Báo chí đưa tin, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2015, trong đó có nội dung dành 11.000 tỷ đồng để tăng lương cho các đối tượng hưu trí, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 1/1/2015.
Đại biểu Bùi Trí Dũng (An Giang) cho rằng chủ trương này hoàn toàn hợp lý và không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước năm 2015. Bởi, theo đề xuất tăng lương của Chính phủ, nguồn vượt thu của ngân sách nhà nước năm 2014 sẽ được chuyển sang sử dụng cho mục đích này. Khoản còn thiếu sẽ được lấy từ kinh phí tăng lương của địa phương mà năm nào cũng có.
Cũng theo đại biểu, thực tế cho thấy, người về hưu và những công chức, viên chức mới đi làm có mức lương rất thấp. Nền kinh tế thị trường đang chi phối từng gia đình trong khi đời sống của những đối tượng này quá khó khăn. Khoản tiền được tăng tuy không nhiều nhưng có ý nghĩa động viên tinh thần làm việc cho họ.
Những người thuộc diện được tăng lương 2015
Theo Báo Gia đình và Xã hội, nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động, thay thế Nghị định 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013. Nghị định mới cũng hiệu lực từ 1/1/2015.
Như vậy, nếu độc giả là người nghỉ hưu, người có công được trợ cấp ưu đãi; là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lượng từ 2,34 trở xuống thì thuộc diện được tăng 8% lương theo chủ trương của Quốc hội.
Dẫu vậy, nếu không thuộc nhóm ưu tiên này, lương của người lao động sẽ vẫn được điều chỉnh theo quy định mới về lương tối thiểu. Cụ thể, Nghị định của Chính phủ vừa ban hành quy định, từ ngày 1/1/2015, sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.150.000 đến 3.100.000 đồng/tháng. Vùng I: 3.100.000 đồng/tháng; vùng II: 2.750.000 đồng/tháng; vùng III: 2.400.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.150.000 đồng/tháng.