"Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN về cơ bản nhất trí nhiều vấn đề liên quan đến các chủ trương lớn của hiệp hội, nhưng trong vấn đề Biển Đông thì rõ ràng ASEAN bị chia rẽ", Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, trao đổi với phóng viên.
Hôm 10/8, sau các hội nghị của ngoại trưởng ASEAN với nhau và với các đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản (ARF), ASEAN đã ra bản Tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Các nước Đông Nam Á cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh cũng như tự do hàng hải và hàng không ở khu vực này.
Tuy nhiên, đối với kế hoạch ba bước trong đó bước đầu tiên là đóng băng các hoạt động gây căng thẳng và thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông mà Philippines đưa ra, tuyên bố của ASEAN chỉ dừng ở mức "ghi nhận".
Phái đoàn Mỹ cũng đưa ra một đề xuất có nội dung tương tự ý kiến của Philippines.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi trao đổi với đại diện của Mỹ và Philippines đều thẳng thừng bác bỏ kế hoạch nói trên, khẳng định Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các lợi ích trên biển. Ông Vương còn yêu cầu Washington đứng ngoài các tranh chấp ở khu vực.
Theo các nhà phân tích, thái độ rất cứng rắn của Trung Quốc ở hội nghị này cho thấy họ đang nóng lòng và nhất quyết theo đuổi yêu sách trên biển.
"Trung Quốc đang nôn nóng hiện thực hóa tham vọng nắm trọn Biển Đông, trì hoãn bất cứ sáng kiến nào, kiếm thêm thời gian để đẩy mạnh kiểm soát trên thực tế và khai thác trên thực địa", ông Trần Ngọc Trường nói.
Trung Quốc từng gây sức ép và lôi kéo một số nước trong ASEAN nhằm làm suy yếu lập trường của khối về Biển Đông. Hồi năm 2012, khi Campuchia giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, lần đầu tiên trong lịch sử của hiệp hội, hội nghị các ngoại trưởng lần thứ 45 đã không thể ra tuyên bố chung do bất đồng về vấn đề Biển Đông.
"Họ sẽ tiếp tục lôi kéo và chia rẽ", ông Trường nhận định.
Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Dennis McCornac, Đại học Loyola Maryland, Mỹ, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, cho rằng các nước ASEAN chưa đi đến nhất trí về cách thức phản ứng trước những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN mang đặc trưng cuộc họp của một nhóm nước, nêu lên cam kết về hòa bình và ổn định, nhưng lại không đưa ra cách làm sao đạt được những mục tiêu đó", McCornac đánh giá. "Mặc dù các nước cho rằng tự do hàng hải là mối quan tâm hàng đầu, mối quan hệ với Trung Quốc lại có tầm quan trọng cao, đặc biệt là về kinh tế".
"Vì thế các nước không nước nào sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc một cách kiên quyết", ông McCornac nhận xét trong email gửi phóng viên.
Trên The Epoch Times, tác giả Bertil Lintner phân tích rằng trong ASEAN, Philippines và Việt Nam nhiệt tình với đề xuất "đóng băng". Tuy nhiên, Malaysia và Brunei, hai nước cùng có yêu sách ở Biển Đông, có vẻ miễn cưỡng trong đối kháng với Trung Quốc. Thái Lan, Campuchia, Lào, có mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh, Indonesia có quan điểm trung lập, Singapore có cách nhìn riêng và Myanmar đang có mối quan hệ khá nhạy cảm với Trung Quốc.
Ông Lintner cho rằng trước khi đến dự diễn đàn ARF với các nước ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trông đợi nhiều hơn ở hiệp hội này. Tuy nhiên ông Kerry cũng không nên ngạc nhiên khi đề xuất ngừng gây căng thẳng của Mỹ bị phớt lờ, bởi ASEAN có hai nguyên tắc là đồng thuận và không can thiệp vào các công việc nội bộ của các nước thành viên.
Lintner cảnh báo rằng kết quả này của hội nghị Đông Nam Á sẽ khiến Trung Quốc "rảnh tay" hơn trong việc xử lý tranh chấp Biển Đông với từng nước liên quan.
"Kế hoạch của Trung Quốc là cản trở về mặt ngoại giao và khiến ASEAN mắc kẹt trong những cuộc thảo luận vô tận", Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông, nhận định trên Wall Street Journal.
Thời gian tới, theo ông Trường, Bắc Kinh sẽ tiếp tục việc xây dựng ở Trường Sa và Hoàng Sa, thậm chí không loại trừ khả năng thiết lập vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ lấy đường băng ở đảo Gạc Ma làm trung tâm nối với các điểm khác ở khu vực, đó là bước leo thang nghiêm trọng và mục tiêu là thiết lập trật tự của Bắc Kinh ở Biển Đông. Hơn thế nữa, nhiều nguồn tin cho biết Trung Quốc khả năng sẽ triển khai thêm các giàn khoan dầu nhằm khai thác ở Biển Đông.
Tuy nhiên Trung Quốc cũng chưa thể vội mừng. Chưa đầy một tuần sau khi rời Myanmar, hôm qua tại Hawaii, Ngoại trưởng Mỹ Kerry khi nói về tầm nhìn của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định Mỹ phản đối những hành động hăm dọa, ép buộc và sử dụng vũ lực để đạt được yêu sách ở Biển Đông. Một quan chức ngoại giao của Mỹ tiết lộ rằng Washington sẽ "giám sát" các hành động nhằm làm dịu căng thẳng Biển Đông mà các bên đã cam kết. Các phát biểu cho thấy Mỹ kiên quyết với chiến lược duy trì an ninh biển ở khu vực này.
"Với tư cách một nước lớn theo đuổi tự do hàng hải, tôi tin rằng Mỹ sẽ không cho phép bất kỳ một nước nào độc chiếm một vùng biển quốc tế", ông Nguyễn Ngọc Trường phân tích. "Washington sẽ không để Trung Quốc dắt con trâu qua rào".
>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG