Trên sân đấu
Một năm trước, Djokovic đã lập “siêu” kỷ lục tiền thưởng trong mùa giải với tổng cộng 12,619,803 USD (tính cả đơn nam và đôi nam), đó là thành quả nhờ mùa giải thần kỳ với 10 danh hiệu, trong đó có 3 Grand Slam cùng 5 Masters 1000. Mùa giải 2012 dù không lặp lại bảng thành tích như vậy nhưng với 6 chức vô địch, thậm chí Nole còn vượt qua cả con số đó với tổng tiền thưởng 12,803,737 USD.
Sở dĩ tay vợt người Serbia còn thu được số tiền thưởng hơn năm 2011 là do Djokovic ở mùa giải 2012 thi đấu 17 giải thì có tới 16 giải có tiền thưởng (trừ Olympic), còn năm ngoái là 15 giải có tiền thưởng (trừ Davis Cup). Dù số danh hiệu ở những giải đấu lớn ít hơn nhưng bù lại Djokovic lại đi sâu vào gần như mọi giải đấu, đặc biệt là giai đoạn cuối mùa giải với 3 chức vô địch tại Bắc Kinh, Thượng Hải Masters và ATP World Tours Finals. Không những vậy mùa giải này Djokovic còn nhận thêm phần thưởng 500.000 USD nhờ giành vị trí quán quân US Open Series, đồng thời là á quân US Open. Những khoản tiền thưởng đó đã bù lấp khoản thiếu hụt khi Nole không bảo vệ được chức vô địch Wimbledon, US Open, Rome Masters, Madrid Masters và Indian Wells Masters.
Hai nhà vô địch Australian Open giành ngôi quán quân về tiền thưởng 2012
Ở quần vợt nữ, dù không thể so sánh về số danh hiệu lớn với Serena Williams (2 Grand Slam và HCV đơn nữ) nhưng Victoria Azarenka cũng có mùa giải thành công về mọi mặt. Có Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp ở Australian Open cùng 5 danh hiệu khác cũng đủ giúp Vika giành vị trí số 1 trên BXH WTA cũng như trên danh sách những tay vợt kiếm tiền thưởng nhiều nhất trong mùa giải với gần 8 triệu USD, bằng nửa số tiền thưởng tay vợt người Belarus có được trong 9 năm thi đấu chuyên nghiệp.
10 tay vợt nam có số tiền thưởng nhiều nhất trong mùa giải 2012 (đv: USD)
10 tay vợt nữ có số tiền thưởng nhiều nhất trong mùa giải 2012 (đv: USD)
Ngoài sân đấu
Djokovic và Azarenka có thể là số 1 trên bảng xếp hạng những tay vợt giành nhiều tiền thưởng nhất mùa giải 2012 nhưng xét về tổng thu nhập thì cả hai còn kém xa đàn anh, đàn chị Roger Federer và Maria Sharapova về khoản kiếm tiền ngoài sân đấu. Theo thống kê của Forbes tính từ tháng 7/2011 đến tháng 7/2012 thì Federer là tay vợt có thu nhập “khủng” nhất làng banh nỉ với tổng số tiền (cả tiền thưởng + các khoản khác) lên tới hơn 54 triệu USD. Nếu như tiền thưởng FedEx kiếm được chỉ khoảng hơn 9 triệu USD thì gấp 5 lần con số đó đến từ các hoạt động quảng cáo. Những thương hiệu chính gắn liền với Federer là công ty dịch vụ tài chính Credit Suisse, hãng dao cạo râu Gillette, hãng ô tô Mercedes-Benz và đồng hồ Rolex, chưa kể tới những hãng cũng cấp đồ thể thao Nike, hãng vợt Wilson… giúp cho tay vợt người Thụy Sỹ vẫn giữ vững vị trí số 1 về thu nhập trong làng banh nỉ.
Xếp dưới Federer và Nadal về các khoản thu là điều không mấy ngạc nhiên với Djokovic, khi thực tế Nole cũng mới chỉ chen chân vào kỷ nguyên của FedEx và Rafa trong hai mùa giải gần đây. Nhưng tay vợt người Serbia còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể vượt qua cả Maria Sharapova, người thường xuất hiện cùng Djokovic trong các hoạt động quảng cáo của hãng vợt Head. Ngoài hợp đồng bom tấn với hãng Nike lên tới 70 triệu USD trong vòng 8 năm (bắt đầu từ năm 2010) thì Masha cũng là đối tác của hãng di động Samsung, hãng trang sức cao cấp Tiffany, và mới đây nhất là cùng hãng kẹo IT'Sugar ra mắt sản phẩm gắn liền với tên tuổi của búp bê người Nga có tên Sugarpova.
Trong khi đó thì Djokovic dù giành số tiền thưởng khổng lồ nhưng thực tế Nole lại không có những bản hợp đồng quảng cáo cỡ bự như các đồng nghiệp. Giá trị nhất có thể chỉ là với hãng quần áo Uniqlo của Nhật Bản và như vậy thì vẫn chưa đủ để tay vợt số 1 thế giới trở thành “số 1” về kiếm tiền.
Forbes xếp hạng 10 tay vợt có thu nhập cao nhất trong một năm (từ 7/2011 đến 7/2012) (đv: triệu USD)