Nghe người bạn nhắc mãi về "cao thủ" có biệt tài "bắt ma", tôi hỏi địa chỉ và tìm đến để mục sở thị cho bằng được. "Nữ hoàng bắt ma" này tên Nguyễn Thị Đích (SN 1974, thôn Cốc Lương, xã Tân Hưng, Sóc Sơn, Hà Nội).
Một người có tới 13 con ma?
Tới nhà bà Nguyễn Thị Đích (mọi người quen gọi cô Đích), cả đoạn cổng dài chật kín xe ô tô, taxi, xe máy và cả vài chiếc xe đạp cọc cạch. Ngay từ quán nước đầu ngõ, bà lão bán hàng biết chúng tôi có ý định vào nhà cô Đích thì nhắc ngay: "Để xe ngoài này tôi trông cho, vào trong chật lắm".
Bà lão thu 5 nghìn đồng/xe máy và 10 nghìn đồng/ô tô. Rồi bà tiếp luôn: "Cô Đích giỏi lắm, muốn xem gì cũng được, cháu mua lễ luôn đi", nói đoạn, bà lão lấy hộp bánh và thẻ hương cho vào túi. Bà bảo đặt thêm 50 nghìn đồng tiền kèm lễ rồi dặn tôi cách thức vào diện kiến "cao thủ bắt ma" có một không hai này.
Toàn bộ khoảng sân rộng nhà cô Đích có mái tôn được bố trí 15 chiếc ghế đá cho khách tứ xứ ngồi chờ. Bên trong gian chính của ngôi nhà, hương khói, các mâm lễ chật kín.
Ngay bậc sân, một xô đựng hoa hồng để bán cho người vào lễ với giá 10 nghìn đồng/bông. Những đồ lễ khác như bánh kẹo, bánh chưng, giò, hương, tiền vàng... được bán sẵn ngay tại nhà em ruột cô Đích ở kế bên. Khi chúng tôi bước vào thì đã có khoảng 50 người ngồi la liệt trên hè, ngoài sân và vây quanh chiếc bàn ghi tên mà cô Đích đang ngồi.
Một cảnh tượng hỗn độn, nhuốm màu mê tín tưởng chỉ có trên phim hiển hiện ngay trước mắt tôi. Cô Đích ngồi vắt chân chữ ngũ ở bàn ghi tên và xem bói.
Sau khi ghi tên, tuổi các thành viên trong gia đình và nguyện vọng vào một mảnh giấy, người nhà sẽ đặt lễ từ 20 - 50 nghìn đồng. Có người sau khi được cô xem cho, đã rút tờ 500 nghìn đồng dúi vào tay cô Đích để cảm ơn.
Trên hè, một người phụ nữ gầy còm, tóc buộc rối, có vẻ nghèo khó đang nằm oặt. Người trong gia đình thay phiên nhau giữ cho chị này ngồi dậy. Thi thoảng, anh chồng lại bắt vợ chắp tay, trừng mắt cho cô Đích xem bệnh tình.
Bị bắt làm các động tác khác nhau với vẻ khó nhọc, người phụ nữ gầy còm chỉ chực nằm oặt xuống nền. Tức mình, người chồng vạm vỡ lắc mạnh người, khiến đầu chị lắc lư như muốn gập hẳn ra phía sau. Gia đình vội vàng can ngăn thì anh chồng mới chịu buông tay.
Hỏi ra mới biết, đây là lần thứ hai chị này được đưa tới gặp cô Đích. Buổi đầu tiên cô Đích đã xem xét và phán trong người chị đang bị 13 con ma nhập vào, mỗi ngày, người nhà phải thuê taxi từ Bắc Giang tới nhà cô Đích vì chị này không đủ sức gượng dậy.
Trông dáng vẻ người phụ nữ như ốm lâu ngày, PV tỏ ý thắc mắc sao gia đình không cho chị nhập viện, anh chồng hùng hổ: "Đang có 13 con ma nhập, mới bắt được một con thôi, nhập viện sao được. Hôm qua không sao nhưng con ma hôm nay còn bị hôi miệng, thật không chịu nổi".
Ngồi cạnh chị Dương Thị Lan (SN 1979, quê Bắc Giang), lân la hỏi chuyện tôi được biết chị đến đây từ 5h sáng xin cô Đích bắt ma để lấy được chồng.
Thấy tôi tỏ vẻ hoài nghi, Lan khẳng định: "Không bắt ma nên giờ chị vẫn chưa lấy được chồng đấy, ở làng chị có 4 chị em, sau khi đến nhờ cô bắt ma, cắt tiền duyên thì mới lấy chồng được".
Được biết, cô Đích chỉ bắt ma vào buổi chiều, dù rất nhiều người đến từ mờ sáng nhưng cô chỉ xem gia thế, vận hạn, tình duyên, mồ mả, phần âm. Bà Lê Thị Tính (Phú Bình, Thái Nguyên) tỏ vẻ rành về giờ giấc của cô, nói xen vào: "Hôm nay còn ít người đấy, ngày lễ, ngày nghỉ thì có cả vài trăm người đến".
Mỗi người đến đều mang một niềm hy vọng, có người đàn ông được cô Đích ghi cho vài chữ nguệch ngoạc về gia thế, vận hạn thì nâng niu như báu vật.
Giẫm, đạp, quắp cổ để... "bắt ma"
Đúng 3h chiều, trên khoảng sân rộng, cô Đích sai các đệ tử trải một chiếc bạt rộng, 3 chiếc chiếu kín hết khoảng sân rồi nhắc những ai đến "bắt ma" ngồi vào đó. Cùng lúc, cô vẫn vắt chân chữ ngũ, vừa ghi ghi, chép chép vừa phán tình duyên, công danh sự nghiệp, vận hạn... cho người tứ xứ.
Đoạn, cô mang gói kẹo vừng vừa nhai giòn tan vừa chia cho những người đang co ro trên nền ghế đá lạnh chờ được đuổi ma.
Để "bắt ma", cô Đích ngồi giữa sân khấn vái trong khi các đệ tử đã cận kề với các đồ lễ xung quanh. Khi cô nhắm mắt, một đệ tử ruột bảo hồn đã nhập vào cô. Cô Đích ngả người nằm dài rồi xoay thân hình thành vòng tròn, lúc lại giơ cao chân khua khoắng như người đang múa võ.
Thân hình đang nằm thượt, chợt cô Đích gồng chân nhanh như cắt rồi quặp cổ một người phụ nữ cạnh đó lôi vào. Rồi cô xoay người, giẫm đạp lên người phụ nữ khiến chị này sợ xanh mặt.
Đệ tử cô Đích nói liên hồi: "Xin cô tha cho đi". Người phụ nữ chắp tay vái liên hồi, sau khi chị này bỏ vài chục nghìn đồng vào mâm lễ thì coi như màn bắt ma đã xong.
Đoạn, cô Đích nằm bất động, tiếp sau cô trừng mắt, hai tay vồ lấy hai vai áo của hai người khác, đó là một thiếu nữ trẻ và một bà lão tuổi thất thập rồi giật phăng làm họ ngã dúi dụi trên nền. Trông "cao thủ đuổi tà" này chẳng khác nào một đô vật.
Thi thoảng, cô lại liếc mắt nhìn xung quanh rồi lảm nhảm. Người nào chẳng may đứng gần sẽ "ăn" phải những cú đạp đau điếng của "nữ hoàng bắt ma" này. Cô Đích dùng ngón tay làm vẻ viết gì đó, đệ tử biết ý đưa một cây viết và tập giấy trắng, "cao thủ bắt ma" này vừa nằm vừa hí hoáy viết 1 hàng chữ theo chiều dọc không ra ta cũng chẳng phải tàu.
Mọi người vẫn xì xụp vái lạy. Hết lượt người này đến người khác cứ nối tiếp nhau, cô Đích không ngừng trợn mắt, nói luyên thuyên rồi bất ngờ tung những cú đạp mạnh vào những người có ma ám ngồi quanh chiếu.
Không khó để nhận ra có sự kết hợp ăn ý của "cao thủ bắt ma" và hai đệ tử ruột, chỉ trong nháy mắt, hơn hai chục người được bắt ma, mỗi người sẽ mất chi phí từ 50 - 150 nghìn đồng, chưa kể tiền mua hoa, tiền xem đường âm...
Một điều dễ nhận thấy là đối tượng được cô Đích dùng chân giẫm đạp đều là phụ nữ gầy yếu, cánh đàn ông đến bắt ma chỉ ngồi như phỗng, khi cô chỉ tay thì mang tiền, lễ vào là xong.
Cứ thế, hễ tay cô Đích dừng ở người nào là lập tức, cánh đệ tử nhanh như cắt bảo cô thiếu tiền, thiếu nước, rượu...
Một đệ tử khác chuẩn bị một làn lớn tiền vàng, bánh kẹo nhét vào tay người nhà để đưa tay cho cô Đích rồi thu tiền với giá gấp nhiều lần bên ngoài. Một xấp tiền vàng lèo tèo vài tờ được tính giá 10 nghìn đồng.
Cô Đích đưa ra giá rất rõ ràng, bắt ma thường là 30 nghìn đồng, ma tàu 50 nghìn đồng, cộng với chừng 50 - 100 nghìn tiền đồ lễ/người, chưa kể gia đình nào được cô Đích nhắc lễ phải có bánh chưng, giò, tiền lễ cao thì khoản tiền tiêu tốn đến cả vài trăm nghìn đồng.
Ông Nguyễn Thành Đảng, phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng.
Chính quyền không khẳng định đó là mê tín?
Một vấn đề tưởng như là nghịch lý khi PV có dịp trao đổi với lãnh đạo xã Tân Hưng bởi phía chính quyền không hề cho đó là mê tín dị đoan.
Bà Nguyễn Thị Đích hành nghề gần 5 năm, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe, từ xe đạp, xế cà tàng cho đến ô tô xịn xếp hàng dài ở cổng nhưng khi PV hỏi đó có phải là mê tín dị đoan, ông Nguyễn Thành Đảng, phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng lại tránh trả lời thẳng vấn đề.
"Muốn biết mê tín dị đoan hay không thì huyện, thành phố phải vào cuộc. Phía xã chỉ có thể gọi lên giáo dục, nhắc nhở, tuyên truyền. Khi bị gọi lên xã, người ta bảo không mê tín, chỉ làm phúc", ông Đảng nói.
Tuy nhiên, khi PV khẳng định, ngay lúc đó, nếu xã cử người tới nhà bà Đích có thể tận mắt chứng kiến việc hành nghề mê tín thì ông Đảng lảng sang chuyện khác.
Đáng ngạc nhiên hơn là đoạn đường từ nhà bà Đích tới UBND xã không quá xa. Theo lời phó chủ tịch Nguyễn Thành Đảng, xã đã cử người đến gác ở cổng nhà bà Đích song chỉ làm được ban ngày và làm trong một thời gian ngắn. Vì người từ tỉnh khác đến vào ban đêm và do kinh phí có hạn nên chính quyền địa phương cũng bất lực.
Ngồi trên những chiếc ghế đá, co ro trong chiếc áo rét mỏng, người phụ nữ tên Hoa quê ở Bắc Giang tỏ vẻ lo sợ vì đến từ 5h sáng nhưng vẫn chưa được cô Đích bắt ma cho.
Chị e dè: "Chắc em phải chạy xe về, sáng mai qua sớm". Xung quanh sân, cả đám người xúm quanh cô Đích sau khi "hồn" nhập trong người cô đi mất để nắn bóp chân tay, vai cho cô đỡ mệt. Người thì đốt hương khấn vái xì xụp bên trong nhà, người thì quỳ ngay tại sân, người vật vã, có gia đình lại dìu người nhà đang bệnh ra taxi để về rồi mai lại tới.
Đệ tử của cô Đích phân trần, trước đây những người có nhiều ma có thể trú tạm qua đêm nhưng giờ không được. Anh Nguyễn Văn Hùng quê ở Bắc Giang đã đến lần thứ hai để nhờ bắt ma, khi được hỏi cô Đích có bắt ma được như lời đồn, anh khẳng định: "Cô Đích bắt ma giỏi lắm, vợ tôi không còn bị con ma ám ảnh nữa, giờ tươi tỉnh hẳn, nay tôi đi xem cho cậu em trai".
Chứng kiến cả quy trình bắt ma của cô Đích, tôi vẫn không lý giải được vì sao có quá nhiều người tin đến vậy. Có chăng, đó chỉ là sự trấn an về tâm lý như lời anh Hùng nói.
Hay như niềm tin sẽ lấy được chồng sau khi được thầy "đuổi ma" của chị Dương Thị Lan... Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần cương quyết hơn nữa để chấm dứt tình trạng hành nghề mê tín dị đoan kéo dài gần 5 năm qua.