Phát biểu tại buổi công bố chỉ số cải cách hành chính (Par Index) do Bộ Nội vụ và Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam (UNDP) tổ chức sáng 17/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, người dân và doanh nghiệp chưa hài lòng về thủ tục hành chính, trong đó có việc nhiều thủ tục chưa công khai, minh bạch. Theo ông, kết quả cải cách hành chính hàng năm sẽ là tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị.
Phó Thủ tướng cho biết, cải cách hành chính được coi là một trong 3 khâu đột phá và được tiến hành đồng bộ với cải cách kinh tế. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ trong bộ máy quản lý phải có ý thức làm tốt công việc, nhiệm vụ được giao.
"Ở đây có lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội, tôi xin nói là hiện dư luận báo chí, nhân dân đang xôn xao, bàn tán về tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ công chức nên các đồng chí phải tiến hành thanh tra, kiểm tra. Phải xem có hiện tượng đó không, rồi khắc phục tiêu cực ra làm sao…” - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Trả lời về việc tới đây khi tiến hành đánh giá kết quả cải cách hành chính ở Hà Nội, Bộ Nội vụ và UNDP có chú trọng vào việc đề bạt, tuyển dụng cán bộ công chức khi thông tin “100 triệu mới đỗ công chức Thủ đô” đang gây xôn xao dư luận cả nước, ông Đinh Duy Hòa - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ - đã tránh không đề cập thẳng tới vấn đề nêu ra.
Theo ông Hòa, thông tin mà ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội - nói là rất đáng lưu tâm. Tuy nhiên, ông Hoà cho rằng, việc phát hiện tiêu cực trong việc này không hề đơn giản.
“Khi tiến hành đánh giá cải cách hành chính đại trà Bộ Nội vụ sẽ cùng các bộ ngành liên quan tiến hành thẩm định, đánh giá trên các lĩnh vực, nếu phát hiện tiêu cực sẽ lập tức xem xét ngay” - ông Hòa cho hay.
Sau khi nhận định việc triển khai đánh giá cải cách hành chính tại các địa phương là hết sức cần thiết, Hà Nội sẵn sàng thực hiện nghiêm túc và nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, ông Ngô Anh Tuấn - Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội - đã ra về trước khi buổi công bố cải cách hành chính kết thúc.