói là làm, khoảng 1 tuần sai, Thành giấu cha mẹ đến Tây An, sau đó tìm được một công việc trong công ty thiết kế đồ hoạ.
Mùa đông dần đến, thấy các bạn cùng phòng đan khăn áo cho người yêu, bên trên thêu những lời yêu thương, Hoa cũng học dùng chân thêu khăn cho Thành. Đan là chuyện Hoa cố gắng cũng làm được, nhưng khi thêu thì cô liên tục bị mũi kim đâm vào chân đau đớn.
Bạn cùng phòng thương tình muốn giúp nhưng Hoa một mực từ chối. Cô nói, mỗi mũi kim đường chỉ cô thêu đều phải thực hiện bằng tâm huyết và tình yêu, có như vậy chiếc khăn mới thực sự ấm áp. Sau hơn 1 tháng nỗ lực, cuối cùng chiếc khăn cũng hoàn thành. Lúc Hoa dùng chân quàng khăn lên cổ Thành, anh xúc động rơi nước mắt.
(Còn nữa)