Gửi bệnh tật, xui rủi cho cây “giữ hộ”?
Cây đa “ba gốc một ngọn” được mệnh danh là tuyệt tác tọa lạc ở Khu di tích lịch sử - danh thắng núi Gia Lào, hay còn gọi là núi Chứa Chan thuộc địa phận xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Điều tạo nên điểm nhấn của cây đa là ở bộ rễ được phân chia làm ba phần bằng nhau. Theo thời gian rễ cây nhô cao khỏi mặt đất có độ lớn gần bằng rễ gốc và chụm lại thành một ngọn có tán rộng sum suê nên người dân bản địa gọi là cây đa “ba gốc một ngọn”. Nhận thấy hình thù kỳ lạ của cây đa thu hút sự hiếu kỳ của khách tham quan, ban quản lý Khu di tích lịch sử - danh thắng núi Gia Lào đã cho xây hàng rào bao quanh để bảo vệ. Tuy vậy, một số người vì thích ngắm nhìn cây đã dừng lại nghỉ chân và thắp nén nhang. Căn cứ vào các tàn nhang còn sót lại, người mê tín dị đoan tự đồn thổi cây đa “ba gốc một ngọn” là nơi trú ngụ của các vị thần linh nên bất kì ai cũng không thể đốn hạ.
Thậm chí, họ còn dựng lên câu chuyện không có thực rằng “cách đây hàng trăm năm có đám lâm tặc lên đây cưa cây xẻ gỗ, duy chỉ có cây 3 gốc một ngọn là chúng cưa không được. Hễ đưa lưỡi cưa nào vào thì lưỡi cưa đó gãy. Có tay tức khí dùng rìu bổ vào cây ngay tức thì lưỡi rìu văng ra, sau đó hắn bị quả báo đá đè chết. Từ đó bà con mới biết cây có thần linh ngự ở trong nên thắp nhang, dâng lễ vật thờ cúng”. Cứ thế, thông tin cây đa “ba gốc một ngọn có sơn thần hiển linh” được truyền đi rộng rãi khiến người dân ở các nơi đem lễ vật đến cúng bái, cầu nguyện.
Sáng một ngày tháng 5/2014, có mặt tìm hiểu, PV được một trong những “tín đồ sùng cây đa” là bà Đinh Thị Thủy (56 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) nói: “Biết rằng phải vượt qua hàng trăm cây số và hàng trăm bậc thang dốc mới đến được cây đa “ba gốc một ngọn”. Song nghĩ đến sự linh nghiệm của cây, tôi sẵn sàng bỏ công việc buôn bán lên núi vái lạy. Sau đó khai tên tuổi với cây, dùng lược chải đầu, cầm gương soi tà ma, đốt đèn cầy gọi hồn là mọi bệnh tật đều tiêu tan hết”.
Cùng quan điểm mê tín như trên, bà Đỗ Thị Lan (58 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) đang dìu người mẹ già chống gậy leo qua các bậc thang để “ra mắt” cây đa “ba gốc một ngọn” khẳng định: “Mẹ tôi bị thoát hóa cột sống đi điều trị nhiều nơi không khỏi. Nghe nói cây “ba gốc một ngọn” có thể gửi gắm vận hạn cho con người, tôi cùng một số chị em tổ chức thành đoàn gồm 30 người thuê một chuyến xe từ Sài Gòn lên đây khấn nguyện. Cây ở nơi cao quá, mọi người phải dừng lại thành từng tốp nghỉ mệt ở các quán cà phê, quán nước suốt dọc đường đi. Và tôi nghĩ với sự cố gắng và lòng thành hướng về các vị thần linh trú trong thân cây chắc chắn những lời thật tâm của hai mẹ con sẽ được tiếp nhận. Chốc lát nữa thôi mọi phiền muộn, khó khăn, bệnh tật trong người sẽ được xua đuổi cả”.
Chưa thể kiểm chứng được cây đa “ba gốc một một ngọn” trừ được bệnh tật, tai ương hay không nhưng từng đoàn người vẫn mải miết bày biện lễ vật tràn lan trên hàng rào bảo vệ cây. Tiếp đó, họ chọn cho mình một chỗ đứng chắc chắn vừa chắp tay vái lạy: “Sơn thần chư vị ba gốc một ngọn năm non bảy núi, núi rừng linh thiêng chứa chan Gia Lào. Hôm nay là ngày lành tháng tốt, con có đi chùa viếng Mẹ đến nơi đây thắp nhang, cầu nguyện giải sao, giải hạn, nặng nề buồn phiền, khuất mắc, rối rắm, khó khăn, bệnh tật tiêu trừ, nghiệp chướng tiêu tan. Cầu tài được tài, cầu lộc được lộc, cầu cho gia đạo trên thuận dưới hòa, ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi, mạnh giỏi bình an”.
Thay “tín đồ” cầu nguyện với thần linh?
Vì tin cây đa “ba gốc một ngọn” là thần thánh, mỗi ngày có hàng trăm người kéo về núi Gia Lào diện kiến cây. Được nước, một số kẻ lợi dụng chuyện này để bày ra chiêu vác thuê, cúng thuê. Đội quân cúng thuê ở khu vực núi Gia Lào phải trên dưới 50 người. Họ sẽ chia thành hai nhóm riêng biệt. Mỗi nhóm có một trưởng nhóm đứng ra giám sát hoạt động và móc nối với các chủ xe khách để biết số lượng người lên núi khấn vái. Kế tiếp, trưởng nhóm sẽ phân công nhiệm vụ cho từng thành viên mời chào, tiếp đón khách. Một khi đã “mồi chài” được người mê tín có lòng hành hương cúng thần linh, đội buôn thần bán thánh sẽ yêu cầu khách mua lễ vật cúng với giá cao chót vót. Trong trường hợp, khách đổi ý, người cúng thuê sẵn sàng buông lời trách móc, chửi bới đồng thời đòi tiền dẫn đường.
Để moi được tiền của khách, người cúng thuê sẽ vẽ ra nhiều lễ vật được cho là rất cần thiết cho quá trình cúng bái. Một người hội đủ lễ vật dâng lên cây “ba gốc một ngọn” gồm 10 món. Mỗi món bình quân 5 ngàn đồng. Chưa kể tiền công cho người đứng phía bên trong giả vờ làm công việc quét dọn, đốt rác do người cúng vứt ra. Như vậy, dựa vào tỷ lệ người lên núi Gia Lào nói riêng và ghé cây “ba gốc một ngọn” khấn vái, một người cúng thuê có thể kiếm được gần 300 ngàn/ngày. Bà Lê Thu Hiền (35 tuổi, chuyên hành nghề cúng thuê trên núi Gia Lào) cho biết: “Vào dịp lễ, tết khách thập phương đổ về nườm nượp đội cúng thuê chia nhau thành 3 ca làm việc thâu đêm suốt sáng may ra còn có chút đỉnh. Chứ ngày thường ít khách không viện lý do cho họ mua đồ cúng có mà đói rã. Biết là hơi thất đức nhưng vì miếng cơm manh áo đành kiếm tiền bằng nước bọt vậy”.
“Muốn có thêm thu nhập, chúng tôi phải lươn lẹo nữa chứ. Chẳng hạn, con đường từ dưới chân núi lên tới cây đa “ba gốc một ngọn” dài chừng 1,5km. Người leo núi giỏi phải mất ít nhất khoảng một tiếng đồng hồ chưa tính thời gian nghỉ ngơi. Song để “hù” người có trọng lượng “khủng”, người già yếu, người mắc bệnh tim mạch… chúng tôi phán đường đi dài 3 km leo lên đến đó cũng trưa mất rồi. Thế là, họ nản chí liền nảy ý định thuê chúng tôi mang vác lễ vật đồng thời ủy thác cho chúng tôi thưa chuyện với các vị sơn thần. Trọn gói cả vác thuê và cúng thuê dao động với mức giá 200-250 ngàn/người. Khách nào hào phóng cho thêm ít tiền. Số tiền ấy tuy có hơi “cắt cổ” thật, song với những người có máu mê tín dị đoan, trong năm liên tục gặp vận may, làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc, sức khỏe dồi dào… chẳng thấm thía vào đâu nên chúng tôi thu tiền chẳng áy náy”, bà Trần Thị Hương (46 tuổi, thành viên trong nhóm cúng thuê cây đa “ba gốc một ngọn”) thốt lên.
Trao đổi với PV về việc từng dòng người đổ về núi Gia Lào cúng bái cây đa “ba gốc một ngọn”, ông Nguyễn Văn Lộc, Trưởng ban quản lí di tích lịch sử - danh thắng cảnh núi Gia Lào cho hay: “Có sách vở nào ghi chép cây đa “ba gốc một ngọn” có tác dụng chữa bệnh, gột rửa vận hạn bao giờ. Đó chỉ là lời đồn mang tính thêu dệt để câu khách của một số kẻ trục lợi”.
Thực tế, cây “ba gốc một ngọn” là cây đa sống bám trên cây dầu. Cây dầu bị hút hết chất dinh dưỡng nên đã chết từ lâu, nhường chỗ cho cây đa sinh trưởng. Lâu dần cây đa phát triển, bộ rễ chẻ làm ba nhô lên khỏi mặt đất. Mặt khác, cây đa gần chùa nên khách đến viếng chùa mới sang thắp nhang. Ông Lộc cho biết thêm: “Không ngờ, người mê tín dị đoan tung tin đồn thổi thành ra thực trạng như hiện nay. Chưa dừng lại đó, những người hành nghề cúng thuê còn bắt cả chim về nhốt lồng bán cho khách đề phóng sinh. Trước việc này, phía Ban quản lí đã phối hợp với chính quyền địa phương lên tận nơi làm việc với các đối tượng tuyên truyền mê tín dị đoan nên các tệ nạn đã được đẩy lùi. Thế nhưng, vào dịp lễ tết, một số kẻ vẫn cố tình phớt lờ cảnh báo của cơ quan chức năng, lén lút hoạt động trục lợi của những người mê tín dị đoan”.
“Muốn có thêm thu nhập, chúng tôi phải lươn lẹo nữa chứ. Chẳng hạn, con đường từ dưới chân núi lên tới cây đa “ba gốc một ngọn” dài chừng 1,5km. Song để “hù” người ta, chúng tôi phán đường đi dài 3km leo lên đến đó cũng trưa mất rồi. Thế là, họ nản chí liền nảy ý định thuê chúng tôi mang vác lễ vật đồng thời ủy thác cho chúng tôi thưa chuyện với các vị sơn thần. Giá tuy có hơi “cắt cổ” thật, song với những người có máu mê tín dị đoan, trong năm liên tục gặp vận may, làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc, sức khỏe dồi dào… chẳng thấm thía vào đâu nên chúng tôi thu tiền chẳng áy náy”. |