Trước hết là việc Ấn Độ công bố xây dựng 54 cột mốc biên giới mới ở Arunachal Pradesh - vùng đất mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền và gọi là Nam Tây Tạng. Ngày 27/10, trả lời email của hãng tin PTI về phản ứng của Bắc Kinh đối với động thái trên của New Dehli, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã cảnh báo Ấn Độ “kiềm chế không có bất cứ hành động nào có thể làm phức tạp hoặc thổi phồng vấn đề biên giới”.
Trước đó, Bắc Kinh đã có phản ứng tương tự đối với việc New Dehli dự định xây một con đường dài gần 2.000km dọc theo biên giới ở Arunachal Pradesh. Tuy nhiên, phía các quan chức Bộ Nội vụ Ấn Độ cũng có phản ứng cứng rắn với thái độ của Trung Quốc khi tuyên bố: “Việc Ấn Độ làm gì ở trong lãnh thổ Ấn Độ cũng không phải là chuyện mà Trung Quốc phải quan ngại” và “Đừng ai đe dọa hay cảnh báo Ấn Độ”.
Đến ngày 28/10, trước việc Ấn Độ và Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác dầu khí ở Biển Đông, trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc lại một lần nữa “nóng gáy”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lại ra rả luận điệu mơ hồ, phi lý rằng, Bắc Kinh có cái gọi là “chủ quyền” đối với quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam - PV), đồng thời “cảnh báo” họ sẽ kiên quyết phản đối bất kỳ hoạt động thăm dò dầu khí nào ở Biển Đông mà làm suy yếu cái gọi là “chủ quyền và lợi ích” của Bắc Kinh.
Trong khi đó, ngay sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã thẳng thừng bác bỏ các phản đối của Trung Quốc, đồng thời nói rõ rằng, các hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí giữa Ấn Độ với Việt Nam từ năm 1988 hoàn toàn thuần túy thương mại và không nên bị lôi kéo vào chuyện chính trị.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Dharmendra Pradhan cũng khẳng định, các lô dầu khí mà Việt Nam và Ấn Độ hợp tác thăm dò khác thác đều nằm trong vùng biển của Việt Nam và không có tranh chấp nào với Trung Quốc.
>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG