Thưởng Tết thể thao: Chán chả buồn nhắc!

Với một số ngành nghề, ''thưởng Tết'' là câu chuyện thường trực ngày giáp Tết.

Tuy nhiên, với dân thể thao, ''thưởng Tết'' lại là điều ít được nhắc đến, thậm chí né tránh, bởi hầu hết các vận động viên đều không biết. Chỉ có các vận động viên bóng đá là còn có thưởng thường xuyên, nhưng số tiền cũng không nhiều do các câu lạc bộ đều trong cảnh khó khăn.

Bóng đá cũng giảm

Đối với các câu lạc bộ (CLB) bóng đá thời kỳ hoàng kim, tiền thưởng Tết cũng không phải là vấn đề quan tâm của các cầu thủ, bởi phần lớn đều có thu nhập rất cao trong năm nên các đội bóng chỉ lì xì cho các cầu thủ. Ngay cả những đội thưởng đôi ba chục triệu cho cầu thủ trong dịp Tết thì nhiều người cũng chẳng nhớ vì số tiền thưởng cho một trận thắng ở V.League có khi còn nhiều hơn. Có đội bóng, chỉ sau một trận thắng quan trọng đã được thưởng đến hai tỷ đồng, chia ra mỗi cầu thủ đá chính cũng được gần 100 triệu đồng. Thế nên, từ lâu các cầu thủ đã không quan tâm đến vấn đề này.

Trong năm nay, thu nhập của giới cầu thủ bị cắt giảm đáng kể nên tiền thưởng Tết vốn đã ít so với thu nhập của cầu thủ thì nay sẽ còn ít hơn. Chẳng hạn, đội B.Bình Dương vốn được coi là ’’đại gia’’ ở V.League cũng thưởng Tết cho cầu thủ chỉ ở mức năm triệu đồng kèm lời hứa sẽ lì xì thêm năm triệu đồng nữa trong buổi tập khai xuân. Số tiền này thậm chí vẫn còn cao so với các CLB khác như Hà Nội - T&T hay SHB - Đà Nẵng, vốn chỉ thưởng ở mức năm triệu đồng. CLB Thanh Hóa cũng nghe ngóng các đội khác thưởng bao nhiêu rồi mới quyết định, nhưng số tiền cũng chỉ là ’’một con số’’ (tiền triệu).

Trong bối cảnh đó, những đội thưởng Tết lên tới một tháng lương như HA - Gia Lai lại trở thành nơi mà cầu thủ có cái Tết ’’ấm’’ nhất. Thu nhập chung của các cầu thủ đội bóng này là từ 20-30 triệu đồng nên tiền thưởng Tết cũng cao tương ứng. Một đội bóng được coi là nhà nghèo như Sông Lam Nghệ An cũng đề xuất nhà tài trợ Ngân hàng Bắc Á thưởng cho mỗi cầu thủ một tháng lương (từ 10-25 triệu đồng), nhưng đến nay đề nghị này vẫn chưa được duyệt. Thậm chí có thông tin cho rằng số tiền này có thể bị cắt giảm xuống còn nửa tháng lương.

Tiền thưởng Tết với các CLB V.League đã ít thì hạng Nhất còn khó khăn hơn. Thậm chí, nhiều CLB còn không có tiền thưởng cho cầu thủ, bởi một điều đơn giản là ’’tài khoản CLB đã trống không’’. Điều ngạc nhiên là khi hỏi chuyện cầu thủ những cầu thủ này có buồn vì không có tiền Tết thì nhiều người lại vui vẻ nói rằng: ’’Chúng tôi vẫn còn may chán vì có công việc chứ nhiều đồng nghiệp khác chạy đôn, chạy đáo mà vẫn đang thất nghiệp’’.

Các môn khác càng nghèo

Phần lớn VĐV các môn thể thao ngoài bóng đá đã chịu cảnh không có tiền Tết trong nhiều năm. Các VĐV đều thuộc quyền quản lý của các trung tâm thể thao ở địa phương mà các trung tâm này không có nguồn thu nào ngoài ngân sách chi cho việc tập luyện, thi đấu. Thế nên, cứ mỗi khi Tết đến, các VĐV đều ngậm ngùi chia tay nhau mà chẳng có tiền, may lắm trên tay có tờ lịch Tết hoặc bịch bánh kẹo.

May mắn nhất là những VĐV nằm trong biên chế ngành công an hay quân đội được thưởng theo quân hàm nên cũng không đến nỗi nào. Như trường hợp xạ thủ Hoàng Xuân Vinh được thưởng mười triệu đồng, tương ứng với quân hàm thượng tá.

Không có tiền thưởng Tết nên các VĐV thể thao thường coi khoản tiền thưởng cho thành tích thi đấu trong năm là ’’thưởng Tết’’. Như trường hợp năm 2011, các VĐV thi đấu SEA Games xong là ngóng tiền Tết và may mắn là nhiều người đã có cả trăm triệu đồng nhờ đoạt nhiều huy chương.

Tuy nhiên, năm vừa qua lại không có SEA Games nên phần lớn các VĐV đều không có tiền, chỉ một vài VĐV nổi bật như Phan Thị Hà Thanh, Nguyễn Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Quý Phước (bơi lội), Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng)... là được thưởng nhiều nhờ thành tích ở các giải châu lục và thế giới.

Như trường hợp Phan Thị Hà Thanh được thưởng tới 85 triệu đồng với tấm HCV Cúp thế giới, 60 triệu đồng cho tấm HCV châu Á và hơn 60 triệu đồng tiền thưởng cho một HCV, một HCĐ ở Toyota Cup. Đồng đội của cô là Nguyễn Hà Thanh cũng được nhận gần 200 triệu đồng cho bốn tâm huy chương ở Cúp thế giới và Giải vô địch châu Á. VĐV đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc ngoài tiền thưởng 25 triệu đồng cho tấm HCĐ châu lục, còn được đơn vị chủ quản Đà Nẵng thưởng thêm 47,5 triệu đồng.

Thế nhưng, người được thưởng nhiều nhất của thể thao Việt Nam trong năm qua phải kể đến Nguyễn Thị Ánh Viên. Chỉ riêng thành tích năm HCV ở Giải vô địch bơi lội Đông Nam Á, cô đã được nhận 200 triệu đồng. Nếu tính thêm một tấm HCB và một tấm HCĐ ở Giải vô địch châu Á cùng một số giải trẻ khác, cô được nhận không dưới 300 triệu đồng.

Tất nhiên, đây chỉ là những VĐV xuất sắc nhất, còn phần lớn các VĐV khác đều ngậm ngùi khi nghĩ đến Tết.