Tại cửa khẩu Tân Thanh và chợ Đồng Đăng, các mặt hàng thực phẩm chỉ có chữ Trung Quốc được bày bán la liệt. Bánh bao sữa bán cả gói 42 chiếc giá 45.000 đồng, bánh bao chay 20 chiếc/túi có giá 15.000 đồng; bánh khoai môn Lệ Phố hàng hạ giá chỉ còn 15.000 đồng/12 chiếc; nước hoa quả đóng chai, nhiều hương vị, hình thức đẹp, giá chưa đến 10.000 đồng/chai; còn các loại bánh kẹo xanh, đỏ đủ màu, chỉ chừng 25.000 đồng/kg.
Còn tại chợ Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, ngoài các thực phẩm đóng gói, các loại thuốc đông y, táo tàu khô dùng để ngâm rượu cũng được bày bán tràn lan tại khu chợ này.
Nhiều chủ hàng cho biết, các loại thực phẩm Trung Quốc đều để được lâu ngày mà không bị thối hay lên mốc.
Những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc có dán mác Trung Quốc cũng được sử dụng nhiều tại các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh như bia Li Quang (được sử dụng để cho vào các nổi lẩu để thêm hương vị), cháo dinh dưỡng Trung Quốc đóng lon và các loại xì dầu dán mác Trung Quốc.
Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tại Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay đoàn thanh tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lạng Sơn đã xử phạt hơn 45 triệu đồng đối với 98 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu hủy tại chỗ 18 kg bánh, kẹo, gia vị, sữa...; thanh tra bảy cơ sở kinh doanh thuốc và thực phẩm chức năng, trong đó đã ra quyết định xử phạt hành chính một cơ sở.
Tuy nhiên nhiều nhà hàng, quán ăn sau khi nộp phạt vẫn tiếp tục bày bán các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc này
Ông Phạm Công Anh, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lạng Sơn cho biết việc kiểm tra, kiểm soát các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc này tại Lạng Sơn vẫn là một việc khó vì nhiều lý do, nhất là hiện vẫn chưa thể phân định rõ danh mục quản lý giữa các ngành liên quan như y tế, nông nghiệp, công thương.
Cho tới đầu năm 2014, liên Bộ Y tế-Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Công Thương vẫn mới chỉ đưa ra dự thảo mà chưa quyết định được danh mục cụ thể do đơn vị nào quản lý và điều này khiến các cơ quan chức năng lúng túng.
Hiện tại, công tác chủ yếu của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lạng Sơn là thanh, kiểm tra các bếp ăn tập thể, các đơn vị kinh doanh thực phẩm chức năng, dịch vụ ăn uống và cấp giấy chứng nhận, công bố sản phẩm đối với các cơ sở kinh doanh có liên quan đến thực phẩm.
Là một tỉnh biên giới có hai cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu quốc gia và bảy cặp chợ biên giới, giao thương hàng hóa qua lại giữa Lạng Sơn và Trung Quốc ngày càng phát triển.
Do địa hình rộng, chia cắt, đường biên giới dài nên việc nhập lậu qua biên giới gia cầm, thực phẩm tươi sống, sản phẩm động vật vào nội địa diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát.
Tình trạng người dân vùng biên ham lợi tham gia vận chuyển hàng trái phép qua đường tiểu ngạch cho các đầu nậu cũng khiến việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh khó khăn hơn.