Theo phía Nga thông báo, tàu tuần dương tên lửa Moskva của Nga sẽ tiến hành diễn tập phòng không và sử dụng các vũ khí tên lửa, pháo, ngư lôi trong một chuyến viếng thăm hiếm hoi đến Biển Đông.
Trung Quốc: Không thể coi thường
Nhìn nhận động thái này của Nga, truyền thông Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh sẽ chẳng được lợi lộc gì khi Nga đưa tuần dương chủ lực đến Biển Đông.
Trong một bài viết ngày 7/11, tờ Tầm nhìn của Trung Quốc đánh giá, dù quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc nhưng Nga tuyệt đối sẽ không bị chi phối bởi bất cứ nước nào, mà nước này sẽ triển khai ngoại giao tự chủ toàn diện, trong đó có ngoại giao quân sự.
"Cho dù Trung Quốc dành sự ủng hộ và phối hợp chiến lược cấp bách cho Nga trong rất nhiều vấn đề quốc tế, bao gồm cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine, nhưng Nga hoàn toàn không lơi lỏng triển khai chiến lược ở xung quanh Trung Quốc, trong đó có Biển Đông", tờ Tầm nhìn viết.
"Trung Quốc và Nga là “đối thủ cạnh tranh tiềm tàng về chiến lược”. Nga bất chấp cảm giác của Trung Quốc, triển khai lực lượng quân sự ở xung quanh Trung Quốc thể phô diễn sự hiện diện chiến lược, đủ để cho thấy, Nga là một đối thủ cạnh tranh địa-chính trị không thể coi thường của Trung Quốc".
Tờ báo này cũng cho rằng sẽ "không thể tưởng tượng nổi" nếu Trung Quốc muốn lôi kéo Hải quân Nga, mượn sức mạnh của Nga, thị uy với Mỹ trên Biển Đông. Nếu Nga dùng vũ lực can thiệp Biển Đông – nơi mà bài báo tự nhận là “phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Trung Quốc”, đây sẽ không phải là một việc tốt. Bất kể là Mỹ hay Nga, Trung Quốc đều phải cảnh giác, bởi vì họ đều có mối đe dọa đầy đủ đối với Trung Quốc.
Mỹ: Chiến lược bành trướng của Nga
Báo chí Mỹ cũng tỏ ra quan tâm đến động thái tàu tuần dương tên lửa Moskva Nga huấn luyện diễn tập chống tàu ngầm và phòng không ở khu vực Biển Đông.
Tờ International Business Times của Mỹ ngày 6/11 dẫn lời chuyên gia quân sự Mỹ Eric Wertheim từ Viện Hải quân Mỹ cho rằng, mặc dù khu vực Biển Đông hoàn toàn không phải là khu vực hoạt động chính của Nga, nhưng lại là một phần "bành trướng" của Nga.
Eric Wertheim cho rằng, tàu tuần dương Moskva được triển khai là sự phô diễn hiếm thấy của Nga thể hiện sự hiện diện sức mạnh ở khu vực Biển Đông.
Trước khi đến Biển Đông tiến hành diễn tập, tàu tuần dương Moskva cũng từng cập cảng Singapore, tiến hành tiếp tế và nghỉ ngơi.
Cũng theo International Business Times, hoạt động này diễn ra ngay trước thềm chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nga Vladimir Putin để tham dự hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương APEC 2014. Tuy nhiên, không rõ hai hoạt động có liên quan đến nhau hay không.
Trang mạng Học viện Hải quân Mỹ dẫn lời Đô đốc Jonathan Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ cho rằng, trong mấy năm qua, hoạt động quân sự của Nga tăng cường tập trung vào hàng không và tàu ngầm hơn là tàu nổi. Do vậy, ông khá ngạc nhiên khi Nga cho tàu nổi tập trận ở Biển Đông.
>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG