Tình hình biển Đông tối 9/7: Tàu Trung Quốc tiếp tục ngăn cản tàu Việt Nam

Chiều 9/7, Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) thông tin, trong ngày hôm nay, phía Trung Quốc duy trì 103 - 110 tàu các loại hoạt động trong khu vực giàn khoan Hải Dương – 981.

Trong đó có 40 - 42 tàu hải cảnh, 17 - 18 tàu vận tải, 16 - 18 tàu kéo, 26 - 28 tàu cá và 4 tàu quân sự.

Về diễn biến tại hiện trường, trong ngày hôm nay, các tàu kiểm ngư Việt Nam vẫn tiếp tục tiếp cận giàn khoan, cách giàn khoan từ 10 – 11 hải lý để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu và giàn khoan rời khỏi vùng biển của Việt Nam. Khi tàu kiểm ngư Việt Nam tiến vào gần giàn khoan, các tàu của Trung Quốc tiến hành dàn hàng ngang, đồng loạt tăng tốc độ áp sát ngăn cản, cách tàu ta khoảng 200 - 300m.

Tuy nhiên, các tàu kiểm ngư Việt Nam vẫn cơ động vòng tránh linh hoạt, kiên trì bám trụ để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật.

Các tàu cá của ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vẫn tiến hành đánh bắt thủy sản ở khu vực phía Tây Tây Nam, cách giàn khoan khoảng 42 - 45 hải lý.

Trung Quốc và Mỹ đưa tàu ngầm, tàu chiến vào Biển Đông

Trong khi Ngoại trưởng Mỹ đang công du tại Trung Quốc, Biển Đông đang có những biến chuyển khó lường thì Bắc Kinh đã đưa 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược tới đảo Hải Nam với nhiệm vụ tuần tra Biển Đông. Trong khi đó, trang web của Hải quân Mỹ cũng đăng tải hình ảnh cho thấy 3 tàu khu trục USS John S. McCain (DDG 56), USS Kidd (DDG 100), và USS Stethem (DDG 6) đã bắt đầu tuần tra Biển Đông từ ngày 7/7.

Tàu ngầm năng lượng hạt nhân Type-094 (lớp Tấn) của Trung Quốc. Ảnh: Global Defense Review

Cổng thông tin điện tử của kênh truyền hình TV5 (Philippines) ngày 8/7 cho biết 3 chiếc tàu ngầm Type-094 (lớp Tấn) đã được Trung Quốc triển khai tới Biển Đông từ tháng 5 vừa qua. Đây là loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể mang theo tên lửa đạn đạo, có tầm bắn trên 7.000km.

Tờ Washington Free Beacon (Mỹ) nhận định 3 tàu ngầm này sẽ được Trung Quốc sử dụng vào việc tuần tra thường xuyên Biển Đông cũng như cả Thái Bình Dương, bao gồm cả Hoa Đông.

Trước đó, truyền thông Trung Quốc khẳng định nước này đã điều tới khu vực này hai tàu trang bị tên lửa dẫn đường Giang Đảo Type-056 nhằm tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Nam Hải – đơn vị thường xuyên có các hoạt động bất thường và khó lường trên Biển Đông.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh đưa tàu ngầm tới căn cứ trên đảo Hải Nam – nơi vẫn được coi là bàn đạp để Trung Quốc bành trướng Biển Đông và đã được nước này đầu tư mạnh mẽ nhằm xây lên các căn cứ tàu sân bay, căn cứ tàu ngầm. Còn các tàu chiến được trang web của Hải quân Mỹ đăng tải dù được công bố ngày bắt đầu tuần tra nhưng thời hạn bao lâu thì không được công bố rõ.

Trong ngày hôm nay (9/7), Mỹ và Trung Quốc đã bước vào cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ 6. Theo đánh giá của các chuyên gia, căng thẳng Biển Đông sẽ bao trùm cuộc đối thoại này. Tờ Bloomberg của Mỹ đánh giá, với tham vọng mở rộng ảnh hưởng của mình, Trung Quốc đang đưa ra hành động đối đầu nguy hiểm với các nước láng giềng Đông Nam Á và Mỹ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là lập trường cực đoan của họ về vai trò của mình trước cộng đồng quốc tế, và tham vọng sẽ không chỉ dừng lại ở đường lưỡi bò 10 đoạn. Mục tiêu lâu dài của nước này chính là một vị thế ngang bằng trước hải quân của Mỹ tại Thái Bình Dương.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG