Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển tại ĐH Sài Gòn ngày 4/8. Ảnh: Nguyễn Dũng
Cơ hội… khó lường
ĐH Bách khoa Hà Nội tăng 1.000 hồ sơ xét tuyển (HSXT) trong 1 ngày và đã có 3.400 HSXT trên tổng số 6.000 chỉ tiêu; ĐH Đà Nẵng đã nhận 4.925 HSXT và 2.000 thí sinh đăng ký online trong khi trường này tuyển 10.000; ĐH Sư phạm có 700 HSXT trên 2.500 chỉ tiêu; ĐH Y Thái Nguyên nhận 400 HSXT và đã lấp đầy hơn phân nửa chỉ tiêu nhưng khả năng thí sinh cao điểm vẫn đến là rất lớn…
Năm nay thí sinh có rất nhiều cơ hội nhưng cơ hội lại đang khó lường đối với cả thí sinh và các trường ĐH. Một vị phụ huynh cho biết, con ông đạt 22,5 điểm, muốn đăng ký vào ngành điều dưỡng tại ĐH Y HN, ngành đặt điểm khởi đầu để xét tuyển là 20,0 điểm, nhưng không ai có thể trả lời chính xác cho khả năng trúng tuyển của thí sinh này.
Nhiều trường ĐH để đầu vào rộng để tuyển đủ thí sinh luôn đợt đầu vì muốn chắc chắn và muốn bắt đầu năm học mới sớm. Nếu phải tuyển đến nguyện vọng bổ sung, điểm đợt sau sẽ phải lớn hơn (hoặc bằng) điểm NV 1 và việc tìm kiếm những thí sinh như thế đối với một số trường là không đơn giản. Thí sinh cần lưu ý điều này”.
Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân
Ông Đặng Văn Tùng, Trưởng phòng đào tạo Học viện Bưu chính Viễn thông cho biết các thí sinh cần cân nhắc và xem xét cơ hội trúng tuyển cho mình ở ngay nguyện vọng (NV) 1 vì khả năng trúng tuyển đối với NV 2 trở đi là khó mặc dù “cửa” NV2, 3, 4 là thoải mái đối với thí sinh. Lý do cho nhận định này, theo ông Tùng, các trường muốn tuyển xong trong NV 1, chỉ thiếu chỉ tiêu mới tuyển NV bổ sung do tỷ lệ ảo đối với NV bổ sung lên tới 1/3: thí sinh còn 3 giấy kết quả (mỗi giấy 4 NV) sẽ nộp 3 trường khác nhau để có cơ hội trúng tuyển lớn.
Về đăng ký online, mặc dù có tới 2.000 thí sinh đăng ký nhưng ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng đánh giá: Đây là một con số không mấy ý nghĩa vì thí sinh chỉ đăng ký online để giữ chỗ; bao giờ thí sinh gửi hoặc đến nộp HSXT bản chính thì mới là con số thực đối với các trường. ĐH Kinh tế Quốc dân có 10.000 lượt xem online và phải tăng thêm máy chủ để phục vụ thí sinh và người nhà tra cứu.
Tại một số trường thi như ĐH Bách khoa HN, Học viện Bưu chính Viễn thông, có nhiều thí sinh mạo hiểm nộp hồ sơ từ điểm sàn trong khi các trường thi này có phổ điểm thí sinh nộp vào rất cao: ĐH Bách khoa có nhiều thí sinh đạt 3 điểm 8 hoặc cao hơn nộp HSXT.
Tại Học viện Bưu chính Viễn thông, điểm sàn là 17,0 và có nhiều thí sinh đạt đúng điểm đó đến nộp hồ sơ. Khi được tư vấn nên nộp trường khác, nhiều thí sinh không nghe, ông Đặng Văn Tùng cho biết. Ông Tùng nói: hiện tâm lý thí sinh là thích ngành nào, trường nào thì cứ nộp chỗ đó, nhưng chúng tôi khuyên các bạn hãy chờ danh sách xem thế nào và rút lui hợp lý, đúng thời điểm kẻo sẽ trễ thời hạn nộp sang trường khác. Ông Tùng khẳng định đạt 17 điểm khó đỗ vào Học viện vì đó chỉ là điểm sàn nhận hồ sơ.
Đánh giá về kỳ thi năm nay, ông Trần Văn Nam cho rằng kỳ thi đã giảm bớt gánh nặng cho thí sinh vì có khả năng chọn lựa năng động hơn nhưng lại khiến việc tuyển sinh phức tạp và bị động hơn đối với các trường. Ông Nam khuyên: thí sinh không cần đến nộp hồ sơ trực tiếp mà chỉ cần gửi hồ sơ ĐKXT qua bưu điện; vạn bất đắc dĩ khi thấy không an toàn thí sinh mới rút hồ sơ để xét tuyển sang trường khác; và khi rút hồ sơ, thí sinh có thể ủy quyền cho người nhà đến rút và nộp.
Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển tại ĐH Sài Gòn ngày 4/8. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Sư phạm, kinh tế, kỹ thuật “nóng”
Trong ngày 4/8, tại trường ĐH Sư phạm TPHCM và ĐH Sài Gòn (hai trường có nhiều khối ngành sư phạm) tiếp tục nóng khi thí sinh đến nộp hồ sơ vẫn tiếp tục nhiều. Trường ĐH Sư Phạm TPHCM nhiều thí sinh vẫn tiếp tục xếp thành nhiều hàng dài, chật kín các khu vực tiếp nhận HSXT. Theo ghi nhận của PV, các ngành được thí sinh lựa chọn nhiều gồm Sư phạm Toán, Lý, Hóa và Văn, Địa lý…
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở trường ĐH Sài Gòn. Ông Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sài Gòn cho biết: “Ngày hôm nay trường thu được khoảng 2.000 hồ sơ, nâng tổng số hồ sơ tại trường lên khoảng 7.000 hồ sơ”.
ĐH Kinh tế cũng tương đối “nóng” khi trong ngày tiếp tục nhận khoảng gần 1.000 hồ sơ (hiện tại có 2.764 hồ sơ); ĐH Bách khoa TPHCM có khoảng 2.200 hồ sơ ĐKXT nộp trực tiếp (chưa tính số hồ sơ nộp qua bưu điện), ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM hơn 1.700 hồ sơ, ĐH Luật gần 1.000 hồ sơ…
ĐH Bách khoa TPHCM, theo danh sách trường này công bố, ngành Điện- Điện tử chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 700 HSXT; ngành Cơ khí điện tử gần 700 HSXT; ngành Hóa- Thực phẩm- Sinh học hơn 500 HSXT… Điểm số từ 20- 23 chiếm tỷ lệ cao, ngành cao nhất có thí sinh đạt 28,25 điểm, thấp nhất từ 16- 17 điểm. Trong khi đó, ở khối xã hội, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, các ngành có tỷ lệ HSXT cao gồm Ngôn ngữ Anh có 125 HSXT; Báo chí có 90 HSXT; Quốc tế học có 75 HSXT… còn các ngành như Thông tin học, Văn hóa học, Ngôn ngữ Nga… chỉ có vài hồ HSXT.
Bắt đầu có thí sinh rút hồ sơ
Tại trường ĐH Sài Gòn, ngày 4/8, sau khi xem danh sách thứ tự xếp hạng do trường công bố, thí sinh Nguyễn Huỳnh Tuyết Ngân (TPHCM) quyết định rút hồ sơ để tìm trường khác vì thứ tự xếp hạng của Ngân quá xa so với chỉ tiêu. Cụ thể, ở khối D, Ngân thi được 17,25 điểm đăng ký vào ĐH Sài Gòn 4 ngành gồm Luật, Giáo dục Tiểu học, Quản trị kinh doanh và Tài chính ngân hàng.
Theo đó, thứ tự xếp hạng của Ngân ở ngành Luật (ngành Ngân yêu thích nhất) là 163/75, các ngành khác cũng lần lượt bỏ xa so với chỉ tiêu của trường từ 40- 50 bậc.
“Em quyết định rút hồ sơ để về tham khảo thêm các trường khác chứ thứ tự xếp hạng này em lo quá, giờ lại thấy ngày càng nhiều bạn đến trường nộp hồ sơ nên khả năng thứ tự này của em còn xuống nữa”, Ngân nói. Tương tự, thí sinh Trần Thị Tường Vy cũng rút hồ sơ khỏi trường ĐH Sài Gòn. Nguyên do là với mức điểm 16,5 khối D và cũng đăng ký vào ngành Luật như Ngân, thứ tự xếp hạng của Vy còn kém xa so với Ngân.
Trong khi đó, ghi nhận tại các trường ĐH khác, việc rút HSXT chưa thật sự diễn ra, nguyên do là số lượng hồ sơ nộp vào vẫn còn chưa vượt chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, đặc biệt là ở các trường ngoài công lập. Theo các chuyên gia tuyển sinh nhận định: “Việc rút hồ sơ của thí sinh khả năng phải sau ngày 10/8, hoặc chỉ khi số lượng hồ sơ vào trường vào ngành vượt quá xa so với chỉ tiêu tuyển sinh mà thôi”.
Đại học Huế: Quá tải tiếp nhận hồ sơ
Ngày 4/8, tại điểm tiếp nhận HSXT nguyện vọng 1 do ĐH Huế đảm trách (số 3 đường Lê Lợi, thành phố Huế) xảy ra tình trạng quá tải, chen lấn, do lượng thí sinh, phụ huynh tập trung về đây quá đông, khoảng từ 2.000 - 3.000 người.
Thí sinh và người nhà thậm chí còn đứng chật cả ra sân tòa nhà, tràn về vỉa hè đường Lê Lợi để chờ đến lượt tiếp nhận HSXT. Trao đổi với phóng viên, phụ huynh T.V.C (đến từ huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, anh chờ từ đầu giờ chiều ngày 3/8, nhưng đến cuối giờ chiều 4/8 mới nộp được hồ sơ cho con.
Một phụ huynh khác đến từ tỉnh Quảng Nam than phiền rằng, đã chờ đợi nhận phiếu nộp hồ sơ từ sáng, nhưng đến chiều 4/8 vẫn chưa có kết quả, nên đành thuê chỗ trọ tạm tại Huế, với hy vọng hoàn tất nộp hồ sơ vào ngày 5/8.
Theo ông Hoàng Hữu Hòa, Trưởng Ban khảo thí - Đảm bảo Chất lượng giáo dục đại học (ĐH Huế), mặc dù thời gian nhận hồ sơ kéo dài đến ngày 20/8, nhưng do tâm lý nôn nóng nên nhiều phụ huynh, thí sinh dồn về đây trong những ngày đầu gây tình trạng quá tải. Đến cuối ngày 4/8, ĐH Huế cho biết, đã tiếp nhận xong khoảng 3.000 hồ sơ xét tuyển.
Tin từ Ban khảo thí Đảm bảo chất lượng giáo dục – ĐH Huế cho biết, trong khi gần 100 ngành học thuộc cơ sở giáo dục này lấy mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT (15 điểm) để xét tuyển, thì khối ngành Y- dược lại có mức điểm đầu vào cao hơn, từ 18-24 điểm.