Biển Đông là một vùng biển dữ với trung bình một năm có hơn 10 cơn bão mạnh, kéo dài từ tháng 6 cho đến tháng 10. Hiện tại, khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981đang nằm trong vùng ảnh hưởng của hoàn lưu bão Rammasun – một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.
Cụ thể, lúc 7h ngày 14/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,2 độ vĩ bắc; 130,5 độ kinh đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 1.000 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 7h ngày 15/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ vĩ bắc; 124,8 độ kinh đông, trên vùng bờ biển phía đông miền Trung Philippines.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km/giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ đêm 15/7, vùng biển phía đông biển Đông, có gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.
Từ chiều tối 17/7 đến cuối tuần, dự báo, bão Rammasun sẽ vượt qua Philippines vào biển Đông ở phía đông đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong khi đó, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, dù là giàn khoan “siêu hiện đại”, “siêu bền vững” và “siêu khủng” nhưng cũng chỉ được thiết kế đủ sức chống bão mạnh cấp 10.
Trước sức mạnh và diễn biến phức tạp của bão Rammasun, để đảm bảo an toàn, khả năng Trung Quốc sẽ phải rút các tàu làm nhiệm vụ hộ tống, bảo vệ hoạt động phi pháp của giàn khoan Hải Dương 98, đồng thời, không loại trừ sẽ phải di dời giàn khoan “khủng” này vào vị trí gần bờ.
Hiện tại, các tàu của Trung Quốc đang lấy đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1974) làm căn cứ để bảo vệ giàn khoan hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nên nếu phải di dời giàn khoan Hải Dương 981 để “chạy” bão Rammasun, có lẽ Trung Quốc cũng sẽ chọn nơi đây làm nơi “tạm trú” cho công trình gần 1 tỷ USD này.
Hiện vị trí hạ đặt trái phép của giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam cách đảo Phú Lâm khoảng 103 hải lý. Với tốc độ di chuyển giàn khoan 3-4 hải lý/giờ, để kịp thời tránh bão Rammasun, khả năng Trung Quốc sẽ phải kéo giàn khoan “khủng” này từ ngày mai (15/7).
Tàu Trung Quốc hung hăng trên Biển Đông
Kêu gọi Mỹ cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông
Theo RFI, trong bài tổng kết công bố ngày 12/7/2014, ký giả nhật báo Singapore The Straits Times tại Washington đã tường thuật chi tiết về cuộc Hội thảo quốc tế về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS tổ chức tại thủ đô Hoa Kỳ ngày 11/07/2014.
Theo tờ báo Singapore, để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, rất nhiều chuyên gia Mỹ tham gia cuộc hội thảo đều đã kêu gọi Washington phô trương uy thế trong vùng, không nên quá nhũn nhặn.
Những lời kêu gọi chính quyền Mỹ có những phản ứng cứng rắn hơn để chống lại các hành vi xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông, theo báo The Straits Times, phản ánh thái độ bực bội ngày càng tăng sau khi một cuộc họp cấp cao ở Bắc Kinh cho thấy bất đồng quan điểm Mỹ-Trung nghiêm trọng về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Hầu hết các diễn giả cuộc hội thảo đều có những lời lẽ cững rắn đối với Bắc Kinh, đề nghị Hoa Kỳ tiến hành một chiến dịch phô trương uy lực một cách có tính toán, và dự trù các biện pháp nhằm bắt Trung Quốc phải trả giá cho mỗi hành động khiêu khích.
Các động thái mà Mỹ cần có, theo các chuyên gia, bao gồm việc tăng cường các chuyến bay trinh sát công khai trên các khu vực tranh chấp, để cho lực lượng Trung Quốc thấy rõ, cung cấp trang thiết bị cho các đồng minh, cử chiến hạm Mỹ ghé nhiều cảng hơn trong khu vực, và tăng gia số lượng các cuộc tập trận đang được thực hiện trong vùng.
Theo báo The Straits Times, diễn giả đầu tiên của cuộc hội thảo - Dân biểu Mỹ Mike Rogers - là người đã khai pháo chống Trung Quốc. Theo ông, các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã lộ rõ nguyên hình là những hành vị "xâm lược tham lam". Ông cảnh báo là thái độ bất động trước các hành vi đó sẽ mang lại "một cái chết do hàng ngàn vết cắt".
Đối với chính khách này, chính quyền Mỹ không được quyền chần chừ mà phải "trực tiếp hơn… bạo dạn hơn…, và cần phải thúc giục bạn bè và đồng minh của Mỹ trong khu vực trực tiếp hơn và cứng rắn hơn" trong đối sách chống Trung Quốc.
Là Chủ tịch Ủy ban phụ trách việc giám sát hoạt động tình báo của Mỹ, ông Rogers đã tỏ ý tiếc là Washington cho đến nay, đã tỏ ra quá nhũn nhặn đối với Bắc Kinh: "Đứng trên góc độ ngoại giao, chúng ta đã bỏ qua nhiều thứ cho Trung Quốc, điều mà chúng ta không bao giờ lượng thứ cho bất kỳ quốc gia nào khác".
Tiến sĩ Patrick Cronin, Giám đốc cao cấp thuộc Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm về một nền An ninh Mới của Mỹ (Centre for a New American Security), cũng bảo vệ một quan điểm cứng rắn tương tự, cho rằng Mỹ hiện đã nghiêm túc hơn trong việc áp dụng các chiến lược "áp đặt chi phí" - tức là các động thái nhằm răn đe Trung Quốc, chống lại chiến lược gọi là "ép buộc thích ứng" của Bắc Kinh.
Theo ông Cronin, cho đến nay, các hành vi thúc ép của Trung Quốc đều tránh mang tính chất quân sự lộ liễu, đồng thời Bắc Kinh cảnh cáo các láng giềng là nếu muốn có quan hệ thương mại tốt đẹp với Trung Quốc, thì phải nhường cho Trung Quốc quyền kiểm soát rộng rãi hơn trong lãnh vực an ninh và tài nguyên…
Theo nhật báo The Straits Times, tại cuộc hội thảo ở Washington, Trung Quốc cũng bị cực lực chỉ trích về thái độ không chấp nhận đưa bất kỳ vấn đề tranh chấp nào ra trước một tòa án quốc tế.
Cho dù vậy, nhật báo Singapore cho rằng nhân cuộc hội thảo, dù kêu gọi chính quyền Mỹ có hành động cứng rắn hơn, các chuyên gia cũng rất hoài nghi về khả năng Washington làm hơn là việc chỉ tuyên bố cứng rắn.
>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG