Trong số các phương pháp thẩm mỹ nhằm cải lão hoàn đồng, dường như các quý bà, quý ông ngày càng ưu ái hai thần dược: botox và filler. Vậy liệu rằng đây có phải là hai “tiên dược” hữu hiệu trong việc bảo vệ sắc đẹp, ngăn chặn bước thời gian?
Botox giúp ích bạn đến đâu?
Botox thực chất là một chất đạm (protein) được Hãng dược phẩm Allergan ở Irvine, bang California, Mỹ, chiết xuất từ một loại vi khuẩn yếm khí có tên Clostridium Botulinum type A - là loại vi khuẩn thường thấy trong đồ hộp, nhất là thịt hộp, cá hộp, xúc xích, sữa nước, sữa bột quá hạn sử dụng, rất nguy hiểm nếu ăn vào. Thoạt đầu, botox được dùng để trị chứng căng cơ quá mức, hoặc bệnh bại não, cơn đau nửa đầu và một số bệnh về mắt như co thắt mí mắt hoặc sử dụng trong các cuộc phẫu thuật nhằm làm tê liệt các cơ bắp tránh co giật cho bệnh nhân. Tác dụng chính của botox là ngăn chặn luồng xung động thần kinh, làm yếu phần cơ mặt dưới da. Dù đã có mặt được hơn 20 năm trong thế giới dược phẩm, nhưng phải đến 10 năm trở lại đây, botox mới là cái tên được nhắc đến nhiều trong ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ. Sở dĩ, botox được ưa chuộng bởi sử dụng botox không quá phức tạp, ít tác dụng phụ lại ít gây đau đớn (nếu biết dùng đúng liều lượng). Botox đạt hiệu quả tốt nhất sau khi tiêm từ 7 - 10 ngày, vì thế nhiều người thường nhầm lẫn tác dụng thực sự của botox trong cuộc chiến chống lại tuổi tác. Sự thật, botox chỉ có tác dụng làm thả lỏng các cơ trong một thời gian nhất định, nó không làm biến mất các nếp nhăn, chỉ làm quá trình co cơ không diễn ra trong thời gian tiêm botox, sau từ 4 - 6 tháng, gương mặt bạn lại xuất hiện các nếp nhăn như cũ. Trên thực tế, botox chỉ làm chậm quá trình lão hóa tạm thời và để duy trì sự tươi trẻ, bạn cần tiếp tục bơm botox với đợt trị liệu sau kéo dài hơn đợt trị liệu trước. Việc này dễ dẫn đến tâm lý nghiện bơm botox để bảo trì sắc đẹp, ngăn chặn tiến trình lão hóa. Và khi bạn nghiện botox, sớm muộn thì bạn cũng sở hữu một gương mặt cứng đơ như tượng sáp do dùng quá liều.
“Tương lai” nào chờ bạn sau filler?
Filler là chất làm đầy có tác dụng trẻ hóa làn da và nâng mô vùng mặt, giống như collagen dạng lỏng với hơn 90% là nước muối sinh lý. Filler được đưa vào cơ thể bằng những mũi kim siêu nhỏ để xóa nhăn (vùng trán, đuôi mắt, khóe miệng), nâng mũi (làm đầy, làm thẳng sống mũi, làm nở cánh mũi), tạo hình cằm, nâng ngực, tạo đường cong (độn mông...). Hiện nay, có 3 loại filler thường được dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ: Chất làm đầy vĩnh viễn (chính là silicon dạng lỏng có tác dụng vĩnh viễn và thường dễ dể lại di chứng trên cơ thể con người - hiện nay đã bị cấm); chất làm đầy không vĩnh viễn (có tuổi thọ kéo dài từ 4 - 18 tháng) và chất làm đầy bán vĩnh viễn (sự kết hợp giữa collagen và chất làm đầy vĩnh viễn). Với những lời quảng cáo hào nhoáng: không phẫu thuật, không đau đớn chảy máu, không biến chứng... đã làm mờ mắt các người đẹp. Hiện nay, làm cao sống mũi, bơm mông, độn cằm... bằng filler (chất làm đầy không vĩnh viễn) đang rất phổ biến ở thẩm mỹ viện, các trung tâm làm đẹp. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ thì filler cũng ẩn chứa đầy hiểm họa như: làm liệt cơ mặt, tăng nếp nhăn nếu ngừng sử dụng, đẩy nhanh quá trình lão hóa da, gây biến chứng khi tiêm một lượng lớn để nâng ngực, độn mông... Gần đây, chúng ta thấy rất nhiều người đẹp bỗng xuất hiện với gương mặt sưng phồng khác thường. Theo các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ, rất có thể họ đã lạm dụng chất làm đầy filler với mong muốn có chiếc mũi cao nhưng lại được... mũi to, muốn khuôn mặt bầu bĩnh, đáng yêu nhưng lại nhận được khuôn mặt biến dạng không mong muốn. Vì vậy, những người có ý định làm đẹp bằng filler xin hãy cẩn trọng: chất filler có thể mang đến hiệu quả ngược lại!
Gương mặt Madonna cứng đơ không khác gì tượng sáp.
Không thể đánh lừa thời gian
Theo các chuyên gia thẩm mỹ, về cơ bản, botox vẫn là một loại hóa chất có chứa độc tố mạnh. Do đó, nó chỉ thực sự hiệu quả khi được sử dụng với liều lượng hợp lý, độ sâu và vị trí tiêm chính xác. Trong khi đó, ngay cả ở những nước tiên tiến nhất, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác liều lượng thực tế đối với từng loại da mặt. Thêm vào đó, ở mỗi cơ địa khác nhau lại đòi hỏi việc xác định vị trí tiêm khá phức tạp và tay nghề của bác sĩ thẩm mỹ phải rất cao. Các bác sĩ cũng khuyến cáo rằng, về lâu về dài, người tiêm botox sẽ trở nên miễn dịch với nó bởi lẽ botox là một phức hợp protein nên khi tiêm vào, hệ thống miễn dịch của một số người sẽ từ chối botox bằng cách tạo ra kháng thể kháng lại nó. Một trong những biến chứng nữa của botox mà các bác sĩ thẩm mỹ gọi là hiện tượng “đông lạnh cơ mặt”. Do tác dụng chính của botox là ngăn chặn luồng xung động thần kinh, làm yếu phần cơ dưới da, việc lạm dụng botox để làm giãn nếp nhăn trên khuôn mặt lâu dần sẽ khiến cho búi cơ bị tê liệt. TS. Ayham al-Ayoubi, chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ hàng đầu của Bệnh viện thẩm mỹ Harley Street, Anh, nói: “Nếu dùng botox để tiêm vào phần dưới của khuôn mặt thì nó sẽ tạo ra “khuôn mặt đông lạnh”, chưa kể nó còn có thể gây chết người”. Mặc dù nguy cơ này khá hiếm, nhưng các bác sĩ thẩm mỹ đã ghi nhận một số trường hợp sốc phản vệ sau khi tiêm botox, dẫn đến suy hô hấp rồi tử vong.
TS.BS. Frank Joshep, Khoa Thẩm mỹ chỉnh hình thuộc Bệnh viện John Hopkins, Mỹ, cho biết: “Mỗi nếp nhăn trên mặt có thể do một hoặc nhiều cơ tạo nên, botox chỉ hiệu quả khi được tiêm bởi những bác sĩ nắm vững cấu trúc cơ mặt”. Bác sĩ cũng nói rõ botox chỉ có tác dụng với những nếp nhăn “động” - là các nếp nhăn xuất hiện rõ khi cười, nhăn nhó hoặc cau mày, nằm ở giữa vùng đầu chân mày, ở trán hay ở đuôi mắt... nhưng việc tiêm botox đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có chuyên môn sâu về giải phẫu vùng mặt và kỹ thuật tiêm, nhiều trường hợp bị biến dạng gương mặt hoặc mặt cứng đơ, không cảm xúc là hậu quả của việc tiêm botox chưa đúng kỹ thuật. Với botox, chỉ cần vượt quá liều lượng và tiêm sai vị trí có thể dẫn tới nguy cơ bị méo miệng, xếch mắt, sụp mí mắt, sụp chân mày, thậm chí rối loạn thị giác. Tiêm quá liều sẽ khiến các cơ mặt bị đơ, trông như hình nộm. Còn đối với các nếp nhăn “tĩnh” - là những nếp nhăn tồn tại thường trực trên khuôn mặt ngay cả khi không cười, không nhăn nhó hay cau mày thì botox không thể nào “xóa” đi được. Thế nhưng ở Việt Nam, nhiều người cho rằng “cứ tiêm là hết nhăn”, hình như không mấy người hiểu hay họ cố tình không hiểu điều này?!
Tương tự như botox, việc sử dụng chất làm đầy filler cũng như một “con dao hai lưỡi”, ngay tại các trung tâm thẩm mỹ của các nước tiên tiến hàng đầu thế giới khi sử dụng phương pháp này cũng cần phải tuân thủ quy tắc, liều lượng và đối tượng sử dụng nhất định nếu không muốn gây ra những hậu quả đáng tiếc. Nhưng theo khảo sát ở Việt Nam, tại các cơ sở làm đẹp, các thẩm mỹ viện hiện nay việc sử dụng liệu pháp filler rất tùy tiện và rất nhiều trong số đó chưa thông qua đơn vị cung cấp giấy chứng nhận độ an toàn. Tiêm filler có thể gây ra những hậu quả khó lường trong các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh tự miễn, dị ứng hoặc nhạy cảm với thành phần của chất, nhiễm trùng do viêm, phụ nữ có thai và cho con bú. Sau khi được tiêm vào cơ thể, tác dụng của filler cũng không kéo dài vĩnh viễn như nhiều người lầm tưởng. Thời lượng tối đa chỉ từ 6 - 8 tháng, có nghĩa là khi đã sử dụng filler, bạn sẽ phải đi tiêm định kỳ mỗi năm 1 - 2 lần nếu không muốn ngoại hình bị biến dạng. Khi ngừng dùng filler, da bạn có thể còn bị lão hóa nhanh hơn do có tác động hóa học khiến cấu trúc da thay đổi và việc quá lạm dụng filler trong một thời gian dài sẽ dẫn đến rất nhiều hiểm họa!