Tuyên bố của vị quan chức này đã phủ nhận các đề xuất đưa ra trước một hội nghị lớn trong khu vực nhằm đóng băng những hoạt động có thể khiến căng thẳng gia tăng trong vùng biển.
Theo hãng tin, Yi Xianliang, Phó chủ tịch UB Biên giới và đại dương thuộc Bộ Ngoại giao TQ đã nói với báo giới rằng, TQ có đủ mọi quyền để xây dựng trên các đảo mà Yi gọi là của TQ như là cách nhằm cải thiện điều kiện sống cơ bản tại đó. Ông này ngang nhiên lớn tiếng: "Quần đảo Trường Sa là lãnh thổ nội tại của TQ và những gì TQ làm hay không làm phụ thuộc vào chính phủ TQ. Không ai có thể thay đổi được quan điểm của chính phủ", Yi nói.
Yi còn nhấn mạnh: "Tại sao khi nước khác bừa bãi xây dựng sân bay, không ai nói một lời? TQ chỉ năm nay mới bắt đầu việc xây dựng quy mô nhỏ và cần thiết để nâng cao điều kiện sống trên đảo, thì quá nhiều người lại nghi ngờ?".
Truyền thông Hong Kong đã đưa tin rằng, TQ dự kiến xây dựng một căn cứ không quân ở bãi đá Chữ Thập cho dù Yi nói không biết về kế hoạch này. Bãi đá Chữ Thập - Fiery Cross Reef - ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị TQ chiếm đóng trái phép kể từ năm 1988.
Theo các chuyên gia, nỗ lực của TQ trong xây dựng và cải tạo các đảo ở Biển Đông là nhằm thay đổi hiện trạng các đảo theo hướng có lợi cho TQ, giúp TQ phô trương sức mạnh, củng cố yêu sách chủ quyền tiến tới độc chiếm Biển Đông.
Cựu cố vấn An ninh quốc gia Philippines Roilo Golez cho rằng, TQ luôn theo một khuôn mẫu: đầu tiên xây dựng cơ sở ẩn trú tạm thời cho ngư dân ở các vùng tranh chấp, trước khi cải tạo chúng thành những công trình bê tông và tiền đồn vững chắc như từng làm với bãi đá Vành khăn (Mischief).
Yi còn cho biết thêm, đề xuất "đóng băng" các hoạt động làm gia tăng căng thẳng là không hữu ích và có thể làm suy giảm nỗ lực của TQ và ASEAN về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Ông này lần nữa lặp lại khẳng định quen thuộc của các quan chức TQ rằng, trong mọi trường hợp, Biển Đông là vấn đề của các nước có liên quan trực tiếp.
Trong khi các nước trong khu vực kêu gọi đem tranh chấp ra giải quyết ở diễn đàn đa phương, thì Bắc Kinh khăng khăng theo con đường song phương. Theo giới phân tích, đó là cách thức “chia để trị” của TQ với nhận thức rằng, họ sẽ có ưu thế hơn trong hội đàm song phương về vấn đề tranh chấp với các láng giềng nhỏ hơn.
TQ đưa ra yêu sách chủ quyền với 90% Biển Đông - vùng biển có những hải lộ quan trọng với thương mại toàn cầu và được cho là giàu trữ lượng dầu khí - bất chấp Brunei, Malaysia, Philippines, và Việt Nam đều có chủ quyền ở vùng biển này.
Tuần này, các ngoại trưởng ASEAN sẽ có những cuộc trao đổi về vấn đề an ninh với những người đồng cấp, trong đó có cả Mỹ và TQ tại Myanmar.
Bộ Ngoại giao Philippines mới đây cho biết, tại Diễn đàn Khu vực ASEAN, nước này sẽ đề xuất kế hoạch ba bước, trong đó có kêu gọi đóng băng mọi hoạt động làm gia tăng cẳng thẳng ở các vùng tranh chấp thuộc Biển Đông.