Mặc dù, các BS khuyến cáo không phải tuổi nào cũng cần phải tiêm vaccine và tiêm phòng viêm não mô cầu chỉ ngừa được viêm não mô cầu chứ không thể ngăn ngừa được các loại viêm não khác...
Tiêm ngừa viêm não mô cầu tại TPHCM. Ảnh: V.T
Việc người dân đổ xô đi tiêm phòng xuất phát khi thông tin các ca bệnh viêm não mô cầu lan rộng sang nhiều địa phương khác như từ quận 7, 8, 9, 10, Bình Chánh, Bình Tân, Gò Vấp, Củ Chi. Các điểm tiêm phòng đông người dân đưa con đến tiêm vaccine là ở BV Nhi Đồng 1, 2, Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Pasteur...
Chị Phạm Thị Thu Hoài, ở Bình Chánh, đưa con mới 18 tháng tuổi đến BV Nhi Đồng 1 tiêm phòng viêm não mô cầu khi nghe thông tin ở cùng xã có người phát bệnh. Chị cho biết: “Cả xóm đồn nhau đi tiêm phòng vaccine viêm não mô cầu, nếu không khi mắc bệnh sẽ tử vong”. Tuy nhiên, các BS không chỉ định tiêm phòng cho trường hợp này vì chưa đến 2 tuổi.
TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, việc tiêm phòng viêm não mô cầu là tự nguyện. Lâu nay, Việt Nam sử dụng vaccine ngừa viêm não mô cầu A+C. Mới đây, đã có thêm một loại vaccine mới ngừa viêm não mô cầu týp B, C. Tuổi thích hợp cho tiêm chủng là trẻ em trên 2 tuổi và người lớn, khoảng 3 - 5 năm tiêm nhắc lại một lần. Giá của vaccine khoảng 150.000 đồng/mũi.
Theo BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm (BV Nhi Đồng I), nguyên nhân gây bệnh viêm não - màng não (thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi) rất đa dạng, có thể do một số loại vi trùng hoặc siêu vi trùng. Điều cần biết là chủng ngừa viêm não mô cầu chỉ ngừa được viêm não mô cầu chứ không thể ngăn được các viêm não khác.
Để tránh bị lây bệnh từ cộng đồng, người dân tránh tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc người bị viêm họng, phòng các chất tiết đường hô hấp bắn ra trúng hoặc hít phải; khi đến chỗ đông người như chợ, bến xe, tàu, nên đeo khẩu trang để tự bảo vệ; nên súc họng ba lần/ngày bằng nước muối pha loãng hoặc các dung dịch súc miệng có bán tại các nhà thuốc.