Tin tới mức nhiều người khẳng định nhìn thấy hoặc nghe thấy hồn ma bên trong những ngôi nhà ấy. Và cho dù người chết có ám ảnh hay không thì bản thân chúng đã mang “lời nguyền” của người sống. Sự hoài nghi lo sợ của người đời tích tụ nhiều năm khiến chúng mang những vẻ mặt buồn thảm cho đến bây giờ.
Chuyện ở những ngôi nhà “ma ám”
Nổi tiếng nhất là tòa nhà tọa lạc tại số 97, đường Phó Đức Chính, Q1, khi xưa được người ta quen gọi là nhà chú Hỏa, nay là Bảo táng Mỹ thuật TP.HCM. Tòa nhà nằm giữa trung tâm thành phố, đồ sộ và đẹp lộng lẫy. Trải qua bao thời gian nhưng vẫn nổi bật với kiến trúc Á-Âu đan xen. Vào bên trong bảo tàng, những hành lang rộng, mát rượi, phòng ốc bề thế. Nhìn cảnh sinh hoạt nghệ thuật đều đặn, người ra vào tấp nập, tôi khó tin rằng nó đang mang lời đồn ma ám. Duy chỉ có dáng vẻ sừng sững, nước sơn lâu ngày làm nó có phần thâm u, huyền bí.
Chú Hỏa - Hui Bon Hoa, hay như nhiều người Sài Gòn cũ vẫn gọi thân mật là chú chệt Hứa Bổn Hòa, gốc người Minh Hương - nhóm người Hoa rời bỏ Trung Quốc di cư sang nước ta khi triều đình Mãn Thanh tiêu diệt nhà Minh - được chúa Nguyễn cho định cư ở Nam bộ từ thế kỷ 17. Tương truyền, từ hai bàn tay trắng với một gánh ve chai trên vai, chú đã tạo dựng nên sự nghiệp lừng lẫy khiến cho người đời sau còn nhắc. Tòa nhà vốn là dinh thự chính của chú Hỏa, được xây dựng vào những năm 20 của thế kỷ trước. Từ trước năm 1975, tòa nhà đã có rất nhiều lời đồn đại, cho rằng ngôi nhà này có… ma! Nhiều người kể đã nhiều lần nhìn thấy bóng trắng thấp thoáng lướt đi qua các dãy hành lang trong đêm khuya, người khác khẳng định đã nghe hồn ma đêm đêm hiện về gào khóc.
Tương truyền, Chú Hỏa có hàng chục người con trai nhưng con gái thì chỉ có một, lại rất xinh đẹp nên chú đặc biệt cưng chiều. Bỗng nhiên, một thời gian không còn ai thấy cô con gái ấy xuất hiện nữa. Từ đó, vào những đêm khuya thanh vắng, từ trong tòa nhà vẳng ra tiếng kêu khóc thảm thiết. Rồi một sáng, người ta dọc được mẩu tin chú Hỏa đăng cáo phó báo con gái mất. Mẩu tin còn cho biết do con gái bị bạo bệnh ra đi bất đắc kỳ tử, lại nhằm vào giờ trùng nên tang lễ chỉ làm sơ sài, thi hài sẽ được đưa đi an táng tại khu đất thuộc Long Hải, cạnh ngôi biệt thự nghỉ mát của gia đình. Từ đó, dư luận bắt đầu đồn đại dữ dội, không ít người quả quyết đã tận mắt thấy “hồn ma” con gái chú Hỏa đêm đêm xuất hiện trong khu nhà gào rú, khóc than. Người khác bảo thấy có bóng áo trắng, tóc xõa, phất phơ lướt đi trong đêm, dọc hành lang, qua những cửa sổ để ngỏ.
Một ngôi nhà khác, nhỏ chừng 40m2 ở P.13, Q.Tân Bình mà lâu nay người ta đồn có ma đã bỏ hoang mười mấy năm không sử dụng. Hàng xóm xung quanh cửa đóng then cài, không dám mở cửa, người đi ngang thì cắm đầu chạy. Ngôi nhà “ghê rợn” ấy gắn với một vụ án mạng nghiêm trọng mà đến nay người ta còn nhớ rõ. Một buổi trưa cuối năm 2000, một phụ hồ gọi điện đến công an phường tố giác việc chủ nhân căn nhà thuê mình đào một cái hố sâu hoắm ở ngay chính giữa nhà. Người này khi vào còn nghe mùi tử khí nồng nặc. Hàng xóm cũng khẳng định nghe mùi thối bốc ra từ căn nhà này nhiều ngày. Vài ngày sau, lực lượng hình sự phá khóa vào nhà, khai quật cái hố ấy. Họ tá hỏa phát hiện 3 thi thể đang thối rửa bên dưới. Đó là ông bà Nguyễn Thiếp, Nguyễn Thị Tuyết Lan và con trai Nguyễn Minh Hòa. Gia đình này có 4 người, chỉ còn mỗi Nguyễn Minh Thuận, con trai lớn và là anh ruột của Hòa là bình yên vô sự. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, Thuận chính là thủ phạm gây ra cái chết của 3 người thân trong nhà. Trong một lần cãi vã, Thuận dùng thanh ma trắc bất ngờ đánh vào đầu Hòa từ phía sau. Bà Lan thấy thế bổ nhào vô ôm lấy Thuận, Thuận dùng côn nhị khúc vụt vào đầu bà, cả hai tiếp tục bị Thuận đánh cho đến chết trong cơn cuồng sát. Ông Thiếp từ quê lên cũng bị Thuận xô vào trong, giết nốt nhằm bịt đầu mối. Thuận chất xác cả gia đình mình lên chiếc giường, lấy mùng mền đậy lại. Vài hôm, xác bốc mùi, Thuận thuê người đến đào chiếc hố. Nguyễn Minh Thuận sau đó cũng lĩnh án tử, ngôi nhà hoang vắng luôn từ dạo đó và người ta nói rằng thường thấy 3 con ma bên trong, đêm nào cũng gào khóc.
Ngôi nhà mang nhiều lời đồn oan nghiệt khác nằm tại mặt tiền số 24 đường Lý Thái Tổ, P2, Q3, TPHCM. Trước đây, tại địa điểm trên là một cửa hàng bán xe máy khá lớn. Nhưng vụ hỏa hoạn thảm khốc đã biến tất cả ra tro bụi, kể cả 7 thành viên trong ngôi nhà chỉ trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ. Hơn 10 năm trôi qua, ngôi nhà vẫn còn nguyên những vệt khói ám đen đúa. Rạng sáng ngày 11/12/2001, một ngọn lửa phát ra từ tầng trệt ngôi nhà, bốc lên dữ dội và lan rất nhanh. Cao su từ vỏ ruột xe cháy tạo ra từng luồng khói đen đặc, mù mịt, trong khi mọi người đang ngon giấc, đến khi phát hiện thì đã quá trễ. Do buôn bán, làm ăn nên nhà có 2 lớp cửa sắt kiên cố và cũng như nhiều nhà phố khác ngôi nhà này không có lối thoát hậu, ban công và cửa sổ là nơi duy nhất mọi người có thể lao ra nhưng không phải ai cũng đủ bình tĩnh tìm lối thoát khi nguy cấp. Khi lực lượng cứu hộ trấn áp được ngọn lửa, ngoài 4 người được đưa đi cấp cứu, những người chứng kiến bàng hoàng vì thấy số người thiệt mạng quá lớn: 7 người, trong đó có đứa bé 3 tuổi và một bào thai. Những người thiệt mạng đều là con và cháu ruột của chủ hộ: ông La Văn T. và bà Lữ Thị N. Ông bà may mắn thoát chết cùng với người con La Hành T. - bị bệnh tâm thần và một người làm đã tìm cách nhảy sang nóc nhà bên cạnh, chỉ bị gãy chân. Theo lời khai và kết luận của cơ quan điều tra, người bất ngờ phóng hỏa chính là người con trai tâm thần của chủ nhà. Từ sau vụ cháy, không ai thấy những người còn lại trong ngôi nhà xuất hiện nữa. Cửa nhà được ai đó hàn 2 thanh sắt chắn ngang, tang tóc và hoang phế bao trùm.
Căn nhà “ma” ở P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM cửa đóng, dán bùa vì lời đồn có ma
Giữa mông lung và sự thật
Người dân xung quanh căn nhà cháy này lâu nay truyền miệng một câu chuyện rằng: Cứ ban đêm lại thấy một phụ nữ mang bầu, bế trên tay đứa con ra ngoài ban công đứng khóc. Trẻ con trong vùng lớn lên nghe chuyện về căn nhà đều không dám nhìn, cắm đầu chạy mỗi khi ngang qua căn nhà ấy. Nhiều người khác còn khẳng định đã nghe âm thanh sột soạt như tiếng chổi quét, cùng với tiếng lịch kịch từ trong nhà phát ra như ai đó đang dọn dẹp, quét tước, chuẩn bị bày hàng mỗi rạng sáng. “Tất cả chỉ là tin đồn, chưa ai tận mắt tháy nhưng mỗi sáng, khi chúng tôi đi tập thể dục, cứ liếc nhìn về phía căn nhà trơ trụi, lạnh lẽo đó đều không khỏi ớn lạnh và buồn” - chị Vân, một người dân sống gần căn nhà cháy nói.
Còn tại căn nhà có án mạng ở Tân Bình, giữa một con hẻm, dân cư đông đúc, nó càng là nỗi khiếp sợ của nhiều người. Vắng chủ nhân, không người thừa kế, ngôi nhà hoang tàn với chiếc hố được khai quật, đào xới lở lói, cát đá vương vãi… tiếp tục gây kinh hãi cho bà con lối xóm rất lâu sau đó. Một hôm, có người bà con đến lấp hố, quét vôi, sơn sửa, đổi số nhà. Tuy nhiên, nhà không có giấy chủ quyền nên không sang bán được, chỉ có người xa lạ đến thuê. Ám ảnh vì những lời đồn đãi, lần lượt hết người này, kẻ nọ đến rồi đi. Hiện ngôi nhà vẫn tiếp tục hoang vắng, lại chìm nổi trong những câu chuyện buồn về cả một gia đình trong phút chốc chẳng còn ai. Câu chuyện về các nữ sinh viên đến trọ học, rồi lần lượt kẻ trước người sau… bỏ chạy luôn luôn được người ta kể đi, kể lại không biết bao nhiêu lần. “Người ở lâu nhất chưa được đầy tháng, còn người mau nhất chưa tới 1 tuần” – những người hàng xóm kể. “Nửa đêm, chợt thấy một cô sinh viên tung cửa lao bắn ra khỏi nhà, vừa chạy vừa khóc” – một người dân phụ họa. “Buổi trưa có anh sinh viên đến tìm bạn gái. Gõ, gọi rồi đập cửa mãi một lúc sau mới thấy cô bạn xuất hiện, mặt mũi thất thần, cô ấy nói không ra mở cửa được vì bị đến… 3 cái bóng đè. Nhiều lần đến và đi như vậy, ngôi nhà lại được quét sơn mới và cửa lại dán thêm lá bùa mới chờ người kế tiếp đến thuê. Thế nhưng, câu chuyện cả chục năm khiến căn nhà đã trở nên “nổi tiếng”, không ai dám thuê nữa.
Trong số những nạn nhân của lời đồn đại, “đau khổ” nhất có lẽ là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM hay nhà Chú Hỏa ngày trước. Tôi đến nhiều lần, lần nào cũng nghe thấy chuyện ma. "Tòa nhà ấy có ma, hễ cứ vào những đêm mưa lại có tiếng khóc thét lên trong đó vọng ra khiến mọi người phải rùng mình", ông Quang, một người chạy xe ôm ở đường Nguyễn Thái Bình, thường đậu xe chờ khách bên hông Bảo tàng Mỹ thuật kể. Đồng nghiệp của ông chen thêm vào: "Có khi xuất hiện cả bóng ma trắng vật vờ trên những khung cửa, bóng ma ấy mang dáng dấp của một thiếu nữ". Không chỉ cánh xe ôm mà người buôn bán nhỏ, bán dạo ở cả khu phố này đều kể vanh vách về hồn ma đó, như họ từng tận mắt thấy vậy.
Có điều tôi chợt nhận ra, bảo tàng tuồng như phân thành hai thế giới, bên ngoài thì mông muội những lời đồn nhằng nhịt. Bên trong thanh bình yên ổn, sinh hoạt, triển lãm liên tục...cuộc sống nghệ thuật phả hơi thở từng giờ. Và có lẽ trong giới quản lý nghệ thuật, khó ai khổ bằng giám đốc bảo tàng Mã Thanh Cao. Ngoài công việc chuyên môn, bà bỏ ra nhiều năm tìm cách “giải oan” cho ngôi nhà này. "Tôi xin khẳng định ở đây không hề có ma như những lời thêu dệt. Tất cả những nhân viên, bảo vệ làm việc tại đây gần mấy chục năm, mọi người đều chưa từng một lần nhìn thấy "hồn ma" gì cả. Mỗi ngày¸ có rất nhiều sinh viên từ nhiều trường đại học, cao đẳng vào tận những ngóc ngách của tòa nhà để vẽ từ sáng đến tối mịt nhưng chúng tôi chưa hề nhận được phản hồi nào như những lời tương truyền kia"-bà khẳng định.
Bảo tàng đã mất nhiều thời gian liên hệ với dòng họ Hứa và được họ chứng minh ông Hứa Bổn Hòa, tức Chú Hỏa khi xưa chỉ có 3 người con trai mà không hề có bất cứ người con gái nào. Và như vậy, không có chuyện con gái ông chết, càng không có chuyện có hồn ma của cô ám ảnh suốt hàng thế kỷ như vậy. "Mặc dù vẫn có lời đồn thổi của một số người về những giai thoại hồn ma trong tòa nhà này, tuy nhiên không nên quan tâm đến những chuyện nhảm nhí đó. Chúng tôi chỉ cố gắng giữ gìn và phát triển tòa nhà ngày càng đẹp và ý nghĩa hơn”-giám đốc Cao tâm sự.
Như vậy là đã rõ, dù không thể chạm tới những luồng dư luận vỉa hè đồn thổi thì Bảo tàng Mỹ thuật thành phố cũng đã được minh oan thật sự. Thế còn những căn nhà khác gắn với những cái chết thảm? Chúng sẽ phải mang số phận hẩm hiu đến bao giờ? Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã phân tích với người viết: Trạng thái tâm của vong hồn nhiều xúc cảm nhất là lúc cận tử khiến họ hay trở về "thăm viếng" nơi họ mất. Vong hồn luyến tiếc nhà cao cửa rộng, của cải vật chất cũng thường quay lại làm Ma giữ nhà. Chết vật vã, đau đớn cũng thường trở về nhìn ngắm cái chết của mình. Tuyệt nhiên, họ không muốn và không thể làm hại ai. Trường hợp này cần giải thích cho họ biết là họ đã lìa trần, không vướng bận gì cả, hồn lìa khỏi xác rồi, không còn đau đớn, nhức nhối. Có khi do người sống luyên tiếc họ, tưởng đến cách chết của họ cũng khiến họ cũng quay về. Bà con lối xóm tiếp tục bị ám ảnh, tự kỷ ám thị nên dễ thấy họ hiên về. “Người sống đôi khi tự ám ảnh về những hồn ma sau cái chết đau đớn mà cứ day dứt mãi đến những điều đôi khi không thật. Chi bằng hãy ban trải tình thương thật sự, cầu cho các vong hồn siêu thoát, cũng là tạo phước đức cho người đang sống”-ông nói.