Taxi Uber: Người dân vẫn đi, nhà nước tìm cách quản

Dù còn nhiều luồng ý kiến ở cả Việt Nam và trên thế giới, taxi Uber vẫn đang hoạt động tại TPHCM và có nhiều người ủng hộ dịch vụ này.

Cơ quan quản lý Nhà nước đang chốt phương án thu thuế Uber.

Đi taxi với Mercedes, BMW

Chỉ sau cú click chuột đăng ký vào Uber và scan mã thẻ Visa, PV chính thức gia nhập cộng đồng Uber.

Chưa đến 30 giây sau khi bấm chọn dịch vụ, 9h sáng 17/12, tài xế của dịch vụ taxi Uber đã gọi điện chốt lịch. Lúc này trên màn hình điện thoại của phóng viên hiện rõ tên tài xế kèm theo hình ảnh chân dung, nhãn hiệu xe và biển số. Trong vòng 5 phút, chiếc Nissan đời 2014 láng cóng, mới tinh đỗ xịch ngay trước mặt. Xe không có bảng hiệu taxi. Anh Văn Thơ, tài xế của xe xuất hiện với sơ mi trắng, quần tây xanh đen rất lịch sự.

Trên xe không có giọng của các tổng đài viên réo rắt, chỉ có người tài xế nhã nhặn, vui vẻ chuyện trò. Anh Thơ cho hay công ty anh vừa liên kết cùng Uber. Mỗi cuốc taxi dù xa dù gần, anh đều nhận được 20 nghìn đồng. Trung bình mỗi ngày chạy hơn 25 cuốc, thu nhập không quá cao nhưng kết hợp cùng phần lương cứng làm anh yên tâm hơn. Kết thúc hành trình, anh không quên cám ơn và vận động: “Nếu hài lòng, chị hãy giúp em đánh dấu vào 5 sao cho dịch vụ!”.

Trong một hành trình khác cùng ngày, chọn điểm đón ngay trung tâm quận 1 ở đường Hồ Tùng Mậu sau buổi ăn trưa cùng người bạn, gửi yêu cầu chưa đầy “ba nốt nhạc”, chiếc xe Mercedes còn khá mới phóng đến khiến người bạn đi cùng cười tươi như được quà.

Cô bảo đi taxi của Uber xe vừa “sang chảnh”, lại tiết kiệm. Chẳng là từ trung tâm quận 1 về đến tuyến đường Phan Xích Long, Phú Nhuận, TPHCM bao giờ cô cũng phải thanh toán ngót nghét 100 nghìn, nhưng với Uber cô vừa được đi xe sang lại tiết kiệm 25 nghìn. Đã thế đi dịch vụ của Uber chẳng cần phải căng đầu ức chế vì sợ tài xế chạy lòng vòng câu giờ như taxi bình thường.

Chính vì vậy, hơn tháng nay cô đã chia tay taxi truyền thống để gắn kết với Uber. Cô bảo, xe của Uber “bèo bèo” đã là Nissan, Innova, Camry 2.4... toàn loại đời mới, sạch sẽ, thơm tho và lịch sự, hôm nào may mắn còn có thể được sử dụng cả Lexus, Mercedes, BMW...

Hỏi anh Trung - tài xế chiếc Mercedes về việc sử dụng những chiếc xe sang để đưa đón khách hàng liệu có an toàn, anh nói, khi gọi xe, khách hàng đã được hệ thống gửi hình ảnh, tên tuổi, biển số và số điện thoại xe, bản thân tài xế cũng được bảo đảm vì mọi thanh toán đều thông qua tài khoản để có thể kiểm tra dữ liệu của khách hàng, chính vì vậy độ an toàn rất cao. “Khi ký hợp đồng để làm lái xe taxi Uber, chúng tôi đều phải nộp hồ sơ lái xe gốc để làm căn cứ đảm bảo, cũng không lái xe nào dại dột đi lấy đồ khách để quên trên xe vì rất dễ bị phát hiện”, anh Trung nói.

Lái xe Uber có thể không phải nộp thuế

Nếu doanh thu cả năm qua Uber không quá 100 triệu đồng, lái xe sẽ không phải nộp thuế, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.

Trao đổi với PV báo chí ngày 24/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: Cơ quan thuế đã phân tích cụ thể và có phương án rõ ràng về Uber. Cụ thể, sẽ có hai loại đối tượng chịu thuế, đó là người dân, doanh nghiệp vận tải tham gia trên Uber, những đối tượng sẽ nộp thuế theo quy định hiện hành.

Riêng Uber sẽ phải nộp thuế nhà thầu 2%. Khi được hỏi về các lái xe cá nhân trong trường hợp nhàn rỗi tham gia vận tải trên Uber sẽ có nghĩa vụ thuế như thế nào, Thứ trưởng cho biết: “Nếu người lái xe có thu nhập vượt mức 100 triệu/đồng năm mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định”.

“Điều quan trọng phải quy định rõ, Uber sẽ thu phí dịch vụ qua ngân hàng nào. Chúng tôi đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước rằng, không nên cho phép Uber đăng ký thu phí dịch vụ quá 5 ngân hàng tại Việt Nam. Nếu Uber đăng ký tất cả ngân hàng đang hoạt động sẽ không thể quản lý nổi”, Thứ trưởng Anh Tuấn nói. Ông Anh Tuấn cho rằng, nếu Uber được cấp phép hoạt động sẽ đặt ra một vấn đề mới cho ngành thuế, đó là quản lý thu thuế hoạt động kinh doanh qua mạng.

Đánh giá về loại hình kinh doanh mới này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết: Uber là công nghệ mới, người tiêu dùng chi ít hơn nhưng vẫn đạt được mục đích cuối cùng. Cần phải ủng hộ. Nên tạo khung pháp lý cho hoạt động. “Nên lập nhóm cố vấn, chuyên gia xem xét. Cơ quan quản lý cần điều chỉnh theo thực tiễn cuộc sống”, ông Doanh kiến nghị. 

Chưa chốt phương án thu thuế

Cty Uber International Holding B.V tại Hà Lan (gọi tắt: Uber) là đơn vị ký hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp vận tải Việt Nam (DNVT), còn Cty TNHH Uber Việt Nam chỉ thực hiện các hoạt động phụ trợ, marketing nhằm mở rộng mạng lưới thị trường, hỗ trợ đào tạo… Vì thế, từ ngày được cấp đăng ký (14/10) đến nay, Uber Việt Nam cho rằng chưa phát sinh doanh thu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng Ban thường trực Ban cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) cho biết: Uber có thu nhập từ Việt Nam, nên Uber cũng phải đóng hai loại thuế khác theo quy định: thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Nếu Uber là kinh doanh vận tải, thuế GTGT của Uber ở mức 3% doanh thu, thuế TNDN là 2% doanh thu. Nếu Uber cung cấp hoạt động dịch vụ, thuế GTGT và thuế TNDN ở mức 5% doanh thu. Hiện Uber đưa ra ý kiến rằng, họ chỉ cung cấp giải pháp công nghệ kết nối hành khách với DN và là trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán, dịch vụ công nghệ thông tin mà thôi.

Áp dụng phương án nào kể trên phụ thuộc vào các cơ quan có thẩm quyền liên quan. Đến nay chưa có kết luận chính thức bằng văn bản về hình thức kinh doanh của Uber, nên ngành thuế chưa chốt được phương án xác định trách nhiệm thuế của Uber.

Theo tìm hiểu, hiện Uber đã “khôn khéo” đẩy trách nhiệm thuế cho các DNVT thông qua các điều khoản hợp đồng ký trước đó. Cụ thể, Uber có 3 khoản thu nhập tại Việt Nam, thu qua 3 loại thẻ thanh toán tín dụng quốc tế, trong đó Uber thu 20% và chuyển 80% cước phí cho DNVT. Tuy nhiên, theo hợp đồng ký kết, DNVT có trách nhiệm kê khai và nộp các loại thuế phát sinh tại Việt Nam thay cho Uber. 

“Uber là xu thế”

TS Nguyễn Hữu Lam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Quản trị (Đại học Kinh tế TPHCM): Những tranh luận về Uber trong thời gian qua thực chất là sự xung đột lợi ích nhóm giữa các nhân vật liên quan... Ở Việt Nam hiện nay, ngoài Uber còn có Grab Taxi, Easy Taxi… cũng đang dần thịnh hành. Nhưng không thấy phản đối Grab, hoặc Easy Taxi vì Grab và Easy Taxi hoạt động theo hình thức kết nối với taxi truyền thống và mang lại lợi ích cho các hãng taxi và tài xế. Để đi vào đời sống, Uber cần đảm bảo việc kinh doanh hợp pháp ở Việt Nam, đồng thời, Nhà nước trên cương vị quản lý cần có cơ chế buộc các hợp tác xã tham gia Uber thực hiện những nghĩa vụ pháp lý như taxi truyền thống đang làm (nộp thuế, mua bảo hiểm…).

Đại biểu HĐND TPHCM Lâm Thiếu Quân: Uber trên thế giới đang phát triển và xuất hiện ở Việt Nam là một xu thế không thể tránh khỏi, bởi đó là nhu cầu của những người dùng smartphone, thích đi xe sang và người muốn kiếm thêm thu nhập. Vì thế, quan trọng nhất là Nhà nước phải làm sao để thu được thuế từ loại hình dịch vụ này, còn Uber thì phải hoạt động tuân thủ theo pháp luật Việt Nam. Để làm được việc này cả hai bên cần ngồi lại với nhau.