Tình hình Biển Đông sáng 24/9: Việt Nam và Philippines nên khảo sát ngay các đảo

Trung Quốc đang xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của họ trước khi tòa án quốc tế ra phán quyết về vụ kiện của Philippines.

Trả lời phỏng vấn tờ Deustche Welle của Đức, ông Gregory Poling - chuyên gia về Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược CSIS (Mỹ) - cho rằng, bất chấp sự phản đối của các nước, Trung Quốc đang xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của họ trước khi tòa án quốc tế ra phán quyết về vụ kiện của Philippines.

Theo phân tích của ông Poling, không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc (TQ) chọn cải tạo và xây dựng ở 5 đảo đặc trưng trên Biển Đông, vì tình trạng của các đảo này (đảo, đá, đảo chìm) đều đã được Philippines đưa vào vụ kiện TQ ở tòa trọng tài thường trực. Có vẻ TQ đang cố thay đổi hiện trạng để tòa án sẽ khó khăn hơn, nếu không nói là không thể, trong việc quyết định tình trạng ban đầu của các đảo này thế nào. Ông cho rằng còn quá sớm để nói rằng việc cải tạo các đảo này sẽ giúp các máy bay nhỏ hoặc tàu tuần tra của TQ tiếp cận, bởi các đảo này chưa thể đón nhận được các khí tài quan trọng trong tương lai gần.

Chuyên gia của CSIS phân tích, việc xây dựng và cải tạo đất đai của TQ trên các đảo nhỏ ở Trường Sa không phải là mới. TQ đã làm công việc tương tự ở Đá Vành Khăn không lâu sau khi chiếm được đảo này năm 1995. Và khi TQ bắt đầu chiếm hữu các đảo ở Trường Sa những năm 1980, ở đây không có gì ngoài các đảo chìm, đá nổi và một số đá khô. Việc mở rộng các đảo này đơn giản là lấy cát từ đáy biển và đổ chúng lên đá ngầm xung quanh các cấu trúc TQ dựng lên trước đó. Từng ít một chúng sẽ nổi lên trên mức nước cao, che giấu đi tình trạng ban đầu của đá ngầm hoặc đảo chìm bên dưới. Sau đó TQ dùng máy xúc san cát ra và tới khi tạo ra được đất đai như mong muốn, TQ sẽ bao quanh hòn đảo bằng hàng rào bêtông để chống xói mòn và mưa bão, rồi bắt đầu xây dựng các cơ sở hạ tầng mới, chỗ đậu tàu, sân bay trực thăng, các cấu trúc dân sự, quân sự và có thể cả đường băng nhỏ.

Theo ông Poling, việc đưa người tới ở đây sẽ không tạo ra khác biệt nào về mặt pháp lý. Và với câu hỏi liệu việc xây dựng hoặc cải tạo này có ảnh hưởng gì đến tình trạng pháp lý của các đảo này như đã được định danh là đảo hoặc đá hay không, câu trả lời dường như là không. Ông cho biết: Đa số học giả đi đến kết luận rằng, việc cải tạo đất đai không thể thay đổi tình trạng của một hòn đảo, nó chỉ có thể tạo ra một “đảo nhân tạo”, mà theo Công ước Luật Biển của LHQ cũng không tạo thêm quyền lợi gì. Tất nhiên nếu việc làm của TQ khiến các tòa án trong tương lai không thể xác định được tình trạng ban đầu của các đảo này, việc làm của TQ chắc chắn có thể cản trở tiến trình pháp lý.

Ông Poling cho biết, tới nay, các bên tuyên bố chủ quyền khác, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, đã khẳng định rằng hành động của TQ vi phạm tinh thần Tuyên bố Ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông 2002 (DOC). Có nghĩa là các nước này sẽ kiềm chế, không có hành động tương tự ở đảo của họ.

Sự lên án của quốc tế hiện giờ là vũ khí mạnh nhất của Việt Nam và Philippines, cho tới khi tòa phán quyết có lợi cho bên nào - ông Poling nói. Trong khi đó, Philippines và Việt Nam có thể phối hợp để ngăn chặn nỗ lực của TQ muốn che giấu tình trạng thực sự của các đảo, bằng việc hai nước hãy khảo sát các đảo một cách chính xác ngay bây giờ, trước khi việc cải tạo đất tiếp diễn khiến việc xác định được tình trạng ban đầu của các đảo trở thành không thể.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG