Chiếc máy bay tàng hình quân đội Mỹ sử dụng để dò tín hiệu hạt nhân đã bị rơi xuống lãnh thổ Iran tháng 12-2011 - Ảnh: Business Insider
Mới đây, tổng biên tập nhật báo Ha’aretz Aluf Benn, một nhà bình luận chính trị hàng đầu Israel, cáo buộc Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang “mở chiến dịch vận động dư luận ủng hộ chiến tranh chống Iran”. Tổng biên tập Benn chỉ trích chính quyền Netanyahu đang cố thuyết phục người dân Israel rằng “chỉ có một cách ngăn chặn cuộc diệt chủng Do Thái thứ hai” là không kích các cơ sở hạt nhân Iran.
Nhưng thực tế Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) có quan điểm khác với ông Netanyahu. Ngày 17-3, báo New York Times dẫn lời một số quan chức tình báo Mỹ giấu tên tiết lộ: “Mossad đồng ý với nhận định của tình báo Mỹ về chương trình hạt nhân Iran”. Hồi tháng 2, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper tiết lộ 16 cơ quan tình báo Mỹ cùng kết luận Iran chưa hề quyết định có sản xuất vũ khí hạt nhân hay không.
“Các điệp viên Israel đặt ra rất nhiều câu hỏi khó, nhưng nhìn chung Mossad không bất đồng với tình báo Mỹ về chương trình vũ khí của Iran” - New York Times dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ cho biết.
Theo dõi chặt chẽ
Báo New York Times và Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ tiết lộ trong nhiều năm qua, các cơ quan tình báo Mỹ âm thầm giám sát mọi chương trình làm giàu uranium và phát triển công nghệ tên lửa của Iran. Mục tiêu là phát hiện và ngăn chặn bất kỳ bước đi nào của Tehran nhằm tiến tới việc thiết kế và sản xuất bom hạt nhân. Tình báo Mỹ thừa nhận việc truy tìm các dấu hiệu của hoạt động sản xuất vũ khí hạt nhân khó hơn nhiều so với giám sát chương trình làm giàu uranium và sản xuất tên lửa.
Các chương trình này đòi hỏi đầu tư lớn vào nhà máy, hạ tầng, mua thiết bị... nên dễ bị phát hiện. “Theo dõi bất cứ hoạt động nào liên quan đến xây dựng cũng dễ hơn các nghiên cứu khoa học - New York Times dẫn lời chuyên gia Jeffrey Richelson, tác giả cuốn Spying on the bomb, kể về lịch sử tình báo hạt nhân Mỹ - Rất khó phát hiện vũ khí hạt nhân trừ khi ai đó lỡ miệng và tình báo Mỹ nghe lén được đối phương”.
Các quan chức tình báo Mỹ khẳng định đã làm tất cả để moi thông tin về chương trình hạt nhân của Iran. Từ lâu, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) liên tục nghe lén các cuộc trò chuyện qua điện thoại của giới quan chức Iran. NSA cũng thực hiện hàng loạt chương trình giám sát điện tử khác đối với Tehran. Trong khi đó, Cơ quan Tình báo địa không gian (NGA) phân tích mọi hình ảnh chụp các cơ sở hạt nhân Iran từ vệ tinh và bằng sóng vô tuyến.
Máy bay tàng hình do thám siêu hiện đại của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), rất khó bị phát hiện, cũng thường xuyên vần vũ trên bầu trời Iran. Một chiếc RQ-170 không người lái bị rơi xuống lãnh thổ Iran hồi đầu tháng 12-2011, dù quân đội Mỹ tuyên bố máy bay này hoạt động ở Afghanistan và bị mất kiểm soát nên rơi xuống Iran. Giới chuyên gia quân sự cho biết loại máy bay này được trang bị thiết bị cảm biến mạnh đến mức có thể dò được lượng phóng xạ cực nhỏ dưới mặt đất.
Khẳng định chắc chắn
Các quan chức Mỹ còn tiết lộ tình báo Mỹ đã cài hàng loạt thiết bị cảm biến trong lòng đất tại những khu vực gần các cơ sở hạt nhân Iran. Loại thiết bị này có thể dò thấy tín hiệu điện từ hoặc phóng xạ từ các hoạt động hạt nhân bí mật. Ngoài ra, tình báo Mỹ còn dựa vào thông tin từ các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Washington cho biết luôn chia sẻ thông tin tình báo với Israel. Theo báo Jerusalem Post, tình báo Israel tiết lộ cũng thực hiện các chiến dịch phản gián trong lãnh thổ Iran. Mossad dựa một phần vào nhóm lưu vong Iran MEK, đặt trụ sở tại Iraq. Nhóm này bị chính quyền Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Tình báo Israel cũng thiết lập quan hệ thân cận với vùng bán tự trị của người Kurd ở phía bắc Iraq, và sử dụng các điệp viên người Kurd để xâm nhập lãnh thổ Iran.
Các quan chức CIA tiết lộ nhiệm vụ khó khăn nhất đối với tình báo Mỹ tại Iran là tuyển dụng các điệp viên bản địa. Việc không có một đại sứ quán ở Tehran cũng khiến tình báo Mỹ thiếu một căn cứ để điều phối các chiến dịch phản gián. CIA cũng lo ngại việc nhóm MEK có thể tuồn thông tin không chính xác cho Israel.
Theo New York Times, bất chấp những hạn chế trên, các cơ quan tình báo Mỹ, qua hàng loạt nguồn tin và kênh giám sát, vẫn khẳng định từ năm 2003 lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã ra lệnh dừng chương trình vũ khí hạt nhân. Đến giờ giáo chủ Khamenei vẫn chưa ra lệnh nối lại chương trình này. “Có quá nhiều bằng chứng cho thấy chương trình vũ khí hạt nhân Iran đã bị dừng và đánh giá đó đến nay không thay đổi” - một quan chức tình báo Mỹ nhấn mạnh.