Trước đó, trong thông cáo của Văn phòng Chính phủ, phát biểu kết luận về tình hình trên biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực cao nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương, định hướng của Trung ương Đảng, Chính phủ, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, kiên định, kiên trì các giải pháp, biện pháp, đối sách đấu tranh bằng biện pháp hòa bình trên thực địa, bằng chính trị - ngoại giao, bằng thông tin, truyền thông trong nước và nước ngoài, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao các cơ quan chức năng tiếp tục củng cố, chuẩn bị hồ sơ, báo cáo lãnh đạo cấp cao xem xét, cân nhắc thực hiện việc đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Trên thế giới, dư luận quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động leo thang của Trung Quốc tại biển Đông. Theo Bộ trưởng Truyền thông Úc Malcolm Turnbull, hành động phô diễn sức mạnh của Trung Quốc ở biển Đông gây cảm giác bất an cho khu vực và sẽ khiến Bắc Kinh phải trả giá.
Ông cho rằng chính sách hiện nay của Trung Quốc gây phản tác dụng, cho thấy nước này “phô diễn cơ bắp với một, nhiều hoặc tất cả các nước láng giềng của họ tại những thời điểm khác nhau”. Ông khẳng định hậu quả của những hành động này là đang khiến “các nước láng giềng của Trung Quốc trở nên gần Mỹ hơn bao giờ hết”, trong khi Trung Quốc không có bất kỳ đồng minh nào trong khu vực ngoài CHDCND Triều Tiên. Nếu căng thẳng ở biển Đông dẫn đến một cuộc xung đột có sự tham gia của Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc không thể tránh khỏi tình trạng bị suy giảm, khiến giới lãnh đạo Trung Quốc gặp nhiều vấn đề. “Trung Quốc có nhiều thứ để mất”, ông Turnbull cảnh báo.
Tình hình căng thẳng tại biển Đông và những xung đột trên biển Hoa Đông đã thúc đẩy Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe ngày 1-7 thông qua nghị quyết lịch sử bãi bỏ lệnh cấm Lực lượng phòng vệ Nhật tham chiến ở nước ngoài.
Đây được xem là sự thay đổi quan trọng trong chính sách an ninh thời hậu chiến của Nhật, đồng thời là một thắng lợi của Thủ tướng Shinzo Abe - người đã xác định việc mở rộng vai trò quân sự của Nhật là hòn đá tảng trong các chính sách của mình kể từ khi trở lại cầm quyền cách đây 18 tháng.
Theo Reuters, bước đi trên sẽ mở rộng đáng kể các phương án quân sự của Nhật bằng việc chấm dứt lệnh cấm vận dụng “phòng vệ tập thể” hoặc trợ giúp một nước bạn bị tấn công. Nó cũng sẽ nới lỏng các hạn chế đối với những hoạt động trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ và những sự cố “vùng xám” chưa đạt đến tầm mức của một cuộc chiến tranh toàn diện.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Abe nhấn mạnh: “Bất kể trong hoàn cảnh nào, tôi sẽ bảo vệ tính mạng và sự tồn tại hòa bình của người Nhật. Với tư cách thủ tướng, tôi có trách nhiệm quan trọng này. Với quyết tâm như vậy, nội các đã thông qua chính sách an ninh quốc gia cơ bản”.
>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG