Thứ trưởng Bộ Dầu mỏ Syria chạy sang phe đối lập?
Hãng thông tấn Reuter loan báo thông tin trên cùng đoạn ghi âm lời tuyên bố của ông Abdo Hussameldin được lan truyền trên trang mạng YouTube.
Clip có đoạn: “Tôi, Abdo Hussameldin, Thứ trưởng Bộ Dầu mỏ và Khoáng sản Syria, tuyên bố về việc từ bỏ trức trách đang nắm giữ, rời bỏ Đảng Baas và rời bỏ chế độ cầm quyền. Tôi gia nhập cuộc cách mạng của nhân dân lao động vĩ đại của chúng tôi.”.
Nếu như tính chính xác của đoạn ghi âm trên được xác nhận thì nhân vật thứ hai thuộc trong Bộ quan trọng trong Chính phủ Syria sẽ trở thành quan chức cao cấp nhất rời bỏ chính phủ và chạy sang phe đối lập.
Người nước ngoài lũ lượt rời Syria
Trong diễn biến đáng chú ý nhất, Trung Quốc đã quyết định rút công nhân và chuyên gia của mình đang làm việc tại Syria về nước.
Thông báo trên được Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, Trần Đức Minh (Chen Deming) công bố ngày 7/3.
Theo ông Trần Đức Minh, hiện tại chỉ còn khoảng 100 công dân Trung Quốc đang ở lại Syria để “bảo vệ các lán trại lao động và các thiết bị”.
"Chính phủ Trung Quốc và các cơ quan của mình cần phải có thái độ nghiêm túc nhất thực hiện việc bảo vệ các công ty Trung Quốc, sản phẩm và cơ sở của họ ở nước ngoài, bảo vệ công dân Trung Quốc ở nước ngoài, đặc biệt là nhóm các nhà xây dựng", ông Trần nói.
Hồi năm 2011, chỉ trong một đêm, Trung Quốc đã sơ tán hàng nghìn công nhân và các chuyên gia rời khỏi Libya bằng đường biển và đường không, do lo ngại an ninh.
Cũng trong ngày hôm nay, người đại diện của hãng hàng không lớn nhất của Pháp Air France tuyên bố, hãng tạm ngừng các chuyến bay đến Syria vì tình hình đáng lo ngại ở đất nước này. "Do tình hình hiện nay ở Syria, Air France đã quyết định tạm ngừng các chuyến bay tới Damascus", - người đại diện hãng hàng không cho biết.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi công dân nhanh chóng rời khỏi Syria “Chúng tôi kêu gọi tất cả những ai đang có mặt ở Syria rời khỏi nước này ngay khi còn có thể …”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ra ngày 6/3 có đoạn. Bộ Ngoại giao Mỹ còn khuyến cáo công dân nước này trong giai đoạn hiện nay không nên đến Syria này.
Trước đó, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng Tổng thống Mỹ Obama hứa hẹn “tiếp tục công việc về "dự án" Syria với các nước khác”. Việc thực hiện "dự án" ngụ ý ủng hộ lực lượng đối lập Syria, cung cấp trợ giúp cho họ, tiếp tục cô lập hơn nữa chế độ cầm quyền Syria về kinh tế và chính trị.
Dù vậy, ông Obama vẫn chống lại các biện pháp quân sự giải quyết vấn đề Syria. “Đối với chúng ta thực thi các hành động quân sự chống Syria một cách đơn phương theo như gợi ý của một số người, hoặc là cho rằng có cách giải quyết đơn giản, đều có thể là sai lầm” – Tổng thống Obama bình luận.
Về phần mình, chính phủ Syria tuyên bố sẵn sàng hợp tác với cơ quan hỗ trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc về việc trợ giúp các nạn nhân của các cuộc đụng độ quân sự vẫn đang tiếp diễn giữa lực lượng của chính phủ Tổng thống Asad và phe đối lập.
Bộ trưởng Ngoại giao Syria nhấn mạnh rằng, chính quyền nước này đang làm tất cả những gì có thể để đảm bảo cung cấp thực phẩm và trợ giúp y tế cho các công dân.
Phát hiện hầm ngầm tuồn vũ khí cho đối lập Syria
Ngày 5/3, quân chính phủ đã mở chiến dịch “làm sạch thành phố Homs”. Theo kênh truyền hình Syria, các đơn vị đặc biệt tinh nhuệ của quân đội Syria đã tiến hành chiến dịch “quyét sạch” dinh lũy cuối cùng của các tay súng thuộc phe đối lập tại thành phố Homs. Các nhóm khủng bố tại các quận Inshaat và Sultania đã bị tiêu diệt hoặc bị tước vũ khí.
Giao tranh cũng xảy ra ác liệt tại Quận Bab-Amr. Tại đây người ta đã phát hiện thi thể của 115 người được cho là bị các tay súng của phe đối lập giết hại.
Kênh truyền hình Al Manar dẫn nguồn tin quân sự Syria cho biết, hiện nay nhiều tuyến phố và trong các tòa nhà tại Bab-Amr và các khu vực giáp ranh đều đã bị đặt mìn.
Theo chính quyền Syria, các băng nhóm vũ trang đang bị truy đuổi tới gần biên giới với Lebanon.
Tại quận El Quseir, cách Homs 30 km, với sự hỗ trợ của người dân địa phương người ta đã phát hiện một đường hầm thông qua biên giới với Lebanon. Đây được cho là một trong những đường tuồn vũ khí lậu vào Syria qua ngả Lebanon.
Nguồn tin cho biết, có sự tham gia của các quân đội Lebanon trong việc bắt giữ các tay súng nổi dậy tại khu vực biên giới Syria-Lebanon.
Có 39 tay súng đã bị bắt giữ và tước vũ khí khi đang cố lẫn trốn tại lãnh thổ Lebanon. Trong khi đó, tại quận Vadi-Khled lực lượng an ninh đã ngăn chặn thành công một lô vũ khí lớn đang được các phần tử quá khích người địa phương tuồn vào Syria.
Trong khi đó tại thành phố Homs, phần lớn dân chúng đã rời khỏi quận Bab-Amr dưới sự hỗ trợ của các thành viên tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế.
Quận Bab-Amr là một trong những nơi xảy ra giao tranh ác liệt nhất giữa lực lượng chính phủ Syria và quân nổi dậy diễn ra vào ngày 5/3, khi quân chính phủ mở chiến dịch “làm sạch hang ổ phiến quân” với sự tham gia của những đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Syria.
Asad sẽ tị nạn chính trị tại Nga?
“Chúng tôi thậm chí chưa hề đả động đến vấn đề này”, ông Putin nói như vậy khi trả lời câu hỏi liệu có khả năng nhà lãnh đạo hiện nay của Syria sẽ nhận được chấp thuận tị nạn chính trị tại Nga.
Câu hỏi trên được đặt ra với Thủ tướng Nga Putin, người sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga vào tháng 5/2012, trong bối cảnh tình hình tại Syria đang có những diễn biến mới gây lo ngại về những hành động quân sự quy mô lớn tại nước này.