Có mặt ở tuyến đầu của cuộc “chiến tranh lạnh” hôm nay quả là điều hiếm hoi, đặc biệt khi tuyến đầu là một chuỗi đảo xa xôi nằm trên biển Đông cách đất liền hàng trăm kilomet…
Đi vào vùng chiến
… Chúng tôi lên đường ra biển khi ánh sáng mặt trời mờ dần. Chúng tôi chen chúc trên một chiếc tàu tiếp tế nhỏ hướng ra quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển miền Trung Việt Nam khoảng 296 km. Chẳng bao lâu sau, không khí trên tàu trở nên yên tĩnh và 40 phóng viên trong nước lẫn quốc tế lên giường đi ngủ.
Các cảnh sát biển dù mặc thường phục hằng ngày (họ chỉ mặc quân phục khi làm nhiệm vụ) nhưng trước ống kính máy ảnh vẫn rất nghiêm nghị và kiên quyết trong vai trò của họ - tuyến phòng ngự đầu tiên để chống lại hành vi xâm lược của Trung Quốc (TQ).
Tuân thủ đường lối
Tuyên bố chủ quyền của Việt Nam về vùng biển này là kiên định và dứt khoát. Các cảnh sát biển giải thích với tôi rằng TQ đã vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển 1982 và các tàu TQ đã tiến hành hoạt động phi pháp ở vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam.
Khi đã đi xa bờ biển, chúng tôi được chuyển lên tàu lớn hơn và chúng tôi được thông báo cảnh sát biển không mang đạn thật trong chuyến tuần tra.
Con tàu đơn độc giữa biển khơi… Dưới thân tàu là độ sâu khoảng 1.000 m. Trên boong tàu, một con chim mòng biển bám theo khi tàu bắt đầu chuyến tuần tra thường lệ dọc tuyến đường biển sát giàn khoan nằm lù lù ở đường chân trời.
Giàn khoan được gọi tên là Hải Dương 981 hiện diện khắp nơi, trong tâm trí của mọi người, trong các cuộc thảo luận trên tàu và trong tầm mắt của chúng tôi trong hầu hết thời gian trên biển mặc dù chúng tôi vẫn giữ khoảng cách với giàn khoan.
… Phía đường chân trời xuất hiện bóng dáng hàng chục tàu, cả tàu cảnh sát biển Việt Nam, tàu hải cảnh TQ lẫn tàu cá hai nước. Các tàu cá Việt Nam treo băng rôn màu đỏ lời kêu gọi TQ rút khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Vũ điệu nguy hiểm
Trong phần lớn thời gian các tàu chạy vòng quanh, thận trọng giữ khoảng cách và bày tỏ thái độ với nhau từ xa. Tuy nhiên, mọi việc đều có thể xảy ra và thực sự đã vượt tầm kiểm soát. Vài giờ trước khi chúng tôi đến khu vực này, một tàu cá Việt Nam đã bị chìm do bị tàu TQ cố ý đâm vào.
… Thuyền trưởng tàu cá bị chìm nói với tôi vài ngày sau đó rằng ông tin chắc chiếc tàu đâm vào tàu ông là tàu hải cảnh TQ ngụy trang thành tàu cá.
Giữ nhiệm vụ chỉ huy tàu cảnh sát biển 8003,… thuyền trưởng Nguyễn Văn Hưng với 50 cảnh sát biển dưới quyền giữ vai trò rõ ràng trong cuộc tranh chấp này với TQ. Anh nói không có liên lạc nào giữa tàu của Việt Nam với các tàu TQ. Không có kênh liên lạc vô tuyến, chẳng có cách nào để ngăn ngừa sự kiện leo thang nguy hiểm.
Các vụ tấn công của TQ
Một đoạn băng ghi hình của CNN trong số nhiều đoạn băng ghi hình khác đều cho thấy các tàu TQ đã tấn công các tàu Việt Nam ở khu vực đặt giàn khoan Hải Dương 981 bằng vòi ròng và bằng cách đâm húc.
Một nhóm phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam có mặt trên tàu cảnh sát biển 8003 cho biết trong lần đi trên chuyến tàu trước đây, họ đã tận mắt nhìn thấy tàu hải cảnh TQ đâm tàu kiểm ngư của Việt Nam.
Một buổi sáng sớm, chúng tôi được đánh thức dậy để chứng kiến những gì thuyền trưởng tàu cảnh sát biển 8003 nói là hình ảnh một tàu hải cảnh TQ phun vòi rồng vào một tàu kiểm ngư Việt Nam.
Ở khoảng cách xa, vòng cung dòng nước tuôn ra từ vòi rồng trông thật đẹp, tuy nhiên ở cận cảnh thì đó là luồng nước dữ dội có thể phá vỡ cửa sổ, làm chết máy động cơ, gây mất điện và thậm chí gây cháy.
Cách hành xử đe dọa
Trong khi giữ khoảng cách với tàu Việt Nam, các tàu TQ đã bộc lộ ý đồ cho thấy sự hiện diện của họ. Khi các tàu quá gần nhau, chúng tôi có thể thấy các khẩu súng trên boong tàu TQ đã được tháo dỡ bạt che… Trong bất kỳ trường hợp nào, cảnh tượng vũ khí nằm trần trụi trong tầm chỉ vài chục mét thật rất đáng lo ngại.
Sự hiện diện của TQ cũng có thể cảm nhận được từ trên không. Vào cuối chuyến đi, chúng tôi đã nhìn thấy một máy bay trinh sát - các phóng viên trên tàu cảnh sát biển 8003 khẳng định là máy bay TQ - bay liên tục vòng quanh tàu chúng tôi.
Đôi khi máy bay xuống thấp và đủ gần để những người trên tàu nhận ra các ký hiệu của máy bay bằng mắt thường. Việc thu thập thông tin tình báo ở khoảng cách gần như vậy đã làm những người trên tàu lo ngại.
EUAN MCKIRDY (Phóng viên thường trú của CNN tại Hong Kong)