Sự thật đáng sợ ít biết về bàn chải đánh răng của bạn

Theo một nghiên cứu tại trường đại học Mannchester, Anh, trung bình một chiếc bàn chải đánh răng có chứa khoảng 10 triệu vi khuẩn- bao gồm cả tụ cầu khuẩn và E. coli.

Bàn chải đánh răng của bạn nhìn có vẻ "vô tội" trong phòng tắm. Nhưng trước khi bạn đưa nó lên miệng, hãy xem xét điều này: theo một nghiên cứu tại trường đại học Mannchester, Anh, trung bình một chiếc bàn chải đánh răng có chứa khoảng 10 triệu vi khuẩn- bao gồm cả tụ cầu khuẩn và E. coli.

Miệng bạn chứa những gì?

Tại bất cứ thời điểm nào, có khoảng 100- 200 loại vi khuẩn sinh sống trong miệng của bạn. Theo Ann Wei, một nha sĩ tại San Francisco: “Trong khoang miệng chưa được làm sạch có thể có rất nhiều vi trùng như một sàn nhà tắm bẩn”. Thêm vào đó, chính bàn chải đánh răng của bạn lại là một thỏi nam châm nhỏ hút vi khuẩn, thu hút vi khuẩn từ các nguồn khác nhau. Nếu bạn để bàn chải đánh răng trong phòng tắm, nó sẽ hút những vi khuẩn bắn ra khi bạn rửa tay, và như vậy là bạn đã nhận lại những gì bạn đã rửa đi từ đôi tay của mình.

Nhà vệ sinh và bàn chải đánh răng

Charles Gerba, tiến sĩ, giáo sư khoa vi sinh và khoa học môi trường, trường đại học Y tế công cộng Arizona đã chỉ ra rằng, vi khuẩn và virut từ các chất thải của bạn trong bồn cầu lưu lại trong không khí đủ lâu để bám vào các bề mặt trong cả nhà tắm. Một nghiên cứu của Anh đã phát hiện ra rằng, vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy có thể bay cao tới 10 inch trong nhà vệ sinh.

Và nếu bạn đánh rơi bàn chải đánh răng trên sàn nhà, ngay lập tức nó sẽ tiếp xúc với các loại bụi bẩn, vi khuẩn trú ngụ tại đó, kèm theo bất cứ gì có thể bám theo bàn chân của con người.

Không sử dụng hộp nhựa

Bạn có để bàn chải của mình trong một hộp kín không? Nếu không thì đừng làm vậy. Bàn chải đánh răng sẽ không thể khô sau mỗi lần sử dụng, điều này sẽ làm gia tăng sự phát triển của nấm mốc. Ngoài ra, nếu bạn để bàn chải đánh răng của cả gia đình trong cùng một hộp, vi khuẩn có thể truyền từ cái này sang cái khác khi các đầu bàn chải chạm nhau. Điều này sẽ cực kỳ tệ hại khi có một người bị ốm.

Cùng với đó, việc dùng chung kem đánh răng cũng có thể lây truyền vi khuẩn từ bàn chải này sang bàn chải khác.

Dưới đây là những gì bạn cần làm để giữ cho bàn chải mình sạch nhất có thể.

- Thay bàn chải mới. Judith A. Jones, nha sĩ, thạc sĩ y tế công cộng, tiến sĩ khoa học về nha khoa, giáo sư và đồng thời là chủ tịch, trưởng khoa răng hàm mặt của trường đại học Boston khuyến cáo, thay mới bàn chải của bạn 3-4 tháng 1 lần, hoặc khi bàn chải bị loe hoặc sờn. Việc thay mới đảm bảo rằng bạn đang sử dụng bàn chải một cách có hiệu quả và giúp bàn chải của bạn tránh khỏi vi trùng.

- Sử dụng đúng kem đánh răng. Trong khi hầu hết các loại kem đánh răng đều loại bỏ vi khuẩn, vẫn có những loại sử dụng tốt hơn những loại khác. Kem đánh răng có chứa triclosan/ copolymer sẽ tốt hơn các loại kem đánh răng chứa fluoride thông thường khác trong việc loại bỏ vi khuẩn trong miệng.

- Không dùng chung bàn chải đánh răng. Nếu bạn thực sự muốn an toàn, tốt nhất hãy để bàn chải và kem đánh răng của các thành viên trong gia đình riêng biệt.

- Làm sạch lông bàn chải. Thỉnh thoảng bạn nên ngâm đầu lông bàn chải trong nước oxy già hoặc nước súc miệng diệt khuẩn, đặc biệt là khi bạn làm rơi bàn chải xuống sàn. Sau mỗi lần chải răng bạn cũng nên làm sạch đầu bàn chải với nước máy hay xà bông diệt khuẩn, và đảm bảo rằng bạn đã rửa sạch và không còn mùi xà phòng vương lại.

- Luôn luôn đậy nắp bồn cầu.

- Không để bàn chải trong hộp kín. Bạn có thể để bàn chải đánh răng trong tủ thuốc, đó cũng là một ý kiến hay, nhưng cần đảm bảo là có đủ không khí để làm khô bàn chải của bạn sau mỗi lần sử dụng. Và nếu bạn để chung bàn chải đánh răng với nhau, hãy chắc chắn rằng đầu bàn chải không chạm vào nhau.