Tăng lương – niềm vui chưa trọn vẹn

Tăng lương là rất cần. Nhưng không có nghĩa phải làm gấp gáp khi chưa có được những nghiên cứu, tính toán kỹ. Nghiên cứu vấn đề lương là cả một công trình đòi hỏi nhiều trí tuệ, công sức để tìm ra phương thức chặt chẽ, công bằng, hợp lý nhất.

Hiện nay, số người sống hoàn toàn bằng lương không nhiều

Vừa qua, một hội thảo về việc tăng lương cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) Nhà nước đã được diễn ra tại Hà Nội. Sở dĩ có hội thảo này vì lương của người làm việc trong hệ thống các cơ quan Nhà nước hiện nay là quá thấp so với mặt bằng giá cả và không phản ánh đúng giá trị lao động của họ. Bởi vậy, phải nghĩ tới việc khắc phục và Bộ Nội vụ có trách nhiệm lo việc này, đã cùng với chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc( UNDP) tổ chức hội thảo trên.

Trong nhiều năm qua, Chính Phủ luôn quan tâm đến vấn đề lương và cũng từng có nhiều đợt tăng lương cho CBCNV. Nhưng một thực tế đã xảy ra: khoản lương được tăng đã không bù lại được tốc độ tăng giá của thị trường, thậm chí đồng lương được lĩnh nhiều hơn trước đã ít hơn rất nhiều số tiền họ phải mất thêm do trượt giá. Đó là chưa kể tình trạng này lại trầm trọng thêm mỗi khi có biến động giá những mặt hàng thiết yếu như xăng, điện. Ví như trong hơn 1 tuần qua, từ khi giá điện tăng thêm 5%, giá cả thị trường cũng đã nhích lên, gây khó khăn cho người làm công ăn lương Nhà nước.

Tăng lương đương nhiên là cần thiết. Nhưng chỉ có tác dụng khi kiềm chế hoàn toàn được lạm phát. Nếu không, chẳng những người lao động không mừng mà còn lo ngại thêm do phải đối phó với tăng giá như đã nói. Và cải cách tiền lương không chỉ theo hướng tăng nhất loạt như trong quá khứ chúng ta đã từng làm mà còn phải điều chỉnh lại mối quan hệ tiền lương sao cho công bằng, hợp lý theo nguyên tắc người có cống hiến cho xã hội nhiều hơn phải được hưởng nhiều hơn với mức tương xứng, thích đáng.

Việc cải cách này phải đạt được mục tiêu lành mạnh hóa nền hành chính, bởi nếu không nghĩ đến điều này, cán bộ Nhà nước không toàn tâm toàn ý làm việc do phải tìm cách làm thêm để tăng thu nhập, đối phó với cuộc mưu sinh, từ đó mà “chân ngoài dài hơn chân trong”.

Hiện nay, số người sống hoàn toàn bằng lương không nhiều. Đó là điều không lành mạnh, chẳng ai mong muốn, đã giảm sút nhiều hiệu quả công việc nơi cơ quan Nhà nước.

Không ít ý kiến cho rằng tăng lương công chức để giảm tham nhũng. Sự thật không hẳn như vậy. Chỉ những người có chức, quyền mới có điều kiện tham nhũng. Lương của họ cao chứ không thấp.

Tham nhũng liên quan nhiều đến nạn hối lộ, mua bán chức tước. Ai đó mất khoản tiền lớn để chạy chức thì đến khi đạt được, họ phải nghĩ cách bù lại. Thế là tham nhũng xảy ra. Vậy nên tăng lương ít liên quan đến chống tham nhũng mà chủ yếu để khuyến khích lao động, giải quyết công bằng xã hội, và bảo đảm lành mạnh nền hành chính như đã nói.

Tăng lương là rất cần. Nhưng không có nghĩa phải làm gấp gáp khi chưa có được những nghiên cứu, tính toán kỹ. Nghiên cứu vấn đề lương là cả một công trình đòi hỏi nhiều trí tuệ, công sức để tìm ra phương thức chặt chẽ, công bằng, hợp lý nhất. Luôn thể cần nghiên cứu việc bãi bỏ một số đặc quyền, đặc lợi để tất cả đều tính vào lương như nhiều nước trên thế giới đã làm. Việc này vừa chống được lãng phí, vừa bảo đảm công bằng xã hội, lại buộc người được hưởng phải có ý thức tiết kiệm, tránh xa hoa, vô trách nhiệm với công quỹ vì khi ấy tất cả đều là tiền túi chứ không còn là “tiền chùa”.

Hy vọng đợt nghiên cứu tăng lương sắp tới sẽ đáp ứng được mong đợi của những người làm việc trong khu vực cơ quan Nhà nước.