Không dùng vũ khí hóa học chống lại dân chúng
Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Makdissi nói: "Chúng tôi sẽ không sử dụng bất cứ loại vũ khí hóa học hay vũ khí trái quy ước nào khác nhằm vào người dân nước mình, mà sẽ chỉ dùng chúng trong trường hợp bị gây hấn từ bên ngoài."
Theo ông, "mọi kho vũ khí hóa học có thể đang tồn tại sẽ không bao giờ được dùng để chống lại người dân Syria," nhưng trong trường hợp bị nước ngoài tấn công, "giới tướng lĩnh Syria sẽ quyết định thời điểm và cách thức sử dụng chúng."
Tuyên bố trên được đưa ra một ngày, sau khi Mỹ cho biết nước này sẽ "quy trách nhiệm" cho bất kỳ quan chức Syria nào liên quan tới việc phát tán hoặc sử dụng các loại vũ khí hóa học.
Bác bỏ đề xuất của Liên đoàn A rập về Syria
Cũng tại cuộc họp báo trên, ông Makdissi cho hay Syria bác bỏ lời kêu gọi của Liên đoàn Arập (AL) đòi Tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức. Ông nói: "Quyết định thành lập chính phủ chuyển tiếp chỉ liên quan đến người dân Syria, những người thực sự làm chủ số phận chính quyền của họ”. Ông nói thêm: “Nếu các nước Arập thực sự muốn chấm dứt sự đổ máu, họ phải ngừng cung cấp vũ khí, ngừng xúi giục và tuyên truyền bênh vực phe nổi dậy”.
Kênh truyền hình nhà nước Iraq ngày 23/7 dẫn lời người phát ngôn chính phủ Ali al-Dabbagh cho biết chính phủ Iraq phản đối đề xuất của Liên đoàn Arập và tuyên bố quyết định về vận mệnh Syria phải do người dân Syria đưa ra.
Tuyên bố của Iraq đưa ra ngay sau khi Liên đoàn Arab công bố cắt đứt toàn bộ quan hệ ngoại giao với Syria trong cuộc họp tại Doha (Qatar). Tổng Thư ký Liên đoàn Arập Nabil Elaraby còn đề xuất một "lối thoát an toàn" cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad và gia đình, nếu nhà lãnh đạo này từ bỏ quyền lực.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo về một cuộc nội chiến kéo dài ở Syria nếu Tổng thống Bashar al-Assad bị phe nổi dậy tước bỏ quyền lực một cách “vi hiến”.
Hãng tin Interfax dẫn lời Tổng thống Putin nói: “Chúng tôi lo ngại rằng nếu ban lãnh đạo đương nhiệm của Syria bị tước bỏ quyền lực một cách vi hiến, thì phe đối lập và ban lãnh đạo hiện này có thể sẽ chỉ đơn giản là hoán đổi vị trí. Một bên trở thành ban lãnh đạo (mới) và bên kia lại thành phe đối lập”. Trong trường hợp đó, “một cuộc nội chiến sẽ kéo dài không biết đến bao giờ”.