Bùi Thị Thúy hiện đang là cái tên sáng giá ở cuộc thi Tiếng hát truyền hình TPHCM năm 2014. Nhận được sự đánh giá cao từ Ban giám khảo ở mảng dân ca, song ít ai biết, cô gái 21 tuổi này đã bắt đầu bi bô hát những câu dân ca đầu tiên từ khi mới 3 tuổi.
Lớn lên trong làn điệu dân ca của mẹ
Bùi Thị Thuý sinh năm 1993, quê ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Sinh ra trong một gia đình có bố và mẹ đều làm nghệ thuật nên cô gái này đã có năng khiếu âm nhạc từ bé.
Mẹ Thúy vốn là một nghệ sĩ chèo nhưng từ khi 3 tuổi, Thúy đã được bà dạy những làn điệu dân ca. Có lẽ vậy mà tình yêu dân ca của Thúy lớn dần lên lúc nào không hay. Trong cuộc thi tiếng hát người khuyết tật và trẻ em mồ côi của tỉnh Thái Bình, cô bé Thúy, lúc đó mới 10 tuổi đã làm cho cả hội trường phải bật khóc khi hát bài “Dấu chấm hỏi”. Thúy hát hay, cảm động đến mức nhiều khán giả tìm đến khách sạn nên em đang lưu trú để được nghe hát lại thêm lần nữa rồi họ mới thỏa nguyện ra về.
Do công việc của người nghệ sĩ, ba Thúy thường xuyên vắng nhà. Em lớn lên từ những làn điệu dân ca của mẹ. Cuộc sống hai mẹ con khó khăn. Từ cấy lúa đến mò cua bắt ốc, việc gì Thúy cũng đã từng làm qua để có tiền phụ mẹ. Thúy tâm sự: “Mẹ một đời lam lũ nuôi em khôn lớn. Em hay động viên mẹ rằng, mẹ ráng nuôi con, mai này thành danh con sẽ nuôi lại mẹ”.
Bằng nghị lực và sự cố gắng của mình, Thúy vừa học vừa đi hát cũng chỉ mong có tiền ăn học và giúp đỡ mẹ đỡ vất vả. Mỗi chương trình, Thúy không bao giờ đặt nặng chuyện tiền cát-xê. Người ta trả bao nhiêu, Thúy nhận bấy nhiêu chứ không mặc cả bởi cô tâm niệm “được hát trên quê hương, cho mọi người nghe là đã thích rồi”.
Khi giọng hát được mọi người biết đến nhiều hơn cũng là lúc Bùi Thị Thúy đậu thủ khoa vào trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Thái Bình. Hành trang ngày nhập học của Thúy là chiếc xe đạp mẹ mua cho ở hiệu cầm đồ với giá 200 nghìn đồng. Tuy vậy, bằng sự cố gắng của mình, cô sinh viên tốt nghiệp loại giỏi khoa Thanh nhạc đã mua được cho mẹ máy điều hòa và tu sửa lại nhà cửa... Bao nhiêu tiền kiếm được từ việc đi hát, Thúy không mua gì cho mình mà dành lo hết cho gia đình vì Thúy mong muốn mẹ được sống vui vẻ, thoải mái.
Mang dân ca đến Tiếng hát truyền hình
Tốt nghiệp loại giỏi trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Thái Bình, Bùi Thị Thúy tiếp tục chọn con đường trở thành sinh viên chính quy của Học viện Âm nhạc Quốc gia. Với Thúy, kiến thức là một phần rất quan trọng nên cô đã chọn cách thi lại đầu vào mà không học liên thông.
Yêu thích dân ca từ nhỏ và cũng bởi có năng khiếu bẩm sinh nên Thúy quyết tâm học bằng được. Nhiều người đánh giá giọng của Thúy sinh ra là để hát dân ca. Cô luôn chú trọng đến cảm xúc trong từng bài hát. Tình cảm và kỹ thuật phải luôn đi song song, những đoạn cao, trầm, luyến láy, Thúy luôn kết hợp giữa việc vận dụng kỹ thuật thanh nhạc và cảm xúc để tạo ra sự tinh tế, khiến bài hát không bị cứng.
Thúy chia sẻ: “Ngày bé cố gắng hát thật hay để một ngày nào đó bố thấy em đứng hát trên sân khấu, thấy con gái thành đạt”. Có lẽ cũng chính vì vậy mà cô đã vượt qua gần 1.600 thí sinh để đến với vòng chung kết cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM năm 2014. Liên tiếp ở vòng chung kết 1, 2, Bùi Thị Thúy có điểm số đứng nhất bảng dân ca và cao nhất trong các thí sinh. Và đêm chung kết 3, Thúy tiếp tục dẫn đầu bảng Dân ca và cùng 3 thí sinh khác lọt vào đêm chung khảo. Vị trí quán quân cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TPHCM đang tràn trề cơ hội với tài năng, nghị lực của cô gái đến từ quê lúa Thái Bình.
Ban đầu, Thúy rất lo lắng khi quyết định tham dự cuộc thi vì sợ mình còn quá “non nghề”. Cô không dám nói cho ai biết vì sợ trượt ở vòng đầu tiên. “Đi đến vòng bán kết phải vào TP.HCM, em mới dám nói. Cô giáo trưởng khoa Thanh nhạc ủng hộ em rất nhiều. Cô khuyên em nên đi thi để lấy kinh nghiệm. Biết những va vấp trên sân khấu để làm tiền đề cho các cuộc thi sau”, Thúy tâm sự về lý do tham dự cuộc thi.
Vốn hâm mộ ca sĩ đồng hương là NSND Thu Hiền, Bùi Thị Thúy đã định hướng con đường âm nhạc cho mình là dòng nhạc Việt Nam chính thống. Cô có mong ước sẽ trở thành một ca sĩ thực thụ trên sân khấu âm nhạc.