Đây là lần thứ hai các tàu Việt Nam đang hoạt động trên biển Hoàng Sa ghi nhận sự xuất hiện của máy bay Mỹ.
Cụ thể, trong ngày 2/7, các tàu Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục ghi nhận máy bay EP-3 của Mỹ bay qua khu vực giàn khoan Hải Dương-981 ở độ cao khoảng 3.000m.
Ngoài ra, tính tới 16h ngày 2/7, lực lượng Cảnh sát biển cũng phát hiện 4 lần máy bay Trung Quốc bay qua khu vực giàn khoan.
Đáng chú ý, trong số này có cả máy bay chiến đấu J11 bay ở độ cao khoảng 3.000m. Ngoài ra, cảnh sát biển cũng phát hiện 2 lần máy bay Y-8X từ Lĩnh Thủy xuống khu vực giàn khoan và ngược lại; một lần máy bay trực thăng không rõ số hiệu từ Du Lâm xuống khu vực giàn khoan và bay về Du Lâm.
Cùng ngày, phía Trung Quốc đã sử dụng 118 tàu hoạt động quanh khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981.
Cụ thể, theo ghi nhận từ thực địa có tới 6 tàu quân sự (trong đó có 2 tàu hộ vệ tên lửa không rõ số hiệu, 2 tàu tên lửa tấn công nhanh số hiệu 751, 756 và 2 tàu quét mìn số hiệu 840, 843). Trung Quốc cũng huy động 42 tàu hải cảnh; 3 tàu hải giám; 2 tàu hải tuần; 17 tàu kéo; 15 tàu vận tải; 33 tàu cá.
Như vậy so với ngày 1/7, Trung Quốc đã tăng thêm 1 tàu tên lửa tấn công nhanh và 1 tàu hải cảnh.
Trong ngày các tàu Cảnh sát biển tiếp tục nhận lệnh cơ động, tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) để tuyên truyền khẳng định chủ quyền, quay phim, chụp ảnh lấy tư liệu đấu tranh ngoại giao.
Khi các tàu CSB 9001, 9002, 8003, 4032, 4033, 4034 tiến gần vào giàn khoan khoảng từ 10- 11,5 hải lý thì tàu của Trung Quốc, với số lượng vượt trội so với phía Việt Nam, tổ chức thành các nhóm tàu (mỗi nhóm từ 4-8 tàu các loại) trên các hướng tiếp cận để ngăn cản quyết liệt, bật còi uy hiếp, phun nước, sẵn sàng đâm va ở khoảng cách gần nhất là 40m đối với tàu CSB 4033, không cho tàu Việt Nam tiếp cận gần giàn khoan.
Cũng trong ngày, theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, vị trí của cả hai giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và giàn khoan Nam Hải 09 đều không thay đổi.
>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG