Tàu ngầm Trường Sa sẽ thử nghiệm dưới nước trong năm nay

Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa cho biết mọi thứ gần như sẵn sàng, chắc chắn sẽ thử nghiệm dưới nước trong năm 2013.

Sẽ thử nghiệm dưới nước trong 10 ngày tới

Trao đổi với báo Đất Việt sáng 18/12, doanh nhân người Thái Bình, ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết ông đã hoàn thiện giai đoạn lắp ráp các bộ phận quan trọng như hệ thống không khí tuần hoàn AIP, động cơ diesel, hệ thống điện… vào bên trong con tàu.

Hiện tại, con tàu đang trong giai đoạn kiểm tra, hoàn thiện. Ông Hòa cho biết: “Mỗi mối nối dây điện, các đường ống, đường dẫn, các chốt, vít, đều phải kiểm tra một cách tỉ mỉ cụ thể. Bởi trong quá trình di chuyển lắp ghép không tránh được những nguy cơ gây mất an toàn”.

Tôi hiểu hệ thống AIP là một thứ đỏng đảnh, rất dễ cháy nổ, đặc biệt trong một không gian nhỏ như khoang của chiếc tàu ngầm này. Chỉ một sự cố nhỏ, một chút tắc trách trong quá trình lắp ghép có thể dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Vì thế, khâu cuối cùng này tuy đơn giản nhưng vô cùng quan trọng”, ông Hòa chia sẻ.

Sau khi hoàn thiện khâu cuối cùng, tôi sẽ đưa con tàu này xuống nước. Theo dự tính, Trường Sa sẽ vào bể thử nghiệm trong năm 2013, không để sang năm mới, và mọi thứ vẫn đang diễn ra theo đúng kế hoạch ban đầu. Thời điểm vừa qua, cả công ty phải dốc sức hoàn thiện các hợp đồng cuối năm, vì thế việc chế tạo con tàu có chút ngưng trệ, nhưng đến thời điểm này, mọi thứ đã sẵn sàng” – Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa nói.

Về phương pháp thử nghiệm chiếc tàu này, ông Hòa đã xây một bể nổi trên mặt đất với chiều dài 9m, chiều ngang 3m và chiều cao 5m, cửa vào của bể được lắp một cửa cuốn chịu lực, có răng cao su để chống tràn nước. Sau khi hoàn thiện con tàu, ông Hòa sẽ lắp một hệ thống đường ray cùng các con lăn để đưa chiếc tàu ngầm từ xưởng vào trong bể.

Mục đích thử nghiệm con tàu trong bể này nhằm kiểm tra duy nhất là khả năng vận hành trong môi trường nước của hệ thống không khí tuần hoàn AIP. Tôi đã thử hàng chục lần hệ thống này trên cạn, trong phòng kín, nhưng trong môi trường nước là điều hoàn toàn khác. Hơn nữa, chỉ cần AIP hoạt động thành công là con tàu coi như thành công.”

Có ý kiến cho rằng chiếc bể nổi của ông Hòa nếu để tàu ngầm bên trong và bơm nước vào sẽ tạo nên một áp suất lớn, có thể dẫn đến vỡ bể.

Ông Hòa chia sẻ cũng đã tính đến điều này: “Tôi hiểu bể chìm bao giờ cũng an toàn hơn, tuy nhiên điều kiện của tôi không cho phép. Thứ nhất diện tích không có, thứ hai, đào sâu xuống sẽ ảnh hưởng đến nền móng của những nhà xưởng xung quanh. Và thứ ba, bể nổi giúp việc đưa tàu ngầm ra vào bể dễ dàng hơn.


Tàu ngầm Trường Sa chụp hồi 19/11

Chỉ cần thành công trong bể, tôi sẽ sơn con tàu màu đen, chữ Trường Sa màu trắng, vẽ vạch choán nước, vẽ quốc kỳ lên đầu tàu, và sau đó đem ra sông hoặc biển để thử nghiệm” – doanh nhân người Thái Bình bày tỏ.

Những ứng dụng của Trường Sa

Chia sẻ về những ứng dụng mà tàu ngầm Trường Sa mang lại nếu như thử nghiệm hoàn toàn thành công, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa nhận định:

Trước khi bắt tay làm con tàu thế nào, thì tôi đã nghĩ đến việc con tàu này sẽ có mục đích gì. Dù tôi mê khoa học, mê kỹ thuật, nhưng tôi cũng là một doanh nhân, không làm gì mà không tính đến lợi ích.

Tuy nhiên, tôi không làm tàu ngầm để bán. Tôi chỉ mong Trường Sa thành công, sẽ có nhiều nhà khoa học bắt tay vào nghiên cứu nhân rộng. Những nhà khoa học này có kiến thức, cơ sở vật chất, nguồn vốn… tất cả đều hơn tôi. Nếu có nhiều Trường Sa mini, ta có thể phục vụ các mục đích dân sự như nghiên cứu đáy biển, hệ sinh thái, khảo cổ…


Bể nổi ông Hòa xây dựng để thử nghiệm tàu ngầm


Hay trong việc tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Trường Sa của tôi chỉ chở được 1, 2 người, biết đâu có những Trường Sa lớn hơn có thể chở được 10 người. Trong điều kiện giông bão tàu nổi không thể cứu nạn, thì tàu ngầm lại có thể làm được dễ dàng.

Còn với vấn đề quân sự, nếu hải quân bắt tay nghiên cứu, với hàng trăm hàng nghìn Trường Sa có thể mang vũ khí, tôi nghĩ rằng chủ quyền của Việt Nam có thể đảm bảo vững chắc. Đã có nhiều lúc con tàu rơi vào bế tắc, nhưng nghĩ đến mục đích này, tôi càng quyết tâm hơn.

Trường Sa có thể thành công, cũng có thể thất bại, nhưng điều quan trọng nhất, đã có những người dám nghĩ, dám làm. Theo như nhận định của nhà nghiên cứu, kỹ sư Đỗ Thái Bình, Hội Khoa học biển TP.HCM: “Nếu thất bại, ông Hòa chỉ mất tiền, nếu thành công, ông Hòa là một niềm tự hào”.