Dinh thự của vua Mèo Vương Chính Đức (xã Sà Phìn, H.Đồng Văn, Hà Giang) nổi tiếng một thời được xây dựng như một pháo đài kiên cố vẫn uy nghi, cổ kính, chứa đựng những giai thoại mang đậm dấu ấn với nghề trồng và buôn thuốc phiện. Dinh nhà Vương, xây trong 8 năm, tiêu tốn 150.000 đồng bạc trắng, tính ra tiền hiện nay giá trị xây dựng dinh nhà Vương hết khoảng 150 tỉ đồng.
Vương Chính Đức là người đứng đầu dòng họ Vương của người Mông ở Hà Giang 1 thế kỷ trước. Giàu có nhờ hoạt động trồng, chế biến và buôn bán thuốc phiện xuyên biên giới với Trung Quốc, Miến Điện, ông đã thống lĩnh vùng cao nguyên này và xưng vương. Khi Cách mạng Tháng 8 bùng nổ, cha con Vương Chính Đức và Vương Chí Sình (Vương Chí Thành) đã phối hợp với Việt Minh đánh đuổi Nhật - Pháp. Vương Chí Sình đi theo cách mạng, trở thành đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng bảo kiếm có câu đối "Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ".
Sau con đường nằm bên hàng cây sa mộc cao vút, chiếc cổng đá bề thế của dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức ở Sà Phìn (Đồng Văn - Hà Giang) hiện ra trên đỉnh đồi. Những cây sa mộc này được mang từ Trung Quốc về, trồng bên ngoài tường thành.
Lối dẫn vào nhà Vương là 15 bậc đá gồm những phiến đá lớn, vuông vức, được chạm khắc nhiều kiểu hoa văn. Kiến trúc của dinh thự mô phỏng một phần kiến trúc thành quách đời Thanh của Trung Quốc, kết hợp với các hoa văn của người Mông,được chia làm ba lớp: Tiền dinh, trung dinh và hậu dinh. Toàn bộ khu nhà dài 46m, chiều ngang 22m, cao hơn 10m gồm 4 nhà ngang, 6 nhà dọc, đều được làm hai tầng, tổng cộng 64 buồng. Giữa các dãy nhà gỗ hai tầng khép kín luôn là một khoảng sân rộng đầy ánh sáng.
64 gian phòng lớn nhỏ, gồm phòng khách, phòng ngủ của vua Mèo, phòng ngủ vợ cả, phòng ngủ vợ hai, phòng làm việc, phòng ngủ cho các thành viên trong dòng họ, phòng ở của các gia nhân giúp việc và quân lính, nhà kho lương thực, kho vũ khí, kho chứa thuốc phiện...
Cổng nhà cong, uốn lượn với những cánh dơi - biểu tượng cho chữ "phúc". Mái cổng bằng gỗ được trạm khắc tinh xảo, với nhiều kiểu hoa văn. Trải qua gần 100 năm, những chi tiết được đục đẽo thanh mảnh vẫn chưa hề mục nát.
Công trình là sự phối hợp hài hoà giữa các nguyên liệu được chế tác ngay tại địa phương như đá xanh, gỗ sa mộc và ngói đất nung lợp theo lối âm – dương. Trước nhà treo bức hoành phi gồm bốn chữ Biên Chính Khả Phong, có thể hiểu là sắc phong cai trị miền biên cương. Hiên nhà lợp ngói ống trang trí hoa văn chữ “thọ”.
Nhiều chi tiết bằng đá của tòa nhà được chạm khắc cầu kỳ, khéo léo mang các biểu tượng của sự phú quý, trường tồn, hưng thịnh. Những chân cột được chạm khắc hình quả thuốc phiện (anh túc), to như cái chum, được các thợ giỏi bậc nhất ở Vân Nam thời đó điêu khắc rồi dùng bạc trắng mài cho thật bóng.
Hiện tại bên trong dinh thự còn lưu giữ được nhiều hiện vật gốc như cối đá, bếp sưởi, bàn ghế gỗ tiếp khách, bể tắm sữa dê bằng đá của Vương Chính Đức, được đục đẽo thành hình bán nguyệt.