Chỉ đạo về công tác xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt một loạt câu hỏi liên quan tới việc cụ thể hoá tinh thần Hiến pháp 2013, cải cách hành chính và thủ tục hành chính...
"Chúng ta đã thực sự vì người dân và vì doanh nghiệp chưa? Tôi cho rằng một số cơ quan trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) vẫn còn ôm việc về quản lý nhà nước", ông Thăng nói.
Theo ông Thăng, trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, nhiều lái xe, người dân thường xuyên nhắn tin cho cho ông phản án các bất cập. Ở phạm vi kiểm soát tải trọng phương tiện, Bộ trưởng cho hay, nội dung này cũng được người dân phản ánh rất nhiều do VBQPPL chồng chéo, dẫn đến hướng dẫn tổ chức thực hiện có khác nhau, đặc biệt liên quan đến đăng kiểm” – Bộ trưởng nhấn mạnh và lưu ý những vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi thì phải cập nhật vào chương trình xây dựng VBQPPL, rà soát, sửa đổi bổ sung.
Dẫn ví dụ về hoạt động của môtô phân khối lớn, Bộ trưởng nói: "Chúng ta cho nhập về, tổ chức thi sát hạch cấp giấy phép lái xe phân khối lớn nhưng lại không cho chạy thì cho thi, cho nhập làm gì?"
“Đường cao tốc chỉ quá tải vào ngày lễ, bình thường rất vắng. Cớ gì không cho xe đi. Tại sao nước ngoài cho đi mà mình không cho đi. Tất nhiên không phải bất cứ cái gì nước ngoài làm thì mình cũng làm theo. Nhưng những gì hợp lý thì phải làm. Nếu Luật chưa cho phép thì có thể xin Thủ tướng cho thí điểm” - Bộ trưởng nói.
Hiện, Nhà nước đã cho phép nhập các loại xe phân khối lớn cũng như cho phép đào tạo
rộng rãi đối với những người có nhu cầu học và thi lấy bằng lái xe hạng A2.
Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho biết, các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đều cho xe phân khối lớn vào cao tốc. Tuy nhiên, tốc độ bị hạn chế hơn so với ôtô. Như Nhật Bản hạn chế tốc độ của loại xe này chỉ 70 - 100 km.
Đồng quan điểm, Vụ trưởng Vụ ATGT Nguyễn Văn Thạch nói: "Đối với xe phân khối lớn, quan điểm các nước khác nhau, nhiều nước cho vào cao tốc nhưng nhiều nước lại không. Như Nhật Bản, dù cho xe phân khối lớn vào cao tốc nhưng hạn chế như xe phải từ 550 phân khối trở lên, muốn chở thêm người thì phải có bằng 3 năm và đi vào làn tốc độ thấp hơn".
Cũng về vấn đề này, Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng nêu ý kiến, xe phân khối lớn không phải xe đi lại thường xuyên trong nội đô mà là xe đi chơi. Nhà cung cấp xe phân khối lớn hình thành câu lạc bộ, có chương trình huấn luyện rất kỹ cho người lái xe này. Các câu lạc bộ này cũng đã đề nghị cho thí điểm nhưng trước mắt chỉ thí điểm với các đoàn xe.
“Nếu thí điểm thì chỉ cho một nhóm phương tiện vào đi thử, sau đó mới thí điểm rộng rãi hơn” – ông Hùng đề xuất.
Không đồng ý với đề xuất của ông Hùng, Bộ trưởng nói: "Nói như thế thì ông không tin vào đào tạo của ông. Đấy là ngược với những gì mình đang hướng tới".
“Mình hướng dẫn làm sao thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Luật chưa có nhưng thực tiễn đòi hỏi thì mình phải xin phép cho thí điểm. Trước mắt, đề xuất thí điểm cho môtô từ 175 phân khối trở lên được chạy vào 3 tuyến cao tốc gồm Hà Nội – Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và Sài Gòn - Trung Lương. Sau thí điểm có tổng kết đánh giá, nếu hợp lý sẽ đề xuất sửa Luật” – Bộ trưởng kết luận.