Như đã đưa tin, ngày 31/5, tại Ngân hàng Sacombank đã xảy ra vụ tranh chấp 1.000 tỷ đồng của bà T.K.P (66 tuổi, ở Tân Phú, TP. HCM) giữa hai bên là chị T.H.H.L (25 tuổi, con gái nuôi bà P) và ông T.V.Ph (em trai bà P) do sự ra đi đột ngột của bà P vào ngày 10/3/2011 mà không để lại di chúc.
Số tài sản của bà P được hai bên đồng ý ký gửi tại Ngân hàng Sacombank vào tháng 5/2011 để chờ giải quyết.
Ngôi nhà rộng lớn cho thuê của bà Phát để lại. (Nguồn ảnh: Internet)
Đến nay, sự việc đang trở nên căng thẳng giữa các bên. Phía ngân hàng luôn giữ im lặng không trả lời bất cứ câu hỏi nào của báo chí và đã thanh lý số tài sản cho chị L; ký bản cam kết buộc chị L phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với số tài sản nếu có chuyện gì xảy ra.
Cho rằng, số tài sản của bà P có được một phần không nhỏ nhờ sự góp sức của các anh chị em từ bên Đức gửi về nên đại diện cho những anh chị em trong gia đình, ông Ph đúng ra “đòi” lại. Để chờ người thân bên Đức về đưa những giấy tờ chứng minh số tài khoản trên là hợp lý, ông Ph không đồng ý yêu cầu của chị L rút số tài sản về.
Đồng thời, ông Ph đã làm đơn gửi lên Tòa án nhân dân quận 3 kiện ngân hàng Sacombank đã làm sai hợp đồng để đòi lại những quyền lợi hợp pháp cho mình.
Chị L là người thuộc ngôi thứ nhất thừa kế toàn bộ số tài sản bà P để lại theo pháp luật. Trong thời gian qua, chị L đã có “bức tâm thư” gửi đến anh chị em nhà bà P với nội dung xin phép rút những tài sản đã ký gửi tại Ngân hàng Sacombank về để lo cho những việc liên quan đến bà P và để trang trải cho việc học tập tại Đức như bà P mong muốn.
Cũng trong thời gian qua, cho rằng mình là người thừa kế duy nhất, chị L đã đi khai nhận di sản thừa kế với hơn 20 sổ và thẻ tiết kiệm tại các ngân hàng khi chưa có sự đồng ý của phía anh chị em nhà bà P.
Vậy những sự việc trên sẽ như thế nào? Thời gian tới, chị L có được thừa hưởng toàn bộ số tài sản và phía anh chị em ông Ph có đưa ra được những bằng chứng chứng minh là mình có sự “đóng góp” vào số tài sản 1.000 tỷ của bà P để lại?
Trao đổi với chúng tôi, luật sư của ông Ph cho biết, 2 tuần nữa những anh chị em của ông Ph bên Đức sẽ về và sẽ đưa ra bằng chứng để chứng minh là có sự đóng góp của mình. Lúc đó, mọi thủ tục liên quan đến vụ án sẽ được hoàn tất và chúng tôi sẽ gửi lên tòa án để làm rõ vụ việc. Còn bây giờ, chúng tôi sẽ không nêu ra bất cứ một thông tin nào.
Số tài sản của bà P được ký gửi tại Ngân hàng Sacombank ước tính lại thì được khoảng 500 tỷ đồng (đã tổng cộng tất cả). Và chúng tôi tin chắc rằng, sinh thời, bà P có lập di chúc để phân chia số tài sản trên. Ngay cả luật sư từng bảo vệ quyền lợi cho bà P trước kia cũng khẳng định có việc đó. Nhưng hiện nay, bản di chúc ấy để ở đâu, ai giữ thì là một dấu chấm hỏi chưa có lời giải đáp.
Lúc còn sống, bà P là người rất kỹ tính và uy tín. Thường ngày, làm việc gì, chi cái gì, cho ai vay, giúp đỡ hay làm từ thiện ở đâu, bao nhiêu tiền… bà P đều có một cuốn sổ nhỏ bằng bán tay ghi lại tất cả. Cuốn sổ ấy như một cuốn nhật ký ghi lại chuỗi sự kiện hằng ngày của bà P và hiện nay những anh chị em bên Đức đang cất giữ.
Luật sư cho biết, lúc bà P còn sống, những anh chị em trong gia đình rất thương yêu nhau và không bao giờ xảy ra xích mích. Các anh chị em trong gia đình rất tín nhiệm bà P nên đã thường xuyên gửi tiền về cho bà P góp vốn làm ăn cũng như mua đất giành dụm cho anh em khi trở về Việt Nam sinh sống và làm ăn, bắt đầu từ năm 1983.
Những giấy tờ giữa bà P và các anh chị em bên Đức ký kết, hiện vẫn đang được những người bên Đức cất giữ.
Luật sư cũng cho biết, ông Ph là người chỉ đứng ra đại diện cho những anh chị em bên Đức giải quyết những khúc mắc về phần mà họ đóng góp cho bà P lúc bà con sống. Và đây không phải là vụ tranh chấp tài sản thừa kế mà chỉ là vụ “kiện hùm hạp góp vốn làm ăn”.
Phía anh chị em ông Ph không tranh giành những tài sản thừa kế với chị L mà chỉ là đòi lại những phần vốn mà họ bỏ ra. Ông Ph chỉ là người đại diện khi họ vắng mặt chứ ông không liên quan đến vụ án.