Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội (Tổng cục VII - Bộ Công an) vừa có dự thảo để trình Bộ Công an xem xét và lấy ý kiến đối với Thông tư sửa đổi, bổ sung nội dung trong Thông tư số 36/2010/TT-BCA liên quan đến quy định thủ tục chuyển quyền sở hữu phương tiện.
Dự thảo Thông tư này nhằm giải quyết các trường hợp xe mua bán qua nhiều chủ mà thiếu hoặc không có chứng từ chuyển nhượng. Nếu Thông tư này được chấp thuận và ban hành, sẽ giải quyết cho xe đăng ký từ ngày Thông tư có hiệu lực trở về trước.
Một số nội dung cơ bản trong dự thảo Thông tư, trước hết đối với xe mua bán, cho, tặng qua nhiều chủ, nhưng người đang sử dụng không thể liên hệ với chủ sở hữu xe trước đó nên thiếu hoặc không có chứng từ chuyển nhượng. Người đang sử dụng phải có đơn cam kết chịu trách nhiệm về nguồn gốc hợp pháp của xe (theo mẫu) và có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn về địa chỉ nơi cư trú của chủ xe (thay cho chứng từ chuyển nhượng xe).
Một trường hợp khác là người đang sử dụng xe bị mất giấy đăng ký hoặc biển số xe, phải trình bày rõ lý do trong đơn cam kết. Khi đó, cơ quan đăng ký xe sẽ tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và các thủ tục khác đúng quy định thì cấp giấy đăng ký tạm thời (theo biển số cũ). Thời hạn cấp là 30 ngày và đóng dấu “không được chuyển nhượng xe” vào giấy đăng ký tạm để quản lý.
Tiếp đến, sẽ gửi thông báo việc tiếp nhận hồ sơ sang tên xe cho người đứng tên đăng ký xe (trong hồ sơ) biết và niêm yết tại trụ sở cơ quan đăng ký xe. Sau 30 ngày gửi thông báo, nếu không có khiếu kiện, tranh chấp thì cấp giấy đăng ký xe cho người đang sử dụng đó.
Trường hợp thứ 3, có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng. Người đang sử dụng phải có đơn cam kết chịu trách nhiệm về nguồn gốc hợp pháp của xe (theo mẫu số 01 kèm theo Thông tư này) và có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn về địa chỉ nơi cư trú của người đang sử dụng xe. Trường hợp bị mất giấy đăng ký hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong đơn cam kết.
Cơ quan đăng ký xe sẽ tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, chứng từ chuyển nhượng của chủ xe đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng cũng như các thủ tục khác đúng quy định thì được giải quyết đăng ký sang tên.
Trường hợp làm thủ tục sang tên, di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác thiếu hoặc không có chứng từ chuyển nhượng theo quy định. Khi đó, người đang sử dụng phải đến cơ quan đăng ký xe ghi trong giấy đăng ký để làm thủ tục sang tên, di chuyển. Cơ quan đăng ký xe tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ xe có đơn cam kết và các thủ tục khác đúng quy định thì giải quyết sang tên di chuyển.
Trước đây, để hạn chế phương tiện, giảm thiểu ùn tắc, có giai đoạn TP. Hà Nội đã áp dụng mỗi người chỉ được đăng ký sở hữu một phương tiện. Thậm chí có thời gian, Hà Nội không cho đăng ký xe tại 4 quận nội thành. Mặt khác mức lệ phí trước bạ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cao gấp nhiều lần so với địa phương khác...
Để có phương tiện đi lại, tiết kiệm chi phí do việc nộp lệ phí trước bạ, nhiều người dân nhờ người thân đứng tên đăng ký hộ. Mặt khác, có nhiều chủ xe trước do nhiều lý do (chết, đi công tác nước ngoài, thay đổi nơi ở…) nên người đang thực tế sử dụng xe không thể liên hệ để bổ sung chứng từ chuyển nhượng dẫn đến thiếu hoặc không có chứng từ chuyển nhượng nên không thể thực hiện sang tên, thay đổi đăng ký.
Từ ngày 10/11/2012 Nghị định 71/2012/NĐ-CP có hiệu lực, tại các địa phương, số xe được làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tăng lên, nhưng vẫn còn một lượng lớn xe không chính chủ không thể làm thủ tục do đã mua bán trao tay, không có chứng từ chuyển nhượng theo quy định. Dự thảo Thông tư nhằm giải quyết thủ tục chuyển quyền sở hữu cho số lượng lớn xe này.
Cũng theo dự thảo Thông tư, sẽ giải quyết cho các trường hợp trên đến hết ngày 31/06/2013.