Thân phận những người vợ bị chồng ruồng bỏ vì bạo bệnh

Không những bị bệnh tật hành hạ, những người phụ nữ này còn bị chồng phụ bạc. Nhưng ở đâu, họ cũng nhận được sự an ủi, sẻ chia từ những người đồng cảnh ngộ.

Cuộc đời ba chìm bảy nổi

Cuộc đời của chị Võ Thị Hường (SN 1966, quê ở Nghệ An), hiện đang nằm điều trị bệnh ung thư máu tại Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM như một cuốn tiểu thuyết đẫm nước mắt, từ bi kịch này vắt qua bi kịch khác.

Hồi nhỏ, nhà nghèo nên chị Hường không được học hành tới nơi tới chốn. Năm 18 tuổi, trong một lần đi gánh nước qua cầu, chị Hường chuếnh choáng trượt chân té ngã ngất xỉu. Người nhà đưa chị lên bệnh viện huyện cầm máu nhưng không được, rồi chị được chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Một thời gian sau, bệnh mới được chữa lành nhưng bác sĩ cho biết, sau này chị khó có thể sinh con. 

Nghĩ đời mình coi như sống đơn thân kẻo làm người khác khổ lây. Nhưng đến năm chị Hường 24 tuổi, có một người đàn ông cùng quê tha thiết ngỏ lời yêu thương, muốn che chở cho chị đến lúc đầu bạc răng long. Chị Hường đồng ý, rồi một đám cưới đạm bạc được tổ chức, chị theo chồng trong nỗi thấp thỏm, hy vọng sẽ có con. Ba năm trôi qua, chị Hường vẫn không thể sinh con. Hỏi ra biết sự tình, người chồng cùng gia đình đã đánh đập, chửi rủa, sau đó đuổi chị Hường ra khỏi nhà.

Thấy chị Hường bị nhà chồng đuổi, những người thân của chị không thông cảm còn thêm hắt hủi vì sợ trách nhiệm “cưu mang”. Chị Hường nhớ lại: “May mà khi đó, bố tôi vẫn còn sống nên anh em trong nhà dù không muốn tôi về thì cũng đành chịu. Một thời gian sau bố tôi mất, gia cảnh lại khó khăn nên tôi khăn gói vào tỉnh Lâm Đồng làm thuê”.

Oái ăm thay, căn bệnh cũ tưởng chừng như đã biến mất mấy năm thì nay lại tái phát. Trong một lần đầu óc choáng váng, quay cuồng chị cố bưng nồi cám heo đang sôi sùng sục trên bếp xuống thì bị ngã, mặp úp vào nồi. Người thân phát hiện, đưa chị xuống Bệnh viện Chợ Rẫy, ròng rã mấy tháng trời vết thương mới lành. Ra viện, mất hết khả năng lao động chị trở về quê Nghệ An sống nhờ người thân.

Chị Hường đang được điều trị tại bệnh viện

Đồng cảnh ngộ với chị Hường, cuộc đời của chị Nguyễn Thị Thu (50 tuổi, quê ở Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Long An) khiến nhiều người không cầm nổi nước mắt.

Nhiều năm nay, chị Thu sống cùng khối u khổng lồ bên ngực phải. Chị kể, 6 năm trước, khi thấy trên ngực có mụn nhỏ mưng mủ vài tháng không lành, chị đi khám và biết bị ung thư vú. Theo chỉ định của các bác sĩ, chị phải phẫu thuật cắt nhũ phải và điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, do hoàn cảnh phải nuôi con nhỏ và bố mẹ già, thu nhập chỉ hơn một trăm nghìn đồng mỗi ngày nhờ bán cà phê khiến chị không dám nghĩ đến việc chữa bệnh.

Kể về gia đình mình, chị Thu bộc bạch, chồng chị tên là Hiếu (quê ở Bình Thuận), hai người quá lứa lỡ thì gặp nhau khi người đàn ông này vào Miền Nam mưu sinh. Có lẽ vì đồng cảnh ngộ nên lâu dần cũng nảy sinh tình cảm, họ nên duyên vợ chồng.

Lấy chồng muộn, có con khi gần 40 tuổi, cuộc sống ban đầu của cặp vợ chồng son cũng đẹp như bao gia đình khác. Nhưng hạnh phúc nhanh chóng tan vỡ. Khi trở về từ bệnh viện với cuốn sổ báo bệnh hiểm nghèo, người chồng ngày nào còn thề non hẹn biển đã bỏ chị mà đi, suốt 7 năm qua chưa một lần liên lạc.

Nhiều đêm tôi không ngủ được, vì sao lòng người lại thay đổi nhanh đến như vậy? Vừa mới hôm trước anh ấy nói lời yêu thương tôi và hứa sẽ bên tôi suốt cuộc đời này. Nhưng vừa mới biết tôi mang bệnh, anh đã bỏ đi ngay lập tức. Những đêm tôi nằm thiếp đi, lúc tỉnh dậy đang mơ màng vẫn nghĩ có chồng bên cạnh. Thế nhưng, đối diện với thực tại phũ phàng, tôi chỉ biết ôm con khóc”, chị Thu chia sẻ.

Sống nhờ lòng tốt người dưng

Về lại quê hương, chị Hường sống cùng người mẹ già hơn 80 tuổi trong căn nhà ọp ẹp, hai con người khốn khổ cùng nương tựa nhau. Anh em ruột đã có gia đình riêng và hoàn cảnh khó khăn nên cũng chẳng giúp được gì. Ngày ngày, người dân xóm lại bắt gặp hình ảnh chị Hường với thân hình còm cõi ra đồng làm ruộng lúa. Năm 2001, nhờ người quen giới thiệu ở trung tâm chăm sóc người khuyết tật, chị được hưởng chế độ người tàn tật và ngày ngày đi bán tăm tre khắp làng quê.

Những đồng tiền ít ỏi từ việc bán tăm tre không đủ để trang trải cuộc sống nơi miền quê nghèo, chị đành nhờ anh em chăm sóc mẹ rồi quay vào miền Nam mưu sinh. Trong một lần đang lang thang bán tăm dạo, chị may mắn được gặp sư cô ở chùa Diệu Pháp (Đồng Nai). Sau lần trò chuyện, vị sư cô cảm thông cho số phận hẩm hiu của chị nên đồng ý cho về chùa nương thân. Nhưng cuộc sống tịnh tâm nơi cửa chùa cũng chỉ kéo dài được thời gian ngắn.

Đầu tháng 2/2014, đang yên lành thì chị Hường phát hiện cơ thể mình nổi mụn. Trên tay nổi một cái mụn nhỏ, dần dần sùi lên bằng nắm tay rồi bung ra chảy máu, khiến chị rất đau đớn. Nhà chùa thương tình, trích tiền công đức đưa chị đi khám. Cầm trên tay kết quả khám bệnh bác sĩ, chị như chết sững. Chị bị bệnh ung thư da, đó là bệnh “nhà giàu”, rất tốn kém, có chữa chưa chắc đã khỏi. Nhưng rồi để có chi phí thuốc thang, bất kể bạo bệnh, chị lại lê tấm thân khắp nơi đi bán tăm tre.

Rồi bệnh tật lại một lần nữa quật ngã chị trên đường đi bán tăm tre. Lần đó, chị được đưa vào Bệnh viện Thủ Đức điều trị. Tháng ngày nằm viện, bệnh tật hoành hành, thân hình lở lói, khô héo, khuôn mặt biến dạng khủng khiếp, một mắt chị đã bị mù. Nhiều đêm nằm trên giường bệnh, chị vừa quằn quại đau đớn, lại tủi thân. Rồi trong lúc tứ cố vô thân, chị được một người dưng đồng cảm tự nguyện giúp đỡ. Chị là Nguyễn Thị Nhâm (ngụ phường Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức, TP.HCM), đồng hương Nghệ An. 

Từ ngày chị Hường nhập viện, mỗi ngày chị Nhâm đến viện một lần để đưa cơm và giúp chị tắm rửa. Ngày ngày trên giường bệnh, chị Hường vẫn ngóng đợi người nhà đến thăm nhưng điều mong mỏi ấy rồi cũng trở nên vô vọng. 

Khi nghe ai đó nhắc đến người chồng và hỏi về tương lai của cậu con trai còn bé, nước mắt chị Thu lại tuôn trào

Trở lại với câu chuyện của chị Thu, năm 2012, mụn đã phình to thành khối u chiếm phân nửa ngực, ngày đêm vỡ mủ, chảy máu khiến chị vật vã trong đau đớn. Nhưng với vết thương quái dị, ghê gớm ấy, không còn ai mua cà phê của chị nữa. Cùng đường, chị xin đi làm thuê. Dù không màng việc nặng, nhẹ, công xá ít, nhiều, cũng chẳng ai dám nhận mướn. 

Cho đến khi khối u kéo dài từ sát cằm xuống đến bụng, không thể tự vệ sinh, lau rửa được nữa, chị Thu mới trở lại bệnh viện. Lúc này, chị được biết thêm rằng, bệnh ung thư vú của mình giờ đã di căn lên não.

Trước tình cảnh của mẹ, cháu Nguyễn Quốc Trung (10 tuổi) vừa phải bỏ học lên chăm mẹ. Tiền thuốc, tiền sinh hoạt, cơm hàng ngày, hai mẹ con chị Thu đều trông chờ vào những người hảo tâm đến bệnh viện làm từ thiện. 

Hiện tại, bệnh tật khiến chị Thu không thể di chuyển được nữa nên tất cả mọi sinh hoạt đều trông cậy vào con trai và người em gái lo liệu.

Tạm kết

Câu chuyện về hai người phụ nữ trên bị chồng bỏ rơi vì bạo bệnh, có lẽ cũng chỉ là hai trong nhiều người bất hạnh khác. Với chị Hường, chị Thu - những người phụ nữ bất hạnh, họ không màng đến ngày, giờ nào rồi sẽ ra đi, nỗi đau bệnh tật dày vò thể xác các chị có thể chịu đựng được, nhưng các chị không khỏi chạnh lòng, xót xa khi nghĩ về cuộc sống sau này của người mẹ già, đứa con còn thơ dại.

Những người rơi vào hoàn cảnh như chị Hường, chị Thu cần phải mạnh mẽ, kiên cường để chiến đấu với bệnh tật, mình khuyết chỗ này thì có thể lấy tình thương yêu, sự chân thành, bao dung... của mình để thay thế chỗ khuyết ấy. Hay với những người mất đi khả năng làm mẹ, vẫn có thể nhận con nuôi... có rất nhiều cách để giữ gìn hạnh phúc của gia đình. Chỉ cần bản thân mình sống tốt, sống chân thật thì chắc chắn sẽ có người tốt quan tâm và yêu thương mình thật sư. Cuộc sống còn rất nhiều điều ý nghĩa, tốt đẹp ở phía trước.