Tai hoạ kép: Vừa gặp đồ chơi trung thu độc hại, vừa gặp bác sĩ vô lương

Đúng 10h đêm, cả ngày trong bụng vẫn chưa được hạt cơm nào, người cha bế đứa con ngất lịm trên tay đứng trong đêm tối vừa khóc vừa vẫy từng chiếc xe chở con đi cấp cứu.

Dành dụm được số tiền hơn 100 nghìn đồng, bé Nguyễn Chí Tú (11 tuổi, ngụ xã  Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) háo hức nhờ anh trai đi mua chiếc xe ô tô đồ chơi điều khiển từ xa hiệu Trung Quốc. Sáng 5/9/2014, khi đang chơi xe một mình trong nhà, cục pin trong chiếc điều khiển xe bất ngờ phát nổ, khiến đứa bé bị thương nặng, người bê bết máu, mắt không nhìn thấy gì, hai tay dính chặt vào nhau. Hỏng mắt, hai ngón tay đứt rời, một ngón phải tháo bỏ.

Được chuyển vào viện tỉnh, hai ngày sau, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Mắt TP.HCM trong tình trạng nội mạc mắt phải có dị vật, thủy tinh thể bị thủng, rách giác mạc. Tổn thương nặng khiến thị lực mắt phải yếu, chỉ nhận ra ánh sáng lờ mờ chứ không phân biệt hình ảnh.

Hai bàn tay của Tú cũng bị thương nghiêm trọng nên các bác sĩ đã khâu vết thương ở mắt rồi nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Nhi Đồng 1. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận ngón trỏ và ngón giữa trên bàn tay trái của bé bị đứt rời. Ở bàn tay phải, ngón tay giữa cũng bị thương nghiêm trọng, phải tháo bỏ. Ông Nguyễn Văn Tiến (cha bệnh nhân) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại tai họa. Hôm đó là ngày 5/9, đang đi làm, vợ ông hớt hải gọi điện báo con trai gặp nạn. Ông bỏ công việc dang dở, tức tốc chạy về. Vừa bước vào cửa, người cha đã chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng.

Dưới nền nhà máu me bê bết, đứa con trai đã được quấn băng quanh người đang kêu khóc thảm thiết. Sau khi đưa con đi viện, vợ kể lại sự việc, ông mới hay lúc đó mẹ đang loay hoay làm việc phía sau bếp, trong nhà chỉ còn lại bé Tú chơi một mình với chiếc ô tô đồ chơi. Bỗng nhiên một tiếng nổ lớn vang lên khiến người mẹ giật thót tim, vứt luôn cả con dao đang cầm, lao lên nhà; hoảng hốt khi thấy con trai la hét đau đớn, máu văng tung tóe, đôi mắt nhắm nghiền ứa máu, những ngón tay dính chặt vào nhau.

Tại hiện trường vụ nổ pin đồ chơi, mọi người phát hiện cục pin hình chữ nhật đã nổ tung bên cạnh chiếc điều khiển từ xa của ô tô đồ chơi. Thì ra đang chơi, chiếc điều khiển gặp trục trặc, bé Tú tháo ra loay hoay xem, bất ngờ cục pin phát nổ. Hỏi về xuất xứ của món đồ chơi, người cha vẫn chưa hết ân hận. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, hầu như vợ chồng ông vẫn chưa mua được một món đồ chơi nào cho con. Chiếc xe đồ chơi Trung Quốc được mua cách đây gần 3 tháng tại một tiệm tạp hóa ở thị xã Phan Rang với giá 110 nghìn đồng.

Đó là số tiền bé Tú gom góp từ lâu mới có được. Bề ngoài xe trông khá bắt mắt, đặc biệt hơn, cục pin trong điều khiển dùng 3 tháng chưa phải thay mới. Con nằm viện, bố mẹ nợ nần chồng chất. Người cha đau đớn đem con chạy tới bệnh viện Ninh Thuận cầu cứu.

Trong người chỉ vỏn vẹn vài trăm nghìn, ông năn nỉ các bác sĩ xin cho con được nhập viện mổ gấp. Thế nhưng: “Chưa có tiền đóng viện phí, họ dửng dưng chỉ thăm khám qua loa rồi băng bó vết thương, bắt tôi đóng đủ 5 triệu mới cho vào phòng mổ tách những ngón tay ra. Cầu xin hết lời họ mới đồng ý cho con vào mổ trước rồi đóng tiền sau. Vợ tôi ở nhà phải chạy vạy khắp nơi mới đủ tiền”.

Sau đó do hai mắt của bé đã bị tổn thương nặng, bệnh viện yêu cầu người nhà chuyển lên tuyến trên. Nhưng theo lời ông Tiến thì bệnh viện không hề cho giấy xuất viện.

Uất ức, ông tự đem con lên Bệnh viện Mắt TP.HCM. Đúng 10h đêm, cả ngày trong bụng vẫn chưa được hạt cơm nào, người cha bế đứa con ngất lịm trên tay đứng trong đêm tối vừa khóc vừa vẫy từng chiếc xe. Càng chờ, người cha càng hoảng sợ “lỡ may con có mệnh hệ gì thì vợ chồng tôi ân hận cả đời”. May sao gặp được người thương tình nhường cho cha con ông 2 chiếc ghế. Bước chân đến bến bệnh viện thì đồng hồ đã điểm 6h sáng.

Đến nay, Tú nằm bệnh viện đã được hơn nửa tháng. Từ ngày đó, ông Tiến phải bỏ hết mọi công việc túc trực tại bệnh viện chăm con. Ngày ngày thấy đứa con đau đớn, người cha cứ như đứt từng khúc ruột: “Giánhư tôi có thể gánh hết những nỗi đau đó cho con. Lâu lâu Tú lại hỏi tôi “Ba ơi! mắt con có sáng lại nữa không? Sao mà phải băng kín hoài vậy ba?””. Câu nói ngây thơ của đứa trẻ khiến khách đến thăm cũng phải ứa nước mắt. Dù đau nhức ở mắt, tay nhưng Tú luôn chăm ngoan. Biết ba lo lắng nên em vẫn cắn răng chịu đựng không dám khóc.

Nhà đã nghèo, giờ đây cộng thêm đứa con đầy thương tích khiến gia đình lâm vào bước đường cùng. Người cha nhìn đứa con, mắt rưng rưng: “Không biết gia đình tôi gắng lo cho nó được đến ngày nào. Tiền bạc đã cạn sạch, chạy vay mượn khắp nơi giờ không còn chỗ nào nhờ vả được”.

Cánh tay bị thương của cháu bé khi nổ pin đồ chơi

Từ ngày đưa con vào bệnh viện, người mẹ đau đớn không ăn không ngủ. Để có tiền kịp ngày phẫu thuật mắt cho con, bà cố nén nỗi đau vào lòng, gõ cửa từng nhà xin mượn tiền. Chạy vạy khắp nơi vẫn còn thiếu 2 triệu, trong lúc túng quẫn không biết tính thế nào, may sao bé Tú được một tấm lòng hảo tâm hỗ trợ thêm 2 triệu để đủ tiền phẫu thuật. Hơn hai tuần nay, cha con Tú phải tất bật chạy qua chạy lại bệnh viện Mắt rồi đến Bệnh viện Nhi đồng I. Sức khỏe của Tú hiện nay đã bình phục nhưng vẫn còn rất yếu, hầu như không ăn uống được gì.

Bác sĩ Phạm Nguyên Huân, Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết: “Hiện nay mắt phải của Tú chỉ có thể thấy bóng qua lại chứ chưa nhìn thấy được hình ảnh thật. Đây là trường hợp bệnh nhân đầu tiên bệnh viện tiếp nhận có nguyên nhân bị đồ chơi phát nổ. Sức công phá của vật nổ quá mạnh làm thủng nhãn cầu. Bệnh viện sẽ phẫu thuật lấy thủy tinh thể và dị vật nội nhãn trong mắt ra. Đối với chấn thương kiểu này ở mắt, việc phục hồi trở lại là điều rất khó. Với trường hợp bệnh nhân có gia cảnh quá nghèo khổ như vậy, bệnh viện cũng sẽ xem xét hỗ trợ phần nào”.

Đã nghèo còn gặp cái eo

Bé Tú sinh ra trong gia đình 4 anh em, anh lớn năm nay 22 tuổi. Năm 2003, cha mẹ dắt díu đàn con lên xã Phước Vinh mua căn nhà “rách như xơ mướp” với giá hơn 1 triệu đồng lấy chỗ chui ra chui vào. Miếng ăn hàng ngày của cả gia đình chỉ trông chờ vào số tiền cha và anh lớn làm thuê kiếm được từ tất cả các việc nặng nhọc như bốc vác, phụ hồ… “Bữa cơm của các con đạm bạc chỉ có canh lõng bõng nước. Lâu lâu mới mua cho chúng vài miếng thịt ăn đỡ thèm. Nhìn chúng ăn ngấu nghiến mà tôi ứa nước mắt”, cha đứa bé gặp nạn bộc bạch.