Một số ĐBQH đã đưa ra ý kiến như trên, khi thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giá, ngày 28/5.
Cần công khai quỹ bình ổn giá
ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) nêu ký kiến: Dự thảo Luật quy định có 10 mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, tương đương khoảng 10 quỹ bình ổn giá. Nhưng trong luật quy định sẽ lập quỹ bình ổn giá và sử dụng trong các trường hợp cần thiết, không quy định rõ những điều kiện thành lập quỹ này mà chỉ quy định giao Chính phủ xem xét, quyết định mặt hàng nào được lập quỹ và trình tự thủ tục quản lý sử dụng quỹ. “Cần cân nhắc việc trích lập quỹ bình ổn giá từ giá bán hàng hóa vì đó cũng là khoản tiền, khoản phí đánh vào túi tiền của người tiêu dùng. Chúng ta có thực tiễn là quỹ bình ổn xăng dầu khiến dư luận rất băn khoăn về việc sử dụng quỹ này”, ĐB Tâm nói và cho rằng nên có cơ chế hội đồng tư vấn thẩm định giá để đảm bảo việc định giá chính xác hơn.
ĐB Trần Du Lịch (TP. HCM) cũng cho rằng, nếu chúng ta nỗ lực để bình ổn giá trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn thì dù nỗ lực cỡ nào cũng khó có thể bình ổn được. Cũng theo ĐB Lịch, trong 10 mặt hàng cần bình ổn giá cũng phải làm rõ loại nào có quỹ bình ổn, loại nào không có quỹ bình ổn.
Giá bán lẻ điện không được Nhà nước định giá cụ thể sẽ có khả năng gây thiệt hại cho người sử dụng, nếu không có một cơ quan kiểm soát độc lập. (Ảnh: Như Ý)
Vẫn quy định khung giá bán điện
Theo UBTVQH, điện là mặt hàng thiết yếu đối với đời sống, sản xuất, kinh doanh; đồng thời lại là mặt hàng độc quyền kinh doanh nên việc phải kiểm soát, giữ ổn định giá điện là cần thiết. Tuy nhiên, việc định giá điện phải tuân thủ nguyên tắc: Khâu nào thuộc độc quyền nhà nước thì do Nhà nước định giá. Do vậy, Nhà nước định mức giá đối với giá truyền tải, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Đối với các khâu: Phát điện, bán buôn điện về lâu dài sẽ áp dụng cạnh tranh theo lộ trình, phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, Nhà nước vẫn quy định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện. Như vậy, các doanh nghiệp được quyền chủ động định giá trong khung, cạnh tranh về giá; tạo chủ động cho doanh nghiệp song Nhà nước vẫn kiểm soát được giá điện.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) băn khoăn khi các loại giá khác như giá phát điện, giá bán lẻ điện bình quân chỉ được nhà nước quy định về khung giá. ĐB Hải lý giải: Hiện nay Bộ Công thương vừa là chủ sở hữu đại diện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vừa là cơ quan kiểm soát giá, lại vừa là cơ quan hoạch định các chính sách. Điều này rất dễ dẫn tới các xung đột về lợi ích, thiếu khách quan, khó thực hiện chức năng kiểm soát với một thị trường điện chưa thực sự có tính cạnh tranh như hiện tại. Vì vậy, nếu giá bán lẻ điện không được Nhà nước định giá cụ thể sẽ có khả năng gây thiệt hại cho người sử dụng, nếu không có một cơ quan kiểm soát độc lập.
Một số ĐB cũng tỏ ra băn khoăn khi dự thảo Luật loại bỏ mặt hàng xăng dầu thành phẩm khỏi Danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để đưa vào diện bình ổn giá. ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng, xăng dầu là mặt hàng có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của đại đa số người dân và có tác động trực tiếp về giá đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác. Do vậy, Dự án luật cần quy định mang tính nguyên tắc nhằm thực hiện đúng về giá xăng dầu trong điều kiện kinh tế thị trường; Bãi bỏ việc quy định về giá cơ sở như đã thực hiện vừa qua, nhằm đảm bảo ổn định giá cả chung và ổn định cuộc sống người dân.