Tình hình biển Đông chiều 13/8: TQ mới là thủ phạm gây bất ổn trên Biển Đông

Mỹ có những phản ứng quyết liệt sau khi Trung Quốc cáo buộc Washington tìm cách gây "hỗn loạn" ở Biển Đông.

Ngày 12/8, sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tố cáo Mỹ gây căng thẳng ở Biển Đông trên website của Bộ Ngoại giao, Mỹ đã lập tức lên tiếng “phản pháo” rằng họ chỉ đang tìm cách giảm bớt căng thẳng trên vùng biển chiến lược này, còn chính những hành động hung hăng của Trung Quốc mới là thủ phạm gây bất ổn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho rằng tuyên bố chung của ASEAN tại diễn đàn khu vực ARF là “thích hợp” đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Tuyên bố này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “duy trì hòa bình và ổn định theo các nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế” và kêu gọi các bên tôn trọng DOC, tiến tới thực thi COC trên Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf

Hôm thứ Hai, báo chí Trung Quốc đã đồng loạt đăng bài viết của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị rằng Trung Quốc “cự tuyệt” đề xuất đóng băng mọi hành động khiêu khích trên Biển Đông và cho rằng đề xuất này chỉ phản tác dụng.

Tân Hoa Xã cáo buộc rằng đề xuất do Mỹ đưa ra chỉ “đổ thêm dầu vào lửa” khi khuyến khích các quốc gia như Philippines và Việt Nam có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc. Tờ báo này còn hối thúc Washington không gây “hỗn loạn” ở Biển Đông bằng sự can thiệp của mình, giống như những gì đang diễn ra ở Iraq, Syria và Libya.

Đáp lại, bà Harf chỉ ra rằng chính Trung Quốc mới là quốc gia đang có những hành động “hung hăng” trên Biển Đông chứ không phải Mỹ.

Bà nói: “Chúng tôi không phải là bên đang gây bất ổn ở Biển Đông, mà thủ phạm là các hành động hung hăng của Trung Quốc. Mọi thứ chúng tôi làm đều nhằm hạ nhiệt căng thẳng, để giúp mọi người giải quyết bất đồng qua con đường ngoại giao chứ không phải bằng các biện pháp đe dọa hoặc gây bất ổn giống như những gì Trung Quốc đã làm trong vài tháng qua”.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang ngày càng “quân sự hóa” các vấn đề tranh chấp biển đảo với Brunei, Malaysia, Việt Nam, Philippines trên Biển Đông và với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.

Theo giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, Trung Quốc đang chơi trò “đổi trắng thay đen” tại diễn đàn ARF, nơi tập trung các nhà ngoại giao của hàng chục quốc gia trên thế giới. Trước khi hội nghị diễn ra, Trung Quốc bằng ảnh hưởng của mình đã gây sức ép buộc một số thành viên ASEAN không nhất trí với đề xuất “đóng băng” của Mỹ.

Thế nhưng trong hội nghị này, ông Vương Nghị lại tuyên bố rằng Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia trong ASEAN về vấn đề Biển Đông và nói rằng năm 2015 là năm “hợp tác biển” giữa hai bên.

Ông Thayer phân tích: “Họ chỉ đang muốn thể hiện rằng không ai có thể đổ lỗi cho họ trong vấn đề Biển Đông, vì họ đã ‘thành tâm hợp tác’. Bắc Kinh muốn ngụy biện rằng mọi hành động khiêu khích đều là do bên ngoài những quốc gia không có hảo ý trong nội bộ ASEAN gây ra, chứ không phải do Trung Quốc”.

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc

Với những ý đồ đó của Bắc Kinh, ông Thayer cho rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ chịu ngừng các hoạt động nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông để phục vụ cho tham vọng độc chiếm vùng biển chiến lược này thành ao nhà.

Ông Pavin Chachavalpangpun, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto cho rằng trong thực tế Trung Quốc vẫn đang theo đuổi “chính sách đối ngoại hung hăng” trên Biển Đông trong khi ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đang giảm sút.

Giáo sư Pavin nói rằng trong bối cảnh giới lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia của họ, cơ hội giảm bớt căng thẳng trên Biển Đông là rất nhỏ, và tình hình có thể bùng phát thành xung đột bất cứ lúc nào. Bởi vậy, cách duy nhất để kiềm chế được Trung Quốc là đưa các vấn đề tranh chấp ra trước một tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc.

< >> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG