Cảnh sát biển Việt Nam kiên quyết xua đuổi giàn khoan và tàu Trung Quốc
Theo thông tin mới nhất từ Cảnh sát biển Việt Nam, Trung Quốc hiện vẫn duy trì trên 90 chiếc tàu các loại bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 và bố trí các tàu bảo vệ trên nhiều hướng. Các tàu này luôn cơ động tiếp cận và sẵn sàng phun nước, đâm va vào các tàu của ta.
Trong hôm qua, các tàu cá vỏ sắt Trung Quốc đã cơ động gần nhóm tàu cá vỏ gỗ của các Ngư dân Việt Nam và sẵn sàng đâm va vào các tàu cá của ta. Ngoài ra, một số tàu cá vỏ sắt có trọng tải trên 300 tấn hoạt động cùng các tàu bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc cũng tham gia ngăn cản hoạt động các tàu của ta.
Các tàu của ta tiếp tục tuyên truyền và yêu cầu Trung Quốc rút Giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam. Lúc 7h10 tàu Cảnh sát biển 4032 cơ động tiếp cận cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng cách 6,4 hải lý đã bị các tàu Trung Quốc số hiệu 3401, 102, 31101, 32101, 46001, 37011 cơ động và tăng tốc ngăn cản tàu Cảnh sát biển 4032.
Lúc 8h05, 3 tàu Trung Quốc số hiệu 3411, 33006, 242 ra ngăn cản phía trước mũi tàu CSB 8003 của ta. Tàu CSB 8003 phải dừng máy, thả trôi và tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút Giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Đến 9h20, tàu CSB 8003 quan sát xung quanh khu vực phát hiện có 69 tàu Trung Quốc các loại bảo vệ giàn khoan. Trong đó có 22 tàu Hải Cảnh, Hải giám, Hải tuần, Ngư chính; 3 tàu kéo; 6 tàu hàng; 38 tàu cá vỏ sắt.
Lễ chào cờ trên tàu CSB 8003 ngày 19/5, tại khu vực vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.
Mặc dù thời gian hoạt động trên biển dài ngày song các cán bộ, chiến sĩ CSB luôn xác định tốt nhiệm vụ, có ý chí quyết tâm cao, thực hiện đúng đối sách, kiên quyết xua đuổi giàn khoan và các tàu bảo vệ của Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Trung Quốc có rút một số thỏa thuận với Việt Nam?
Ở một diễn biến tương tự khác, chiều 20/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có buổi trả lời báo chí trước giờ báo cáo Quốc hội về tình hình biển Đông và việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, chúng ta vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp đấu tranh ngoại giao và một trong những biện pháp này là giao thiệp trực tiếp với Trung Quốc. Cho đến nay, có thế nói có 20 cuộc giao thiệp như vậy và chúng ta kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó là lập trường kiên quyết của chúng ta.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì giàn khoan và ngày càng tăng cường tàu ở đó. Điều đó cho thấy Trung Quốc vẫn ngoan cố không chịu về.
Trước thái độ ngoan cố của Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tuyên bố rõ ràng: chúng ta kiên quyết đấu tranh và có các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII hôm qua (20/5), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã nói rõ điều này..
Khi được hỏi Trung Quốc có nói rút một số thỏa thuận với Việt Nam, vậy phản ứng phía Việt Nam thế nào, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết: “Hiện nay chưa có thỏa thuận nào rút cả. Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc là phát triển quan hệ giữa nhân dân 2 nước. Còn vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền là việc không để cho đất nước bị xâm phạm quyền chủ quyền”.
>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG