Ngược dòng sông Vàm Nam, chúng tôi tìm đến phần thượng lưu của sông Tiền, đoạn chảy qua hai huyện Lấp Vò, Cao Lãnh của tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây cũng như sông Vàm Nao, vốn nổi tiếng là nơi trú ngụ của những “thủy quái” khổng lồ từng bị những lão ngư kỳ cựu như Tám Trạng, Tư Đuột khuất phục.
Một ngày bắt dính 3 “thủy quái”
Vừa đặt chân lên bến phà Cao Lãnh, hỏi thăm nhà lão ngư Tư Đuột thì ai cũng biết và tận tình chỉ dẫn. Ông Tư Đuột tên thật là Lê Văn Đuột (60 tuổi, ngụ khóm 6, phường 6, TP.Cao Lãnh), nổi tiếng khắp vùng vì là thế hệ sau săn cá khổng lồ, “sinh sau đẻ muộn” nhưng đã đạt được những kỳ tích khó tin. Chỉ trong 3 mùa nước, ông săn được 42 cá hô, trong đó phần lớn là cá khổng lồ.
Ông không ở nhà, mà ở chiếc chòi lá lụp xụp cách nhà khoảng cây số. Ngước mặt ra khúc sông rộng trước mặt trong chiều tà, ông khoát tay: “Khúc sông này mấy chục năm trước cá nhiều vô kể. Tui dựng chòi ở đây từ năm 1978, đã hơn hơn 30 năm và nghề chài lưới vẫn theo tôi đến bây giờ. Nhờ nó, tôi và gia đình sống khỏe re”.
Thời gian trước những năm 1990, lão ngư Tư Đuột chuyên giăng câu dọc các mé sông. Điều bất thường xảy ra khi sau đó cá về nhiều, ông cũng sắm sửa dàn lưới quàng giá gần cả cây vàng để săn cá. Trong ba mùa từ năm 1991 đến năm 1993, ông bắt dính 42 con cá hô, con nặng nhất 137 kg. Có ngày cao điểm, chỉ trong một giờ ngắn ngủi, lưới ông dính 3 con. Lúc đó giá cá hô không cao như bây giờ, chỉ khoảng 12 - 15 ngàn đồng/kg. Dù giá thấp nhưng sau mùa đầu tiên, ông đã có lời.
Lão ngư này giải thích thêm: “Không phải ngày nào mình cũng đi giăng lưới được. Một tháng chỉ giăng lưới được vài ba lần và phải theo dõi thật sát sao con nước thì mới lần được theo dấu vết của cá”. Theo ông Tư, cá hô chia làm hai loại, cá hô trắng (hay cá hô hoa cà), và cá hô đen. Cá hô đen bán được giá hơn vì thịt thơm và ngon hơn. Ông Tư cũng như những lão ngư bao đời khác không biết chính xác cá hô từ đâu đến, chỉ lờ mờ đoán rằng chúng đến từ Biển Hồ bên đất Campuchia, mùa sinh sản mới xuống lưu vực sông Tiền sinh nở và kiếm ăn.
Sau ba mùa săn bắt cá, ông Tư rút ra được những bài học kinh nghiệm cho bản thân mình, nhận ra thói quen của những con cá hô này rất lạ. Chúng tuy hiền lành nhưng có sức mạnh vô địch. Mỗi lần gặp chướng ngại vật trước mắt, chúng không bao giờ lảng tránh mà luôn đâm đầu vào để phá vỡ rào cản. Với loài “thủy quái” có thói quen phô diễn sức mạnh, để thu phục, không có cách nào tốt hơn là bẫy bằng lưới quàng.
Sau khi cá hô dính bẫy, phải nhẹ nhàng dùng lưới quấn lại, ghé sát thuyền vào, dùng dây gai xỏ mang cá rồi cột vô mạn thuyền là chắc chắn nhất. Nên chú ý cột sát đầu cá vào mạng thuyền và cho ngoi lên mặt nước một phần. Nếu cột chùng hoặc cột sâu dưới nước thì có khả năng cá hô sẽ quẫy làm lật thuyền. Tiếp đó, khi đặt cá hô lên cạn, phải đặt chúng nằm ngửa để chúng không còn khả năng quẫy đạp nữa. Còn nếu đặt theo chiều đứng của cơ thể thì việc bị cá hô quật trúng là không tránh khỏi.
Ông Tư Đuột cũng là một trong những người còn giữ được dàn lưới quàng dungđể săn cá hô. Sau ba mùa lưới vui buồn theo con nước, ông Tư đành xếp lưới lại vì số lượng cá đột nhiên giảm rõ rệt. Ông phán đoán do nhiều người săn bắt quá nên số lượng cá hô không thể hồi phục và ngày càng cạn kiệt. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định “rửa tay gác kiếm”. Dàn lưới quàng được ông cẩn thận giặt sạch, bao bọc cẩn thận, treo trong nhà gìn giữ kỉ niệm một thời săn tìm dấu vết cá hô.
Một lão ngư bắt cá hô trên sông (Ảnh minh họa)
“Thủy chiến” nhớ đời với cá tra dầu khổng lồ
Từ bờ sông Tiền ở TP.Cao Lãnh, chúng tôi tiếp tục tìm đến đoạn sông huyện Lấp Vò, nơi người dân thỉnh thoảng vẫn còn nhắc lại trận “thủy chiến” có một không hai của một lão ngư nổi tiếng, ông Tám Trạng cùng con trai. “Đối thủ” của hai cha con ông là con cá tra dầu nặng đến… 195kg.
Lão ngư Tám Trạng tên thật là Nguyễn Văn Khai, 83 tuổi, ngụ xã Mỹ An Hưng B, được xem như là người kỳ cựu nhất với nghề săn cá dữ ở khu vực. Nhắc đến quá khứ, ông như được sống lại thời trai trẻ ngày ngày dong thuyền đi tìm cá. Cách đây đến 60 năm, ở vùng đất này vẫn chưa có ai làm nghề săn cá khổng lồ. Những con cá lớn như cá tra dầu, cá vồ cờ, cá hô… được nhiều người biết đến, nhưng để đánh bắt nó thì mọi chuyện không phải đơn giản, dù có lưới, có thuyền. Mãi sau này, lần lần tự rút kinh nghiệm, mọi người mới mày mò ra cách bắt “quái vật”.
Ông nhớ nhất lần tóm được con cá tra dầu nặng đến 195kg. Cá tra dầu thường sống ở những đoạn sông thuộc lưu vực sông Vàm Nao và sông Tiền. Ông lão khi đó đã 60 tuổi buộc phải trổ hết tài nghệ, kinh nghiệm cả đời mới khuất phục được con cá. Đó là một buổi chiều muộn, lão ngư chèo thuyền trên sông Tiền giăng lưới như mọi ngày.
Lưới đã vây xong, Tám Trạng bỗng thấy những tấm phao nổi trên sông run lên dữ dội. Biết có cá lớn dính lưới, ông không vội vàng lại gần mà đứng từ xa quan sát, chờ đến khi cá đuối sức mới tiếp cận. Sau khoảng 15 phút vật lộn với tấm lưới, con cá dường như đã đuối sức, không còn quẫy đạp nữa. Tám Trạng cùng con trai tiến lại gần, xem xét tình hình. Dưới làn nước đục ngầu phù sa, hai cha con hết sức bất ngờ khi nằm trong tấm lưới là một con cá tra dầu lớn nhất mà họ từng thấy.
Chiều dài con cá xấp xỉ bằng chiếc thuyền họ đang đứng. “Tôi thấy cá to đã nhiều. Nhưng lần ấy, thấy “ông” tra dầu này, tôi phải rùng mình”, ông nhớ lại. Lão ngư thu lưới lại và ra dấu cho con trai chèo thuyền quanh con cá. Để chắc ăn cá không thoát được, ông phủ thêm một lớp lưới quanh con cá khổng lồ. Bất thình lình, con cá thấy động, liền quẫy mạnh đuôi. Chiếc thuyền chao đảo mạnh, hai người trên thuyền rơi tõm xuống sông. Trong lúc người chưa lấy lại được hơi thở, con cá khổng lồ càng ra sức quẫy đuôi. Lão ngư Tám Trạng dính hai ba cú “tát" trời giáng của con cá đến xây xẩm mặt mày. Cố gắng lấy lại bình tĩnh, ông Tám bảo con trai giữ chắc thuyền, còn ông nhẹ nhàng túm lưới lại hết sức khéo léo. Một đầu cột vào thuyền, một đầu ông cầm chắc lần đến tiếp cận lại gần con cá.
Con cá khổng lồ kia vẫn chưa chịu khuất phục. Tám Trạng trổ hết tài nghệ bơi áp sát một bên con cá để tránh phần đuôi hung dữ. Rồi ông liều mình lao vào ôm đầu của con cá, mặc cho phần đuôi vẫy vùng. Trận vật lộn diễn ra ác liệt, sóng vỗ ầm ầm trắng xóa. Hai bên quần thảo đến gần 1 giờ đồng hồ. Chiếc thuyền cùng hai con người bị con cá lớn kéo vòng vòng trên dòng nước hàng trăm mét.
“Đến khi tôi thở không ra hơi thì “ông” cá cũng đuối sức. Tôi nhẹ nhàng vây nó lại rồi từ từ siết chặt, không còn cho con cá một đường nào thoát thân. Nhận thấy tấm lưới vây quanh mình ngày càng bị siết chặt. Con cá vẫy vùng chốc lát rồi nằm yên khuất phục. Lúc đó tôi mới tin mình chiến thắng được con quái vật này”, đôi mắt ông long lanh nhớ lại. Kết thúc trận chiến, Tám Trạng cùng con trai bụng no cành nước sông, từ từ chèo thuyền kéo chiến lợi phẩm về bến.
Sau trận chiến nhớ đời đó, Tám Trạng nhận thấy sức mình đã xuống rất nhiều. Dàn lưới quàng được truyền lại cho con trai nối nghiệp. Nhưng sau 3 mùa nước kiên trì bám sông, cá to cũng dần biệt tăm, hai cha con ông vì trót nặng tình với nghiệp sông nước nên bàn với nhau sắm lưới nhỏ kiếm sống qua ngày.